Tôi đã nghiên cứu về chỉ số cảm xúc (EQ) trong vài năm. Tôi thích tìm hiểu về nó và nỗ lực điều chỉnh cảm xúc của mình, rồi áp dụng những kỹ năng này vào công việc và cuộc sống. Qua nhiều năm nghiên cứu, tôi nhận thấy rằng, những người có mức EQ cao thường có khả năng nhận thức rõ ràng hơn, năng suất làm việc tốt hơn và tốc độ thăng tiến cũng nhanh hơn.
Theo nội dung cuốn sách "Trí tuệ cảm xúc 2.0" của Travis Bradberry: "EQ là yếu tố rất quan trọng để dẫn đến thành công. Nó chiếm 58% hiệu suất trong tất cả các loại công việc".
Chủ đề về EQ đã bắt đầu được mang ra tranh luận từ giữa những năm 1990 và những cuộc nghiên cứu xung quanh chủ đề này cũng được thực hiện khá phức tạp.
Giáo sư Adam Grant (tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như "Give and Take", "Originals" và "Option B") đã từng phát biểu trong một bài báo có tên "Emotional Intelligence Is Overrated" như sau: "Tôi nghĩ việc đưa ra quyết định tuyển dụng hoặc thăng chức dựa trên EQ là một sai lầm".
Vậy yếu tố nào vượt trội hơn cả EQ?
Grant quyết định làm một cuộc thử nghiệm so sánh sự vượt trội giữa EQ và Khả năng nhận thức (IQ). Cả hai đều được thực hiện theo quy trình và trải nghiệm tâm lý giống nhau, từ tiếp nhận thông tin, lĩnh hội, lập luận, ghi nhớ và giải quyết vấn đề.
Grant mô tả nghiên cứu của mình như sau: "Chúng tôi thực hiện nghiên cứu trên hàng trăm nhân viên kinh doanh. Họ sẽ làm 2 bài kiểm tra EQ để đo lường khả năng lĩnh hội, am hiểu và kiểm soát cảm xúc. Chúng tôi cũng cho họ làm một bài kiểm tra trong 5 phút về khả năng nhận thức, trong đó họ phải giải một số bài toán logic. Sau đó, chúng tôi tiếp tục theo dõi doanh số bán hàng của họ trong vài tháng".
Kết quả mà Grant thu được là:
Khả năng nhận thức (IQ) có hiệu quả mạnh hơn gấp 5 lần so với EQ. Những nhân viên trung bình có IQ cao tạo ra doanh thu hàng năm trên 195.000 USD. Những người có mức IQ trung bình tạo ra 159.000 USD và những người có mức IQ thấp là 109.000 USD. Ngược lại, EQ không mang lại giá trị bổ sung nào sau khi thực hiện cuộc thử nghiệm.
Đây thực sự là một kết quả đáng buồn dành cho những người đang học cách rèn luyện EQ như tôi.
Để khẳng định "EQ không mang lại giá trị bổ sung nào", Grant đã thực hiện lại một cuộc nghiên cứu với hàng trăm các ứng viên đang tìm việc. Họ biết rằng, kết quả của cuộc thử nghiệm sẽ có thể mang lại hoặc phá vỡ khả năng tìm việc làm của họ. Và một lần nữa, IQ lại đánh bại EQ về mặt hiệu quả.
Dù cho Grant có ác cảm với EQ hay không, thì ta cũng không thể phủ nhận kết quả từ những phân tích tổng hợp đầy thuyết phục của ông. Grant còn lấy dẫn chứng từ nghiên cứu của Dana Joseph và Dan Newman, về mức độ ảnh hưởng của EQ đến hiệu quả công việc. Cả hai cũng kết luận rằng "Khả năng nhận thức (IQ) chiếm đến hơn 14% hiệu quả công việc. Trong khi đó EQ chỉ chiếm dưới 1% mà thôi".
Những phân tích của Grant hoàn toàn đối lập với lập luận của Daniel Goleman, người mà hơn 20 năm trước, đã khẳng định rằng: "EQ quan trọng hơn IQ".
Grant thừa nhận rằng EQ vẫn rất cần thiết trong những công việc đòi hỏi sự tương tác cao với nhiều loại người khác nhau như bán hàng, bất động sản, và tư vấn,... Tuy nhiên, khi nói về hiệu quả công việc, khả năng nhận thức vẫn chiếm ưu thế.
