Sau gần hai năm đại dịch, nhiều nước đã dần bắt đầu khôi phục hoạt động kinh tế. Dù các hạn chế đã được nới lỏng hơn trước nhưng các doanh nghiệp (DN) lại đang đối mặt với hàng loạt thách thức phát sinh sau dịch.
Dịch tràn qua, kéo theo cả người lao động
Một thách thức lớn mà rất nhiều DN đang gặp phải là tình trạng thiếu người lao động. Thường thì sau một đợt suy thoái, người tiêu dùng dè dặt chi tiêu, DN cũng thận trọng trong việc tuyển người, người thất nghiệp thì năng động tìm việc. Tuy nhiên, lần này ngược lại, sức chi tiêu đang tăng cao, các chủ lao động gấp rút tuyển người nhưng người lao động lại không mặn mà quay lại.
Ngành xây dựng ở Singapore đang phải đối mặt nhiều thách thức sau dịch, từ thiếu nhân lực cho đến chi phí nguyên vật liệu tăng. Ảnh: STRAIT TIMES
Chẳng hạn tại Mỹ, so với thời điểm trước khi đại dịch xảy ra gần hai năm trước, số người lao động ở nền kinh tế số một thế giới này bị hụt khoảng 4,3 triệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các DN chạy đua hoạt động lại và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng sau dịch, lượng người lao động cần cao hơn gấp đôi con số này, tức 10 triệu. Song trong tháng 9, các chủ DN chỉ tuyển được tổng cộng 194.000 người lao động, hãng tin AP dẫn số liệu từ Bộ Lao động.
Các lĩnh vực thiếu trầm trọng người lao động là sản xuất, bán lẻ, vận tải, tiện ích, các ngành nghề cần chuyên môn cao. Nhân lực trong mảng nhà hàng, quán bar thời điểm tháng 9 giảm 7,6% so với hồi tháng 2-2020. Lượng lớn quán xá, nhà hàng phải giảm thời gian mở cửa vì không đủ nhân viên. Nhân lực ngành khách sạn giảm 17% so với trước dịch.
Nhiều DN thuộc các lĩnh vực đã dùng đến giải pháp tăng lương để thu hút người lao động nhưng vẫn chưa thể tuyển đủ người. Các tập đoàn bán lẻ như Amazon và Walmart đã thông báo kế hoạch tuyển hơn 300.000 người lao động trong vài tháng tới. Các tập đoàn giao nhận như USP và FedEx hy vọng thời gian tới sẽ tuyển được 200.000 người.
Bên kia Đại Tây Dương, Anh cũng đang gặp khó với tình trạng thiếu hụt người lao động. Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố ngày 14-10 cho thấy có tới 41% DN - đặc biệt DN vừa và nhỏ - đang vật lộn với việc tuyển người. Một nguyên nhân chính là số người lao động từ các nước Liên minh châu Âu (EU) chưa chịu sang Anh làm việc.
Từ đầu năm nay, Anh yêu cầu phần lớn công dân EU nếu không sống ở Anh thì phải có visa làm việc, một quy định gây mất thời gian và tốn kém với họ. Các chủ DN ở Anh kêu gọi chính phủ hoãn thực hiện quy định này nhưng không được đồng ý.
Số tài xế còn làm việc ở Anh thời điểm cuối tháng 6 ít hơn 12% so với cuối năm 2019. Các lĩnh vực khác như nông nghiệp cũng phụ thuộc phần lớn vào nhân công EU. Thiếu nhân công khiến nhiều chủ nông trại gặp khó, buộc phải thi nhau tăng lương để lôi kéo người lao động về làm việc cho mình.
Doanh nghiệp lớn nhỏ gì cũng lao đao
Cũng xảy ra tình trạng thiếu người lao động nhưng mức độ ở Trung Quốc (TQ) không căng bằng ở Mỹ. Thay vào đó, các DN TQ lại chịu thêm nỗi khổ khác: Thiếu điện và giá nhiên liệu tăng. TQ bắt đầu khan hiếm điện từ tháng 6 và tình hình tệ thêm khi giá than liên tục tăng, các địa phương nỗ lực đáp ứng các mục tiêu cắt giảm khí thải mà trung ương đề ra.
