Du khách tham quan và thưởng thức món ăn dân giã tại Củ Chi,TP.HCM hôm 21-11 - Ảnh: T.T.D
Loại hình du lịch liên tỉnh được triển khai là dịch vụ lữ hành cho đoàn khách từ TP.HCM đi các tỉnh và từ các tỉnh đến TP.HCM. Người sinh sống và làm việc tại TP.HCM có thể du lịch theo đoàn hoặc tự tổ chức đến các địa điểm du lịch tại khu vực kiểm soát được dịch trên địa bàn TP.
Với các dịch vụ lưu trú, ngoài cơ sở phục vụ cách ly y tế và lực lượng tuyến đầu đang hoạt động, cho phép mở thêm cơ sở lưu trú tại các địa bàn đã kiểm soát được dịch, công suất hoạt động tối đa 70% và xem xét cho mở thêm một số dịch vụ cho lưu trú, spa tuỳ theo tình hình kiểm soát dịch bệnh từ 1-11. Kế hoạch này sẽ áp dụng đến cuối 2021.
Trước đó, từ giữa tháng 10 TP.HCM đã cho mở lại du lịch nội vùng tại vùng xanh.
TP.HCM: Hơn 40% địa phương là vùng xanh
TP.HCM đã thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch tại TP theo nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định số 4800 của Bộ Y tế. Theo đó, tính đến ngày 24-10, TP.HCM đang ở cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình).
Trong 22 địa phương (cấp quận, huyện và TP Thủ Đức) có 9 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh - nguy cơ thấp), 12 địa phương đạt cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình) và 1 địa phương cấp độ 3 (vùng cam - nguy cơ cao).
Cụ thể, cấp độ 1 gồm: TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, Tân Bình, 1, 7, 8, 10, huyện Cần Giờ, Củ Chi. Cấp độ 2 gồm: quận 3, 4, 5, 6, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh. Cấp độ 3 là quận Bình Tân.
Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thời tiết chuyển mùa: Cảnh báo gia tăng trẻ bị sốt siêu vi
Cứ mỗi khi thời tiết chuyển mùa, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) lại tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt siêu vi đến khám với các triệu chứng đa dạng và phức tạp.
Các bác sĩ cho biết, trẻ bị nhiễm siêu vi thường sẽ có triệu chứng sốt (sốt vừa đến sốt cao, kèm cảm giác nóng lạnh, lạnh run), đau đầu, đau nhức cơ toàn thân, ho (ho khan hoặc ho đờm), sổ mũi, nghẹt mũi, đau rát vùng cổ họng, viêm kết mạc mắt, thậm chí có cả rối loạn tiêu hóa…
Tuy việc điều trị bệnh này đơn giản và tỉ lệ hồi phục cao nhưng các bác sĩ cảnh bảo trước những diễn biến phức tạp của COVID-19, phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ mắc phải các triệu chứng bệnh đã nêu trên.
Sốt siêu vi cũng có thể diễn tiến thành sốt xuất huyết, cũng có thể là viêm đường hô hấp hay cảm cúm hay sốt phát ban, thậm chí là bệnh tay chân miệng.
Một số trẻ hay người lớn có tiếp xúc với nguồn lây đặc biệt các siêu vi (virus cúm) H1N1, H5N1, H7N9 có thể viêm phổi nặng và dễ diễn tiến suy hô hấp nặng, tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Khi trẻ nhiễm siêu vi, phụ huynh không nên quá lo lắng hoặc quá chủ quan, cần chăm sóc trẻ chu đáo, uống thuốc theo toa bác sĩ và nhận biết các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và chữa bệnh kịp thời.
Bộ Y tế quy định giá test xét nghiệm mới, dự kiến từ 1-11
Tại cuộc họp mới tổ chức về giá test xét nghiệm, các ý kiến đều đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định mới về giá xét nghiệm. Theo Bộ Y tế, dự thảo quy định giá xét nghiệm mới đã được công bố lấy ý kiến từ cách đây gần 1 tháng, dự kiến có hiệu lực từ 1-11 tới.
Hiện tại giá test xét nghiệm rất nhiều mức, có nơi vẫn thu 350.000 đồng/lượt xét nghiệm test nhanh, có nơi thu 83.000 đồng, giá test nhanh bán tại nhà thuốc vẫn lên tới 145.000 đồng/test, trong khi thời gian qua giá test nhập khẩu và sản xuất trong nước đều đã giảm nhiều.
So với mức giá tại nhiều bệnh viện công lập (thường từ 200.000 đồng trở lên), mức phí dự kiến mới có giảm ít nhất từ 20%.
Với xét nghiệm PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng trong trường hợp mẫu đơn, bao gồm phí dịch vụ lấy mẫu và bảo quản bệnh phẩm là 80.000 đồng/xét nghiệm; phí xét nghiệm và trả kết quả: 114.000 đồng/xét nghiệm, cộng với chi phí test kit tính theo giá trúng thầu vào bệnh viện.
Trường hợp giá test kit trúng thầu là 300.000 đồng/test, phí xét nghiệm PCR sẽ là 494.000 đồng/xét nghiệm mẫu đơn. Mức này như vậy sẽ còn chỉ gần 1 nửa so với mức Bộ Y tế hướng dẫn và áp dụng trước ngày 1-7-2021 là 734.000 đồng/xét nghiệm.
Tại phiên họp trực tuyến ngày 24-10, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường xét nghiệm mẫu gộp để giảm chi phí xét nghiệm, xét nghiệm PCR cũng có thể gộp 20 mẫu/xét nghiệm.
Tiêm vắc xin tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thế giới đã có gần 5 triệu người tử vong vì COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 24-10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 244.254.538 ca COVID-19, trong đó có 4.961.968 ca tử vong. Hơn 221 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 17,99 triệu người đang được điều trị.
