Với việc hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục và dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, hoạt động cho vay tại các ngân hàng có thể bùng nổ trong các tháng tới.
Cụ thể theo dữ liệu vừa được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Đào Minh Tú công bố, trong thời gian qua, cơ quan ngân hàng trung ương tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng.Nhờ các giải pháp đồng bộ, trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cải thiện hơn cùng kỳ năm 2020. Đến ngày 7.10, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%).
Thực tế nếu so với mức tăng trưởng tín dụng đến ngày 31.8 là 7,42% cũng được Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đang có dấu hiệu chững lại.
Đáng chú ý theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê trong báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021, tính đến ngày 20.9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17%, cao gấp 1,4 lần mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước là 4,99%.
Theo đó nếu so với số liệu của Ngân hàng Nhà nước khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến 31.8 đạt 7,42%, thậm chí trong 20 ngày đầu tháng 9 vừa qua, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu thụt lùi.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận, đà tăng của dư nợ tín dụng đang chững lại chủ yếu do đại dịch COVID-19 cùng việc giãn cách xã hội đã làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó làm giảm nhu cầu về vay vốn cũng như kết quả cho vay của các ngân hàng.
"Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi các hoạt động của doanh nghiệp dần được khôi phục trở lại, BVSC đánh giá dư nợ tín dụng sẽ ghi nhận các mức tăng mạnh" - BVSC dự báo.
BVSC dẫn chứng như trong năm 2020, chỉ trong 3 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng đã tăng từ mức 6% (vào cuối tháng 9), lên trên 12% vào cuối tháng 12.
Chính vì vậy nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 12-13% cho cả năm 2021.
Bên cạnh đó theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai tín dụng chính sách; hỗ trợ tín dụng để góp phần không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giá trị, chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đánh giá khó khăn của nền kinh tế, các địa phương, các đối tượng, ngành nghề và loại hình doanh nghiệp để có các giải pháp phù hợp.
Một giải pháp đáng chú ý là ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, một trong những giải pháp được triển khai rất hiệu quả thời gian qua, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời phối hợp chính quyền địa phương tỉnh, thành phố để cùng với các chính sách tài khóa, thương mại, xuất nhập khẩu hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân; Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Xem thêm: odl.427569-on-gnub-naod-iaig-oav-coub-pas-gnah-nagn-cac-iat-yav-ohc/et-hnik/nv.gnodoal