Mỹ bước vào mùa kinh doanh cao điểm của năm, với sự khởi đầu mùa vụ khá thuận lợi, trong khi kỳ vọng Trung Quốc có thể kiềm chế tình trạng bất ổn của thị trường bất động sản đã đẩy chứng khoán toàn cầu tăng điểm, đô la Australia và đô la New Zealand cùng nhân dân tệ Trung Quốc đều tăng giá.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – chiều 19/10 theo giờ Việt Nam giảm xuống mức 93,58, thấp nhất kể từ 28/9, sau đó hồi phục nhẹ lên 93,661, vẫn thấp hơn 0,35% so với đóng cửa phiên liền trước.
Mối lo về sự lây lan bởi vụ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande đã giảm đi sau khi một số công ty bất động sản khác đã thực hiện thanh toán các khoản nợ bằng trái phiếu, và các nhà hoạch định chính sách nước này cuối tuần trước cho biết tình hình nằm trong tầm kiểm soát.
Đồng nhân dân tệ trên thị trường nội địa tăng 0,5% lên 6.4105 CNY/USD, cao nhất kể từ 16/6. Trong khi nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài có giá 6,3975, cũng là mức cao nhất kể từ 16/6.
Qi Gao, chiến lược gia tiền tệ Châu Á của Scotiabank, cho biết các nhà đầu tư đã lấy được niềm tin từ sự trấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ông cho biết các nhà chức trách sẽ quản lý để ngăn chặn Evergrande trở thành mối đe dọa đối với hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, các nhà giao dịch tiền tệ cũng cho biết đồng nhân dân tệ tăng một phần cũng bởi việc các doanh nghiệp đổi USD, tận dụng lúc USD giảm giá trong thời điểm CNY tăng sau dữ liệu sản xuất yếu kém của Mỹ công bố ngày hôm qua.
Tommy Xie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Ngân hàng OCBC, cho biết: "Tôi không thấy kỳ vọng đồng nhân dân tệ giảm giá trong thời điểm hiện tại.Xét cho cùng, các yếu tố cơ bản vẫn rất mạnh mẽ, với thặng dư thương mại cao và dòng vốn chảy vào duy trì tốt. Các công ty có một đống đô la chờ giải quyết."
Đồng nhân dân tệ mạnh lên đã thúc đẩy một đợt tăng giá rộng hơn đối với các loại tiền tệ nhạy cảm với rủi ro.
Đô la Australia đã chạm mức cao nhất trong vòng 6 tuần, là 0,7474 USD, bất chấp việc các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Australia trong cuộc họp gần đây đã tỏ thái độ ôn hòa, thể hiện rằng họ vẫn còn lo ngại về thị trường lao động, và chưa có ý định nâng lãi suất cho đến 2024.
Kế hoạch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đang là yếu tố quan trọng tác động lên tỷ giá tiền tệ quốc tế. Một tuần trước đây, Dollar index đạt mức cao nhất một năm, là 94,563, do lo ngại về tình trạng lạm phát và dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm kích thích tiền tệ vào tháng tới, sau đó là nâng lãi suất từ năm tới.
Nhưng đồng thời với việc Fed cắt giảm kích thích, các thị trường tiền tệ cũng đang tăng cược rằng các nơi khác ngoài Mỹ cũng đang bình thường hóa chính sách tiền tệ trở lại, nhất là ở Anh, nơi lãi suất dự kiến sẽ tăng tổng cộng 35 điểm phần trăm vào cuối năm nay.
Dữ liệu của New Zealand hôm thứ Hai (18/10) cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Do đó, lợi suất trái phiếu ngắn hạn của Anh và New Zealand đều tăng, với lợi suất kỳ hạn gần của những nước này đã nhỉnh hơn so với của Mỹ.
Kenneth Broux, chiến lược gia tiền tệ của Societe Generale cho biết: "Chúng tôi đã dành một phần đầu tư ngắn hạn cho euro, đô la Australia và đô la Canada, sau khi lợi suất thực tế của trái phiếu Mỹ Mỹ giảm trở lại vào tuần trước, và điều đó đã góp phần làm giảm đà đi lên của đồng USD". Theo ông: "Việc tăng đô la đã tăng lên là do Fed có xu hướng tăng lãi suất, nhưng giờ đây những nơi khác cũng đang làm điều đó".