Tại Đông Nam Á, Lào cho biết số ca mắc COVID-19 mới tại nước này tiếp tục tăng cao, với 648 ca COVID-19 và 2 ca tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 35.633 ca, trong đó có 52 người tử vong.
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho du khách tại một nhà ga ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) hôm 17-10 - Ảnh: BLOOMBERG/GETTY IMAGES
Trung Quốc thông báo 11 địa phương cấp tỉnh đã ghi nhận các ca mắc mới COVID-19 trong vòng 1 tuần sau khi làn sóng dịch bệnh mới bùng phát tại nước này, tiếp tục tăng đến nay là hơn 100 ca. Hơn 1.06 tỉ người dân (75,6% dân số) Trung Quốc đã được tiêm phòng đầy đủ, với tổng cộng hơn 2,244 tỉ liều vắc xin đã được sử dụng.
Hiện Trung Quốc cũng đang triển khai tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành đã được tiêm đủ 2 mũi ít nhất 6 tháng trước, ưu tiên những người làm việc trong các ngành nghề thiết yếu, người già và người có các vấn đề về hệ miễn dịch.
Một nhân viên y tế Hàn Quốc được tiêm vắc xin AstraZeneca tại trung tâm tiêm chủng ở Seoul - Ảnh: REUTERS
Số ca mắc mới tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới ngưỡng 1.500 ca, làn sóng dịch thứ 4 tại nước này đang từng bước được kiểm soát. Hơn 70% người dân nước này được tiêm phòng đầy đủ.
Hôm qua nước này ghi nhận 1.423 ca mắc mới, trong đó có 1.395 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca lên 351.899 ca. Với thêm 21 ca tử vong, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Hàn Quốc hiện tăng lên thành 2.766 ca.
79,4% dân số, đã tiêm mũi vắc xin đầu tiên kể từ tháng 2 khi Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Trong đó, có 35,9 triệu người, tương đương 70,1% dân số đã được chủng ngừa đầy đủ.
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ tùy thân và địa chỉ của người đi tập thể dục ở Sydney, NSW, Úc - Ảnh: Sydney Morning Herald
Úc phát động giai đoạn tiếp theo của chiến dịch thúc đẩy tiêm vắc xin. Tính đến ngày 23-10, khoảng 86,6% người dân Úc đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin trong khi tỷ lệ đã tiêm đầy đủ hai mũi là 73,1%.
Ngày 24-10, Úc ghi nhận thêm 2.240 ca lây nhiễm cộng đồng và 15 ca tử vong. Đa số các ca mới ở Victoria, bang đông dân thứ 2 nước này (1.935 ca mắc, 11 ca tử vong).
Tại châu Âu, Nga ghi nhận 35.660 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên hơn 8,24 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 1.072 ca lên mức tổng cộng là 230.600 ca.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic chụp ảnh cùng vắc xin Sputnik V tại thủ đô Belgradem Serbia vào ngày 15-4-2021 - Ảnh: AP
Theo chỉ dẫn sử dụng vắc xin Sputnik V, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ đã được loại trừ khỏi danh sách chống chỉ định tiêm vắc xin này. Thông báo xác nhận: "Không có thử nghiệm lâm sàng nào về Sputnik V ở phụ nữ đang cho con bú và trẻ sơ sinh. Vẫn chưa rõ liệu các hoạt chất của vắc xin có vào sữa mẹ hay không. Trước khi tiêm vắc xin cho phụ nữ đang cho con bú, cần phải đánh giá các rủi ro và lợi ích của việc tiêm".
Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ được liệt vào danh sách chống chỉ định sử dụng Sputnik V trong chỉ dẫn sử dụng trước đó.
Người dân đeo khẩu trang rời khỏi đám tang của người bệnh đầu tiên chết vì COVID-19 ở vùng hạ Sahara châu Phi tại Ouagadougou, thủ đô Burkina Faso, hôm 18-3-2020 - Ảnh: AFP
Tổng số ca bệnh tại châu Phi đã lên đến mức hơn 8,464 triệu ca, trong đó có 216.830 ca và khoảng hơn 7,846 triệu bệnh nhân đã hồi phục. Hiện Nam Phi, Marox, Tunisia và Ethiopia đang là những quốc gia có tổng số ca bệnh đứng hàng đầu châu lục.
Nam Phi, với hơn 2,919 triệu ca bệnh đang là quốc gia đứng đầu trong khi Maroc, ở Bắc Phi, đứng thứ 2 với 944.076 ca bệnh. Tính theo khu vực, vùng phía Nam châu Phi có nhiều ca bệnh nhất, tiếp đến là vùng phía Bắc và phía Đông, cuối cùng là Trung Phi chịu ít tác động nhất.
Anh Pedro Montano bế con gái Roxana, 3 tuổi. Bé là một trong các tình nguyện viêm thử vắc xin Covid-19 Soberana 2 của Cuba ở Havana ngày 24-8-2021 - Ảnh: AFP
Cuba ngày 24-10 cho biết số ca COVID-19 cũng như số ca tử vong vì dịch bệnh này tiếp tục giảm, với 1.319 ca mắc mới và 15 ca tử vong ghi nhận trong ngày. Kể từ đầu dịch đến nay, tại Cuba đã có 945.750 ca nhiễm và 8.182 ca tử vong do COVID-19.
Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm đã phần nào được kiểm soát, phần lớn các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi và hiện chỉ còn 5.731 ca đang tiếp tục điều trị, hơn 62% dân số tại quốc đảo 11,2 triệu dân này đã được tiêm vắc xin do Cuba tự sản xuất gồm Abdala, Soberana-02, và Soberana Plus.
TTO - Hồi 1h ngày 25-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.