Hayat, "gã khổng lồ" trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, gửi đi thông tin chính thức ra mắt thương hiệu tã trẻ em lớn thứ 5 thế giới mang tên Molfix tại thị trường Việt Nam.
Sự kiện ra mắt này của Hayat nối tiếp khoản đầu tư 250 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam hồi cuối năm ngoái với mục tiêu mở rộng phân phối sản phẩm trong nước và khu vực thông qua nhà máy đặt tại Việt Nam.
Với diện tích rộng 32 ha, đặt tại Khu công nghiệp Becamex-Bình Phước, nhà máy tại Việt Nam này được Hayat kỳ vọng sẽ là trung tâm sản xuất tại ASEAN. Dự kiến đơn vị này sẽ xuất khẩu 40% sản lượng sang Thái Lan và Malaysia.
Hayat kỳ vọng nhà máy sản xuất tã tại Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất của ASEAN. Ảnh: T.H
Trong giai đoạn tiếp theo, Hayat cũng đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng cung ứng sản phẩm tới các thị trường tiềm năng khác như Campuchia, Philippines, Lào và Indonesia. Tổng giá trị xuất khẩu của Hayat Việt Nam ước tính đạt 50 triệu USD/năm.
Bên cạnh mặt hàng tã giấy cho em bé hiện có, ông lớn này cũng có kế hoạch đầu tư vào nhà máy khăn giấy với sản lượng 60.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa với công suất 250.000 tấn/năm.
Đại diện Hayat cho biết tại Việt Nam công ty đặt mục tiêu sở hữu 30% thị phần ngành hàng tã trẻ em vào năm 2025. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi họ đã thành công ở các thị trường khác.
"Thương hiệu tã Molfix của chúng tôi chỉ mất hai năm để vươn lên nắm giữ vị trí thứ hai tại tất cả các thị trường mới mà chúng tôi đã đầu tư" - bà Chi Nguyễn, Giám đốc Marketing khu vực Đông Nam Á của Hayat Việt Nam chia sẻ.
Theo Nielsen, quy mô thị trường tã Việt Nam hiện khoảng 650 triệu USD, với sản lượng tiêu thụ 3,5 tỉ miếng tã mỗi năm. Trong khi đó, nhu cầu của người dùng đối với các sản phẩm em bé có chất lượng cao ngày càng tăng nhanh. Riêng với mặt hàng tã, bỉm trẻ em, tốc độ tăng trưởng lên tới 139%. Chính vì vậy, thị trường tã bỉm vẫn rộng cửa cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Thue Quist Thomasen, thành viên Hội Đồng EuroCharm và CEO của YouGov Vietnam, cho rằng Việt Nam cần phải tập trung vào việc tạo ra môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI trong lúc đất nước chuẩn bị mở cửa trở lại.
"Việc đầu tư thành công của Hayat vào Việt Nam là một minh chứng cho thấy môi trường kinh doanh hiện tại đang dần khởi sắc.
Những doanh nghiệp đến từ Châu Âu tôn trọng tính bền vững, đề cao sáng tạo và là những đối tác lâu dài với Việt Nam.
Nhờ vào hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, những người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được những sản phẩm hàng đầu và doanh nghiệp Việt sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi tiếp cận được thị trường lớn nhất thế giới" - ông Thue Quist Thomasen nói.