Grant chia sẻ: "Nếu công việc của bạn chủ yếu là xử lý dữ liệu, kỹ thuật, chứ không phải là làm việc với con người và cảm xúc, thì bạn không nhất thiết phải giỏi nắm bắt tâm lý người khác hoặc kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Nếu công việc của bạn là sửa xe hơi hoặc tính toán sổ sách, thì việc chú ý đến các vấn đề liên quan đến cảm xúc có thể khiến bạn phân tâm và làm việc thiếu hiệu quả".
Phản ứng của Daniel Goleman!
Goleman cho rằng, bài báo của Grant là một sự phản đối đầy gay gắt đối với EQ, và ông không coi trọng những lập luận của Grant cho lắm.
Daniel Goleman là tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Emotional Intelligence", được xuất bản vào năm 1995. Đây là một trong những cuốn sách được bán chạy nhất của tờ New York Times, trong suốt một năm rưỡi. Tiếp đó, ông đã viết cuốn "Working with Emotional Intelligence" vào năm 1998. Nội dung của cuốn sách cho rằng, EQ có vai trò quan trọng tương đương với IQ trong việc mang lại thành công trong công việc và trong lĩnh vực lãnh đạo. Điều này trái ngược với quan điểm của Grant.
Goleman tin rằng, có 2 trường phái tư tưởng đang diễn ra, và nhận định bài phê bình học thuật của Grant đã có những điểm thiếu sót. Sau khi bài viết của Grant được đăng tải khoảng 2 tuần thì Goleman cũng đã đăng tải phản hồi của mình trên trang LinkedIn:
Giới học thuật có những quy định về bằng chứng khác với những người trong giới doanh nghiệp. Những điều được đăng trong các tạp chí chuyên ngành không hoàn toàn là những thứ có hiệu quả. Từ đó, nảy sinh sự khác biệt trong các quan điểm đối lập về EQ. Giới học thuật rất khắt khe về các phương pháp nghiên cứu, và họ thường tiến hành phân tích từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau khi thực hiện thử nghiệm.
Sự đánh giá về EQ mà Grant đã chọn để nói trong bài báo của mình, là dựa trên mô hình phổ biến nhất trong giới học thuật. Nó xuất phát từ rất nhiều bài kiểm tra trí thông minh. Chúng được thiết kế để cho thấy khả năng cảm xúc của con người khác biệt như thế nào so với IQ.
Những người trong giới doanh nghiệp lại có những vấn đề cấp thiết hơn như: Tôi nên làm gì vào sáng thứ Hai? Làm thế nào để biết được người nào đang làm việc hiệu quả nhất? Tôi nên giúp người khác cải thiện những kỹ năng và khả năng nào?
Trong khuôn khổ EQ của Goleman, khi bạn nhận được một công việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình và bắt đầu quan tâm những yếu tố như: nâng cao vai trò của bạn, thăng tiến, lãnh đạo người khác hay chuyển việc dựa trên bối cảnh chính trị. Khi đó, EQ sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều so với IQ của bạn. Lý do là vì, tất cả những người đang cạnh tranh với bạn trong cùng một lĩnh vực đều thông minh như bạn. Lúc này, EQ sẽ là yếu tố quyết định để đưa bạn lên đến những vị trí cao hơn.
Theo lời của Goleman: "Nếu bạn là một kỹ sư tài năng, chế tạo được một công cụ tốt hơn, thì cũng sẽ chả có ai chú ý đến bạn. Trừ khi bạn có thể giao tiếp, thuyết phục và làm mọi người quan tâm đến công cụ đó. Bạn cần phải có EQ tốt để làm những việc này".
Goleman trích dẫn từ một nhà bình luận sắc sảo trên trang LinkedIn của Grant, như sau: "Những người không có EQ phù hợp sẽ không thể làm việc trong những ngành nghề mà Grant đã nói rằng, cảm xúc là không cần thiết". Nó là những ngành như kỹ thuật, kế toán và khoa học. Nhà bình luận cũng nói thêm với Grant rằng: "Tôi thực sự khuyên bạn nên nói chuyện với các chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn đề cập, trước khi viết một bài báo về điều gì có liên quan đến những nghiên cứu của họ".
Mộc Dương
Theo INC