Đồng đô la New Zealand ngày 19/10 tăng lên mức 0,7149 USD, cao nhất kể từ ngày 14 tháng 9, trong khi euro cũng tăng 0,4% lên 1,1658 USD, cao nhất kể từ 29/9.
Tuy nhiên, ông Broux cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là "mảnh ghép còn thiếu" có thể gây áp lực lên đồng euro so với các đồng tiền khác. "Giả định làm căn cứ dự đoán cho xu hướng euro sắp tới là họ đang ở cuối thời hạn (thắt chặt chính sách) cùng với Thụy Sĩ và Ngân hàng Nhật Bản," ông nói thêm.
Đối với các tiền tệ châu Á khác, rupiah của Indonesia đã ổn định trở lại trước cuộc họp của ngân hàng trung ương của nước này, trong khi hầu như tất cả các đồng tiền châu Á đều tăng giá so với USD.
Rupiah dẫn đầu trong số các tiền tệ châu Á về mức tăng trong quý 3.
Đồng won của Hàn Quốc và baht Thái Lan dẫn đầu mức tăng khi tăng 0,4% mỗi loại, trong khi peso Philippines, đô la Singapore và đô la Đài Loan cũng đi lên. Rupiah tăng 0,2% lên 14.080 IDR/USD.
Các chính sách của ngân hàng trung ương Indonesia nhằm ưu tiên sự ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho đến nay đã hoạt động tốt, với đồng Rupiah là đồng tiền có hoạt động tốt nhất trong số các đồng tiền châu Á trong quý 3/2021.
Các nhà phân tích của Mizuho cho biết: "Việc chính phủ tập trung vào cải cách thuế và tái mở cửa ngành du lịch cũng nâng cao uy tín về chính sách và cho thấy triển vọng kinh tế nước này sẽ tiếp tục hồi phục", và "Việc Trung Quốc mua than Indonesia thay thế than Australia càng làm tăng sức hấp dẫn của đồng rupiah" vì Indonesia là nước xuất khẩu ròng hàng hóa.
Tỷ giá tiền tệ châu Á.
Khác với tiền tệ châu Á, hầu hết tiền tệ Mỹ Latinh giảm trong ngày 19/10 do lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và lạm phát gia tăng gây xáo trộn tâm lý, trong đó đồng real của Brazil giảm mạnh nhất do thị trường quặng sắt Trung Quó bị suy giảm do thiếu than. Theo đó real đã giảm 1%, peso của Mexico giảm 0,2% mặc dù giá dầu tăng, do tâm lý toàn cầu yếu khiến các nhà đầu tư tránh đồng tiền này trong khi giao dịch, riêng pero Chile tăng 0,7% và là đồng tiền duy nhất tăng giá trong khu vực này, hưởng lợi bởi giá đồng tăng do nguồn cung đồng đang bị thắt chặt.
Tỷ giá tiền tệ Mỹ Latinh.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng lên sát mức cao nhất kể từ giữa tháng 4, vào tối 19/10 theo giờ Việt Nam, đạt 62.991,93 USD, không xa mức cao nhất mọi thời đại là 64.895,22 USD đạt được hồi tháng 4, trong bối cảnh các nhà giao dịch đặt cược vào một danh sách dự kiến các quỹ giao dịch ETF Bitcoin ở Mỹ - điều có thể báo hiệu dòng tiền sẽ chảy mạnh vào tiền điện tử.
Bitcoin – đồng tiền 13 năm tuổi – đã tăng giá khoảng 40% từ đầu tháng 10 tới nay, bởi kỳ vọng vào các quỹ ETF Bitcoin.
Martha Reyes, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của sàn giao dịch tiền điện tử Bequant cho biết: "Nó (quỹ ETF Bitcoin) có thể thu hút dòng chảy từ các nhà đầu tư".
Tuy nhiên, nhiều phân tích khác cảnh báo quỹ sẽ không đầu tư trực tiếp vào Bitcoin - thay vì vào các hợp đồng tương lai được giao dịch tại Chicago - và do đó, bất kỳ tác động tức thời nào đối với dòng chảy tiền đổ vào đều có thể bị hạn chế.
Mặc dù vậy, các nhà đầu cơ vẫn đánh cược rằng sự ra mắt của quỹ ETF Bitcoin kỳ hạn tương lai sẽ là một tín hiệu tích cực cho giá Bitcoin giao ngay.
Giá Bitcoin 24 giờ qua.
Tham khảo: Reuters, Coindesk