Du khách nước ngoài và nội địa tham quan chợ đêm Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trước đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khi không có nhất quán quy định sẽ làm cho người dân ngán ngại đi lại khiến thị trường du lịch không thể phục hồi, doanh nghiệp co cụm cũng chưa dám mở cửa.
Một quốc gia phải nhất quán
Chỉ khái niệm "tự theo dõi sức khỏe tại nhà" chứ không phải cách ly tại nhà đã mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu. Có địa phương P tính toán mở cửa đón khách du lịch nhưng vừa ra dự thảo quy định khách phải theo dõi sức khỏe tại khách sạn, resort, không được ra ngoài 7 ngày... Thử hỏi có khách nào dám đi du lịch không?
Quy định như vậy, ngay cả khi mở ra hình thức du lịch charter flight (thuê trọn chuyến bay) cho khách quốc tế hoặc là thị trường du lịch trong nước muốn mở ra liệu khách có dám đi với ngăn cách kiểu này?
Bản thân tôi cũng vừa ra một địa điểm nổi tiếng về du lịch để xúc tiến chuẩn bị mở cửa để hoạt động lại. Đến khách sạn thì cảnh sát khu vực tới nói tôi phải ở yên trong khách sạn, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày, dặn đừng đi đâu.
Theo cách này chẳng khác nào tôi phải cách ly ở khách sạn một tuần? Tâm lý du khách hiện nay rất ngại những rào cản y tế kiểu này, nói nới nhưng thực tế vẫn siết, nên khách hàng du lịch trong ngắn hạn vẫn chưa thể quan tâm tới các sản phẩm doanh nghiệp tung ra.
Việc thực hiện không nhất quán chính sách di chuyển và cách ly y tế của quốc gia, trong đó mỗi địa phương mỗi kiểu sẽ là rào cản rất lớn cho việc hồi phục các thị trường du lịch, kể cả việc đi lại của khách hàng gặp gỡ đối tác, ký kết làm ăn...
Lo lắng vì độ chênh lớn
Ở góc nhìn doanh nghiệp, sau khi có nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GTVT, dù các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều chỉnh nhưng vẫn có độ chênh rất khác nhau giữa các địa phương. Điều này khiến doanh nghiệp rất lo lắng.
Tôi cho rằng đầu tiên phải nhất quán chính sách từ Chính phủ xuống địa phương một cách rõ ràng, không có chuyện địa phương có nguyên tắc riêng. Tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế phải có hướng dẫn nhất quán cho người dân đã đủ điều kiện về miễn dịch (tiêm ngừa 2 mũi, có chứng nhận âm tính hoặc F0 đã khỏi bệnh) được tham gia các hoạt động bình thường trở lại, mở ra sự hồi phục cho thị trường du lịch nội địa và kể cả quốc tế dần hồi phục.
Khi chính sách quốc gia mở cửa nhưng địa phương có cách làm khác nhau thì thực tế sẽ chưa thật sự mở cửa, có thể dẫn đến hệ lụy tất cả ngăn cách và đóng cửa. Muốn mở lại, doanh nghiệp phải tính toán rủi ro. Nên họ chỉ mở cửa khi chính sách có tính ổn định. Muốn hồi phục kinh tế thực sự, cần tạo niềm tin đủ để doanh nghiệp có dũng khí trở lại trong giai đoạn "bình thường mới".
Nhiều thứ "đau đầu"
Vấn đề "đau đầu" của khách hàng là không rõ địa phương quy định cách ly hay không cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, xét nghiệm hay không xét nghiệm. Tất cả những chuyện này không có nhất quán với tầm chính sách quốc gia. Điều này dẫn đến tâm lý ngán ngại, tiêu cực cho người dân và những người muốn đi du lịch nội địa.
Người dân chưa tự tin để bước ra khỏi nhà thì làm sao dám đi du lịch. Chưa kể, nhiều địa phương có cách hiểu và vận dụng thông tư liên bộ Y tế và GTVT một cách không thống nhất, khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn mở cửa mà tiếp tục chờ.
TTO - Chính những người làm việc tại doanh nghiệp hằng ngày đã chia sẻ với diễn đàn những câu chuyện của họ. Có cả kinh nghiệm nước ngoài và cả âu lo cần được cân nhắc giải quyết khi công nhân đi làm, lúc con cái chưa được tiêm vắc xin.