Số liệu khảo sát của Cục Thống kê quốc gia TQ công bố ngày 14-10 cho thấy chỉ số hoạt động sản xuất của nước này trong tháng 9 giảm hơn trong tháng 8. Đây là lần giảm nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch xảy ra. Các nhà máy ở hơn 20 tỉnh phải sản xuất cầm chừng.
Điều này rất nghiêm trọng vì sản xuất và xây dựng - vốn cần nhiều điện, nhiên liệu - nắm vai trò chính trong việc khôi phục kinh tế TQ và mang tính sống còn với tăng trưởng. Vài ngày trước, cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Công ty dịch vụ tài chính Nomura (Nhật) và Ngân hàng Goldman Sachs cùng giảm dự báo tăng trưởng của TQ, mà nguyên nhân chính là thiếu điện.
Còn tại Nhật, theo hãng tin Reuters, kinh tế nước này đang cảm nhận tác động tiêu cực từ việc thiếu hụt chip trên toàn cầu và chi phí nguyên vật liệu thô tăng cao. Thực tế này ảnh hưởng nặng đến lĩnh vực sản xuất, đặc biệt ở ngành ô tô.
Tại Singapore, các DN xây dựng đang phải đối mặt nhiều thách thức sau dịch, từ thiếu nhân lực cho đến chi phí nguyên vật liệu tăng cao chưa từng thấy. Phần lớn nhân công xây dựng đến từ Ấn Độ, Bangladesh, một ít từ TQ, Myanmar… Các DN phải tăng lương để giữ người lao động. Lương nhân công tăng 46% so với thời điểm trước dịch. Vì khó làm ăn, trong tám tháng kể từ đầu năm 2021, hơn 1.500 DN trong lĩnh vực xây dựng ngừng hoạt động.
Ở Seoul (Hàn Quốc), nhiều chủ nhà hàng vốn trước dịch làm ăn ổn định, không nợ nần gì thì giờ phải chạy vay tiền khắp nơi, kể cả vay nóng chịu lãi cao, theo báo Hankyoreh.
Nói với Hankyoreh, cô Lee, chủ một quán rượu ở Seoul, cho biết doanh số của quán giảm gần 80% trong dịch và cô phải liên tục đi vay tiền để duy trì quán. Theo cô, sau hơn một năm rưỡi dịch thì nhiều chủ DN nhỏ đã hết sạch tiền, thậm chí không còn khả năng vay ngân hàng mà phải tìm tới các cá nhân cho vay lãi cao.
Doanh số giảm 90% trong mùa dịch trong khi vẫn phải trả chi phí, cô Kim chuyên bán buôn quần áo ở Seoul phải vay cả tư nhân với lãi suất hơn 20%.•
Khan hiếm người lao động đang thúc đẩy các công ty thích ứng bằng các giải pháp như tăng lương, đổi mới dịch vụ và đầu tư vào tự động hóa, theo báo Wall Street Journal. Ngành kinh doanh thiết bị xử lý thông tin tăng 16% số lượng mặt hàng bán ra trong năm nay, so với mức tăng trung bình hằng năm 4% trong 10 năm qua, theo thống kê của Công ty Moody’s Analytics. |
Tình trạng thiếu người lao động có thể kéo dài nhiều năm AP dẫn ý kiến nhiều nhà kinh tế học vẫn tin rằng những người đã mất việc vì dịch COVID-19 rồi sẽ quay lại tìm việc một khi đại dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, tham khảo từ những gì diễn ra sau cuộc suy thoái 2008-2009 thì phải mất hàng năm lực lượng lao động mới được khôi phục bằng mức trước đó. Nhiều ý kiến lo ngại rằng tình trạng thiếu người lao động sẽ kéo dài không chỉ vài năm mà thậm chí có thể là vĩnh viễn. 22/52 nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát dự đoán rằng lực lượng lao động ở Mỹ sẽ không bao giờ trở lại mức trước đại dịch. |