Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: TỰ TRUNG
Điểm lại diễn biến dịch COVID-19 trong đợt bùng phát thứ 4 tại kỳ họp HĐND khóa X lần thứ 3 sáng 19-10, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết giai đoạn đầu vào tháng 5-2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng ở cấp độ 1, tức là dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần.
Tuy nhiên, chỉ sau tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2, từ 20-50 ca mắc/100.000 dân/tuần. Số ca mắc trong tuần tăng nhanh từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần, tử vong tăng từ 7 ca/tuần lên 20 ca/tuần.
Ngày cao điểm lên đến 17.400 ca mắc/ngày
Giai đoạn này, TP đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến với 900 giường và chuyển công năng của 9 bệnh viện trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 với 4.238 giường. UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo chỉ thị số 15 từ ngày 31-5.
Dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, đến ngày 7-7, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3, từ 50 đến dưới 150 ca/100.000 dân/tuần. Đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất, số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000.
Sau đó, TP bắt đầu thực hiện chỉ thị số 16. Tuy nhiên, dịch bệnh lây lan rất nhanh, cho đến ngày 16-7, tình trạng dịch của TP tiếp tục chuyển sang cấp độ 4, trên 150 ca/100.000 dân/ngày. Số ca nhập viện tăng nhanh từ 3.317 ca/tuần đến 11.069 ca/tuần, số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày.
Ở giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị trên địa bàn TP đều quá tải. Mặc dù tính đến ngày 17-8, TP đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến và chuyển công năng 54 bệnh viện nhưng tình hình tử vong vẫn tiếp tục tăng cao. Từ 18-8 đến 24-8, số tử vong tăng lên đến 2.105 ca/tuần.
Trong vòng 1 tháng sau đó, TP tiếp tục thành lập thêm các bệnh viện dã chiến. Tổng cộng TP đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến và chuyển công năng 64 bệnh viện.
"Có thể nói, suốt gần 2 tháng từ 15-7 đến 15-9, cả TP đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm của dịch bệnh chưa từng xảy ra trong lịch sử", ông Tăng Chí Thượng nói.
Ông Thượng đưa thông tin ngày cao điểm trong tháng là 28-8, số ca mắc mới lên đến 17.403 ca, cùng lúc đó TP phải chăm sóc cho hơn 104.000 F0, trong đó có gần 40.000 F0 nặng.
Đến nay, ngày 19-10, sau gần 3 tuần triển khai chỉ thị 18, tình hình dịch bệnh tại TP chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, số mắc mới mỗi ngày giảm dần sau ngày 1-10 đến ngày 19-10, TP chỉ còn 968 ca mắc mới, TP đang chăm sóc cho 28.000 F0.
"Chìa khóa" tháo gỡ khó khăn
Nói về những thuận lợi trong công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Tăng Chí Thượng cho biết TP nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.
Đặc biệt, Chính phủ đã ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP để tạo miễn dịch cộng đồng, hỗ trợ nguồn nhân lực lấy mẫu xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm để triển khai xét nghiệm thần tốc giúp bóc tách F0.
Người trên 60 tuổi được ưu tiên tiêm vắc xin sớm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đến ngày 19-10, tỉ lệ người trên 18 tuổi tiêm vắc xin 1 mũi là 98,8%, 2 mũi là 76,3%; trong đó, tỉ lệ trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi là 76,11%.
Không quên nhắc đến sự đồng lòng chung sức của nhân dân, ông Tăng Chí Thượng cho rằng đây là yếu tố quan trọng để TP kiểm soát dịch. Bên cạnh đó, các tổ chức thiện nguyện cùng chung tay chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ cho ngành y tế.
TP cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời và quý báu nguồn nhân lực y tế đến từ 132 đơn vị gồm các bệnh viện, bộ ngành, trung ương và các tỉnh thành. Tính đến ngày 30-9, tổng số lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP lên đến 187.000 người. Trong đó có gần 30.000 là lực lượng chi viện.
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TP nâng cao năng lực điều trị cho các bệnh viện tầng 2 qua mô hình bệnh viện "chị - em", giao các trung tâm hồi sức hỗ trợ về chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới trên địa bàn phụ trách, tăng cường hội chẩn, chuyển giao kỹ thuật hồi sức cấp cứu người bệnh COVID-19...
Đồng thời hỗ trợ thuốc đặc trị COVID-19 (Remdesivir) cho các bệnh viện, góp phần giảm tỉ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.
TP cũng triển khai thí điểm chương trình điều trị F0 tại nhà từ ngày 28-7. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng hướng dẫn và cung cấp thuốc để TP tiến hành chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng.
"Nhờ đó mà tỉ lệ người bệnh F0 được điều trị tại nhà đã tăng lên, chiếm đến 40% tổng số F0 của TP, nhiều người bệnh đã khỏi bệnh sau khi được điều trị tại nhà, góp phần giúp giảm tải cho các bệnh viện tầng trên", ông Thượng nói.
Ngoài ra, theo ông Thượng, thuốc Remdesivir giúp làm giảm hẳn số trường hợp chuyển nặng phải chuyển lên tầng 3.
Hiện nay, thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định 4800 của Bộ Y tế, ngành y tế đã ban hành các hướng dẫn đánh giá, phân loại cấp độ dịch cho các quận huyện. Chiều nay sẽ ban hành hướng dẫn cách phát hiện và xử lý F0 trong cộng đồng.
Sở Y tế đã xây dựng các kịch bản để các quận huyện xây dựng kế hoạch, chủ động diễn tập để ứng phó khi dịch COVID-19 tái bùng phát.
TTO - Thông tin được phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải chia sẻ tại họp báo chiều 18-10.
Xem thêm: mth.19681729091011202-91-divoc-cam-ac-004-71-oc-pt-meid-oac-yagn-mch-pt-et-y-os-cod-maig/nv.ertiout