2 năm mổ 5 lần vi ung thư da đầu tái phát
Bệnh nhân Bùi Th.N. (sinh năm 1982, Thanh Hóa) được chẩn đoán ung thư da đầu, trong 2 năm đã phẫu thuật cắt u tại Thanh Hóa 4 lần (bệnh viện huyện 2 lần, bệnh viện tỉnh 2 lần).
Sau mổ lần 4, u mọc lại nhanh, to, bệnh nhân vào Bệnh viện K được chẩn đoán ung thư da vùng đỉnh tái phát và chỉ định cắt rộng u và tạo hình.
Bệnh nhân V.A.S. (sinh năm 1976, Điện Biên) chỉ có một nốt ngứa nhỏ vùng sau đầu. Thấy vết loét điều trị không đỡ và ngày càng ăn sâu. Bệnh nhân đi khám được kết luận ung thư vùng chẩm, được xử trí cắt rộng u và tạo hình. Giải phẫu bệnh là thể carcinoma tế bào đáy.
ThS Nguyễn Văn Dũng - khoa phẫu thuật đầu mặt cổ, Bệnh viện K - cho biết bệnh nhân trên vẫn còn rất may mắn vì u chưa xâm lấn xương và di căn xa. Nhiều người đến muộn u xâm lấn vào sọ não, di căn khắp nơi. Có người u ăn hết miệng, mũi, má và phá hỏng cả một bên mắt, biến một người bình thường thành "dị dạng"...
Tương tự, người bệnh N.T.V. (65 tuổi, Thủy Nguyên, Hải Phòng) trước khi nhập viện 4 tuần có xuất hiện loét da đầu vùng chẩm kích thước 10 × 8cm. Thấy vùng loét có xu hướng tăng dần kích thước, kèm theo chảy dịch ngày càng nhiều, người bệnh đã đến khám và nhập Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
Kết quả giải phẫu bệnh cho biết ông V. bị carcinoma vảy sừng hóa xâm nhập lưu tĩnh mạch dọc. Đây là một trong những ung thư hiếm gặp, rất nguy hiểm có thể tước đi tính mạng của người bệnh, tức thì nếu xảy ra biến chứng chảy máu trước và trong phẫu thuật.
TS Đặng Việt Sơn - trưởng khoa phẫu thuật sọ não cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp - cho biết sau 10 tiếng khối u đã được lấy bỏ an toàn và tạo hình lại hộp sọ bằng Mesh - Titanium với kích cỡ 12 x 13 x 18cm cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Sơn, ung thư da đầu cũng nằm trong số các bệnh ung thư da. Bệnh không thua kém các bệnh ung thư khác về mức độ nguy hiểm. Đặc biệt ung thư da đầu nếu bước sang giai đoạn di căn có thể gây ảnh hưởng đến não bộ và tỉ lệ tử vong lúc này sẽ vô cùng cao.
Bệnh biểu hiện không có gì đặc biệt với các triệu chứng như: ngứa nhẹ, biến đổi sắc tố da đầu hoặc gây loét da đầu. Các biểu hiện này thường bị bỏ qua do tóc che phủ và bản thân người bệnh ít nhìn thấy do khuất tầm nhìn.
Ung thư da đầu có 4 giai đoạn, ở giai đoạn muộn khối u sẽ xâm lấn phá hủy xương và màng não, não gây ra các biến chứng nặng nề, đặc biệt có thể tử vong do khối u xâm lấn vào các mạch máu vùng xương sọ, các xoang mạch máu của não.
Phát hiện, điều trị sớm có thể khỏi bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, ung thư da đứng hàng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp với tỉ lệ trung bình 2,9 - 4,5 ca/100.000 dân. Bệnh thường gặp ở người già và 95% gặp ở vùng da hở, trong đó vùng mặt chiếm tới 90%. Điều đáng lo ngại là bệnh đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, xuất hiện cả ở lứa tuổi 20 - 30...
Ung thư da đầu thường là loại ung thư da tế bào vảy xuất phát từ lớp tế bào vảy. Ung thư này hay xuất hiện trên nền sẹo cũ, sẹo bỏng vôi, sẹo bỏng do cháy xăng dầu hay gặp ở vùng tứ chi và đầu, chiếm 2% trong số các loại ung thư da.
Đặc điểm ung thư da tế bào vảy là phát triển nhanh, u càng lớn càng dễ loét, sùi như súp lơ, mùi hôi khó chịu và lan rộng, xâm lấn sâu. Vùng mặt có thể làm lộ xương sọ, xương mặt, gây biến dạng và bội nhiễm trầm trọng. Ở tay, chân có thể làm rụng ngón.
Ngoài di căn hạch, ung thư da tế bào vảy còn di căn theo đường máu vào phổi, xương, gan, não, gan...
Ung thư tuyến phụ thuộc da xuất phát từ tế bào của tuyến mồ hôi hoặc tuyến bã. Vị trí hay gặp ở vùng da đầu chiếm 10% trong tổng số các ung thư da. Đặc điểm ung thư tuyến phụ thuộc da là phát triển nhanh, hay di căn hạch, di căn xa, tiên lượng xấu.
Bác sĩ Dũng cho hay ung thư da dễ chẩn đoán, có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và phẫu thuật cắt bỏ rộng tổn thương, tạo hình kèm xạ trị hỗ trợ. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân thường đến muộn từ 3 - 20 năm, rất hiếm trường hợp bệnh nhân nhập viện trước 6 tháng.
Người bệnh thường tự điều trị ở nhà do thấy bệnh tiến triển chậm, không đau. Vì thế, mức độ phẫu thuật cắt bỏ thường rộng hơn vùng đầu - cổ. Đặc biệt với loại ung thư ở thân và chi, khi u xâm lấn vào thần kinh, mạch máu lớn, xương, khớp... thì phải cắt bỏ cả chi.
Để phát hiện sớm ung thư da cần chú ý khi thấy các vết loét, hoặc u cục ở da, lúc đầu nhỏ sau to dần to nhanh, không liền, dễ chảy máu, màu đen điều trị bằng các biện pháp thông thường không đỡ (sau 4 - 6 tuần) phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để có chẩn đoán xác định sớm.
Để tránh bị ung thư da, tốt nhất là bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời và sử dụng mỹ phẩm, cách làm đẹp đúng cách. Chỉ nên tắm nắng vào lúc sớm, khi nắng chưa gay gắt. Đặc biệt hạn chế tiếp xúc với nắng trong khoảng thời gian từ 10h-16h.
Khi phải tiếp xúc nên mặc áo nhiều màu hoặc tối màu bằng các chất liệu tự nhiên và sử dụng thêm những "phụ tùng" chống nắng như áo chống nắng, khẩu trang, kính râm sẽ làm hạn chế tối đa ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp tới da.
Ngoài ra, thường xuyên vệ sinh da sạch sẽ. Khi tắm trắng, lột da mặt... tốt nhất tránh ánh nắng khoảng 2 ngày để cho da phát triển và phải sử dụng kem chống nắng đúng cách.
Heman Bekele, 14 tuổi, đoạt giải 'Nhà khoa học trẻ hàng đầu của Mỹ' và được thưởng 25.000 USD sau khi sáng chế xà phòng điều trị ung thư da.