Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020 cho thấy, hiệu quả đầu tư ra nước ngoài của 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm VietinBank, BIDV, Vietcombank và Agribank có sự chênh lệch đáng kể.
Cụ thể, đối với VietinBank, tổng số dư đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết, đơn vị nhận vốn khác đến cuối 2020 là 5.928 tỷ đồng với 7 công ty con và 1 ngân hàng con. Trong đó, tổng giá trị đầu tư 3.840 tỷ đồng, chiếm 65% tổng giá trị danh mục; 1 công ty liên kết với tổng giá trị đầu tư là 1.689 tỷ đồng, chiếm 28% tổng giá trị danh mục; 2 khoản đầu tư sẵn sàng để bán (chứng khoán vốn) với tổng giá trị 377 tỷ đồng, tương đương 6% tổng giá trị danh mục; 2 khoản đầu tư dài hạn khác với tổng giá bị là 23 tỷ đồng, tương đương 0,4% tổng giá trị danh mục.
VietinBank cho biết, hoạt động của các công ty con ở trong nước và tại nước ngoài năm 2020 đều có lãi và dự kiến lợi nhuận chuyển về trên 200 tỷ đồng.
Đối với BIDV, tổng giá trị các khoản đầu tư, góp vốn là 8.198 tỷ đồng, chiếm 19,15% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, không thay đổi so với thời điểm cuối năm 2019. Nguồn vốn trên của BIDV đầu tư vào 8 công ty con với số tiền là: 5.829,5 tỷ đồng, chiếm 71% tổng danh mục đầu tư (không thay đổi so với năm 2019), lợi nhuận sau thuế của các công ty con năm 2020 đạt 542 tỷ đồng, tăng 80 tỷ đồng (17,3%) so với năm 2019.
Về 4 công ty liên kết, vốn góp là 2.214 tỷ đồng, chiếm 27% tổng danh mục đầu tư; lợi nhuận sau thuế đạt 450 tỷ đồng, giảm 76 tỷ đồng (-14,4%) so cuối năm 2019, riêng công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ (BML) lỗ 13,1 tỷ đồng.
BIDV có 4 dự án đầu tư tại nước ngoài, gồm: Ngân hàng liên doanh Lào - Việt (LVB) tại Lào, Công ty TNHH BIDV Quốc tế (BIDVI) tại Hồng Kông, BIDV - Chi nhánh Yangon tại Myanmar và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) tại Campuchia. Trong đó 2 dự án hoạt động kém hiệu quả và đang trong quá trình hoạt tất thủ tục đóng cửa.
Đối với Vietcombank, tổng giá trị vốn đầu tư là 5.8587 tỷ đồng, chiếm 15,06% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, giảm 270 tỷ đồng (4,6%) so với thời điểm cuối năm 2019 (do thoái vốn tại Cardif VCLI).
Trong đó, Vietcombank đầu tư vào 10 công ty con, công ty liên kết, với tổng vốn đầu tư đạt 3.999 tỷ đồng, chiếm 72% danh mục đầu tư; kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty đều ổn định.
Vietcombank đầu tư dài hạn khác gồm 11 khoản đầu tư, với tổng vốn đầu tư 1.588 tỷ đồng, chiếm 28,4% tổng danh mục đầu tư; danh mục đầu tư dài hạn khác tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực tổ chức tín dụng (chiếm 71%) và hàng không chiếm (19%).
Vietcombank có 3 khoản đầu tư ra nước ngoài gồm Công ty Chuyển tiền Vietcombank (VCBM, trong đó Vietcombank sở hữu 87,5%), Công ty Tài chính Việt Nam - Hồng Kông (VFC) và Ngân hàng TNHH MTV Ngoại thương Việt Nam tại Lào (sở hữu 100% vốn). Vietcombank cho biết, tính đến 31/12/2020, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư tại VCBM và VCB Lào có lãi; riêng VFC lỗ trong hoạt động.
Đối với Agribank, tổng giá trị đầu tư ra nước ngoài là 2.440,4 tỷ đồng, gồm 5 công ty con (3 công ty con do Agribank sở hữu 100% vốn điều lệ, 2 công ty con do Agribank sở hữu dưới 100% vốn điều lệ); 5 khoản đầu tư dài hạn khác. Ngoài ra công ty do Agribank sở hữu 100% vốn điều lệ (Công ty Cho thuê tài chính II) Tòa án Nhân dân TP.HCM đã có quyết định tuyên bố phá sản.
Trong năm 2020, Agribank nhận được cổ tức từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư là 46,25 tỷ đồng, tăng 17,45 tỷ đồng (+61%) so với cổ tức nhận được trong năm 2019. Hiệu quả đầu tư tăng, Agribank không phải trích lập thêm và được hoàn nhập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính 270,2 tỷ đồng.
Agribank có 1 chi nhánh tại Campuchia với tổng vốn đầu tư là 39.000.000 USD, tương đương 663,858 tỷ đồng. Đến 31/12/2020, chênh lệch thu-chi (chưa lương trước thuế) của Agribank Chi nhánh Campuchia năm 2020 đạt 24,5 tỷ đồng.
Về hoạt động trong nước, tính đến cuối năm 2020, 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh dẫn đầu về cả thị phần tín dụng và huy động với tỷ lệ xấp xỉ 50% ở cả 2 chỉ tiêu.
Trong đó, ngân hàng có thị phần tín dụng lớn nhất hiện nay là BIDV với 13,4%; Agribank với 13,1%; VietinBank với 11,2% và Vietcombank với 9,2% thị phần cho vay toàn hệ thống ngân hàng.
Đình Vũ
Nhà Đầu Tư