Nhận định này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu sáng 20/10 khi báo cáo trước Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội năm 2021, dự kiến năm 2022.
Thủ tướng nhìn nhận, việc xuất hiện các đợt dịch Covid-19 với biến chủng mới, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc và xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh này, nhiều giải pháp đã được các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương đưa ra để khắc phục khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch.
Dẫn lại số liệu đạt được trong 9 tháng qua, Thủ tướng cho biết, sẽ có 3/4 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt mục tiêu Quốc hội giao. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82% và cả năm ước dưới 4%; thu ngân sách 9 tháng đạt hơn 80% kế hoạch giao hay xuất khẩu hàng hoá 9 tháng đạt hơn 240 tỷ USD và cả năm ước tăng khoảng 10,7%... Tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khá, an ninh năng lượng được bảo đảm.
Dù vậy, vẫn có 4 trong 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm nay sẽ khó đạt như kế hoạch.
Chỉ tiêu kinh tế xã hội | Kế hoạch năm 2021 | Ước thực hiện năm 2021 |
Tốc độ tăng GDP | 6% | 3-3,5% |
GDP bình quân đầu người | 3.700 USD/người | 3.660 - 3.680 USD/người |
Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) | 44-47% | 32% |
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều | giảm 1-1,5 điểm phần trăm | giảm 0,5-1 điểm phần trăm |
Chính phủ nhận xét, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong các khu cách ly, phong tỏa, các địa bàn tâm dịch. "Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh, đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức khá cao", Thủ tướng nêu.
Về giải pháp điều hành những tháng cuối năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sẽ sớm được hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Cùng đó, Chính phủ rà soát, cùng Quốc hội tháo gỡ ngay, nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt và đảm bảo các cân đối lớn nền kinh tế. Việc này, theo Thủ tướng, nhằm khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhất trí các giải pháp, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, Chính phủ cần xử lý các tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu các thủ tục chi phí sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. "Không để xảy ra tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết, gây ảnh hưởng tiêu cực sản xuất kinh doanh", ông Thanh nhấn mạnh.
Uỷ ban Kinh tế "giục" Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị chương trình phục hồi kinh tế, có khả thi theo từng giai đoạn, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn chiến lược ứng phó dịch bệnh gắn với phục hồi phát triển kinh tế xã hội ở cấp độ quốc gia và địa phương.
Ước tính các gói hỗ trợ Covid-19 từ tài khoá, tiền tệ từ năm 2020 đến nay khoảng 4% GDP, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ hơn các nguồn lực đóng góp của ngân sách Trung ương, xã hội cho phòng, chống Covid-19. Việc này sẽ là cơ sở hoạch định chính sách giai đoạn tới, đưa ra các gói hỗ trợ quy mô phù hợp.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá đầy đủ lý do lùi thời điểm cải cách tiền lương. Ngân sách địa phương dự kiến vượt thu, nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nêu rõ nguyên nhân vượt thu, nhất là các khoản thu từ đất.
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, nhưng chưa phù hợp, hài hoà giữa lợi nhuận của ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong tiếp cận tín dụng ưu đãi. Cơ quan này đề nghị báo cáo rõ hơn về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ lãi suất của người dân, doanh nghiệp cũng như khả năng gia tăng nợ xấu.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá lại hiệu quả mô hình sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến"; việc yêu cầu xét nghiệm nhiều lần, giá xét nghiệm cao với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo ông Thanh, phân bổ giải ngân đầu tư công rất chậm, hết tháng 9 mới đạt 47,38%. Số vốn chưa phân bổ, giao chi tiết tới giữa tháng 9 còn hơn 56.000 tỷ đồng... Tổ chức thực hiện dự án đầu tư công vẫn là khâu yếu, thiếu thông suốt, thiếu đồng bộ, công tác chuẩn bị đầu tư, giao vốn chưa được kỹ... Tiến độ một số dự án trọng điểm, chương trình quốc gia còn chậm.
Về điểm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong báo cáo của mình cũng nhấn mạnh, phân bổ, đẩy nhanh đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Giải ngân vốn đầu tư công sẽ là nguồn vốn mồi cho nền kinh tế phát triển.
Năm 2022 là năm nền tảng cho thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025), Thủ tướng cho rằng, nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh để mở cửa trở lại nền kinh tế. Cùng đó, nguy cơ rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu... luôn tiềm ẩn.
Vì thế, Chính phủ xác định duy trì kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, gồm GDP tăng 6-6,5%, lạm phát bình quân 4%, bội chi ngân sách khoảng 4% GDP.
Nhất trí với mục tiêu, chỉ tiêu Chính phủ đưa ra, Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh các hoạt động kinh tế cần được duy trì "bình thường ở mức tối đa". "Cần nhận thức đúng đắn hơn phòng, chống dịch bệnh gắn với duy trì phát triển sản xuất kinh doanh để có kịch bản phương án khả thi, đáp ứng nhu cầu phát triển. Không chủ quan nóng vội nhưng cũng không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục với kinh tế thế giới", ông Thanh nhìn nhận.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý Chính phủ tính khả thi thực hiện thực tế khi đưa ra một số chỉ tiêu khá cao, như GDP 6-6,5% và đề nghị làm rõ thêm về tỷ lệ bội chi ngân sách khoảng 4% GDP.
Nguyễn Hoài