Báo cáo tại phiên họp nêu rõ, việc thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch xây dựng Đề án được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, làm cơ sở và tiền đề cho việc xây dựng Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về cải cách tư pháp. Các nội dung về cải cách tư pháp được xây dựng trong Nghị quyết sẽ là những quan điểm chỉ đạo lớn của Đảng đối với công tác tư pháp và có ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an trong điều tra hình sự, thi hành án hình sự…
Toàn cảnh phiên họp. |
Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá và đề xuất việc phân công, xác định rõ từng nhiệm vụ đối với các cá nhân và đơn vị. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án cần rà soát các quy định để tránh việc chồng chéo giữa các quy định và đảm bảo tính phù hợp trong thực tiễn; đồng thời tập trung phân tích làm rõ mối quan hệ của cơ quan điều tra trong ngành Công an với các cơ quan liên quan khác.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định đây là hoạt động rất quan trọng của lực lượng Công an, do đó, các đơn vị cần tập trung trí tuệ, nghiêm túc nghiên cứu, bác bỏ những quan điểm sai trái, có lộ trình phù hợp để việc xây dựng Đề án bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. |
Đồng chí Bộ trưởng cũng lưu ý, việc nghiên cứu các chuyên đề phục vụ xây dựng Đề án phải dành thời gian phù hợp với khối lượng của nội dung các chuyên đề, không vì gấp mà nghiên cứu sơ sài sẽ không bảo đảm được chất lượng. Đồng thời, phải thường xuyên tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của Công an các đơn vị, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học để tổng hợp đưa vào nội dung xây dựng Đề án nhằm bảo đảm khoa học, phù hợp với thực tiễn.