Học sinh cấp 3 Trung Quốc ôn thi đại học ở Bắc Kinh - Ảnh: GETTY
Đây được đánh giá là một điều luật nhân văn và tiến bộ, nhằm giải quyết nhiều bất cập liên quan vai trò của cha mẹ trong giáo dục con cái.
Ám ảnh học thêm
Giữa tháng 8 vừa qua, một cậu bé 9 tuổi tâm sự trên chương trình "TigerTalk" của Đài truyền hình Phượng Hoàng rằng: "Con đang học lớp 3, nhưng bạn học của con đã học chương trình của lớp 5, lớp 6 rồi. Họ học mà chẳng hiểu gì hết. Con muốn nói rằng giờ tụi con bị ép nhồi nhét học và học, bố mẹ lãng phí tiền như vậy có tác dụng gì?".
Sau khi nói lên tâm tư của mình, cậu bé khóc tức tưởi ngay trước ống kính truyền hình.
Học thêm trở thành nỗi ám ảnh của học sinh nước này. Một học sinh lớp 12 chia sẻ trên trang tin thepaper.cn rằng trong 12 năm đi học của em, mỗi năm em chỉ được nghỉ vào 4 ngày tết và 2 ngày trước khi nghỉ hè vì lúc đó thầy bận chấm thi. Những ngày còn lại, ngày nào em cũng làm bài thi mẫu.
Như Diêu Diêu, một học sinh lớp 7, cho biết cả lớp chỉ có 1 bạn không học thêm vì mẹ bạn ấy là giáo viên cấp III, trang qq.com cho biết.
Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 23-7 Trung Quốc ban hành Chính sách giảm áp lực bài tập về nhà, giảm tải học thêm (gọi tắt là giảm áp lực kép). Ba tháng sau, ngày 22-10 Trung Quốc thông qua Luật khuyến khích giáo dục gia đình để cụ thể hóa trách nhiệm của phụ huynh.
Theo một báo cáo điều tra tình hình giáo dục gia đình Trung Quốc năm 2018 của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, 1/4 học sinh từ lớp 4 - 8 cho biết phụ huynh hầu như không có thời gian chuyện trò với các em. Cha mẹ đều kỳ vọng rất lớn ở con cái nhưng ít khi nói về đạo lý làm người, kiến thức an toàn, kiến thức pháp luật và truyền thống văn hóa...
Việc nhà thành việc nước
Gia đình là trường học đầu tiên của con người, phụ huynh là người thầy đầu tiên của con. Nhưng cùng với sự thay đổi của xã hội, giáo dục gia đình xuất hiện nhiều vấn đề.
Cùng với sự gia tăng của dân ngoại tỉnh, tỉ lệ ly hôn cao, trẻ em ở quê với ông bà, thời đại Internet bùng nổ, ngày càng có nhiều phụ huynh thiếu kỹ năng giáo dục con cái; phụ huynh ép con em học thêm ngoài nhà trường, không bảo đảm quyền nghỉ ngơi và vui chơi của trẻ.
Chính sách giảm áp lực kép giúp học sinh có nhiều thời gian sau giờ học nhưng đồng thời lại xuất hiện thêm vấn đề mới là thời gian học sinh ở nhà phải quản lý và giáo dục như thế nào? Sự ra đời của luật nhằm giải quyết vấn đề này.
Lần đầu tiên quan niệm đạo đức truyền thống "Tử bất giáo phụ chi qua" (con mà không được dạy dỗ là lỗi của cha) được luật hóa ở nước này.
Điều luật giáo dục gia đình được soạn thảo từ năm 2020, đến khi chính thức thông qua đã xóa bỏ điều khoản phạt tiền, bắt giam hay xử phạt cha mẹ khi không dạy dỗ con cái.
Phó giáo sư Uyển Ninh Ninh, Đại học Chính pháp Trung Quốc, chuyên gia soạn thảo luật, cho rằng luật này có mục đích chính để phụ huynh ý thức được mình là người chịu trách nhiệm chính của giáo dục gia đình.
Nếu phụ huynh không có ý thức thì Nhà nước, xã hội có bao cấp cũng khó mà thực hiện, theo Tân Kinh Báo.
Quách Lâm Mậu, chủ nhiệm Ủy ban xã hội thuộc Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, cho rằng luật mới chú trọng đào tạo và hướng dẫn giáo dục đạo đức, thể chất, kỹ năng sống, xây dựng văn hóa, thói quen hành vi trong cuộc sống...
Luật mong muốn biến gia đình trở thành lớp học nối dài của học sinh và phụ huynh là trợ lý của giáo viên, theo Đài CCTV.
Ông Tôn Vân Hiểu, chuyên gia hàng đầu giáo dục gia đình thuộc Trung tâm Nghiên cứu thanh thiếu niên Trung Quốc, chia sẻ trên trang Bán Nguyệt Đàm rằng luật mới ra đời để đưa giáo dục gia đình về đúng vị trí của nó.
"Hãy để nhà trường, phụ huynh và xã hội làm đúng chức năng của mình, cùng chung tay giáo dục trẻ vị thành niên. Luật này không làm tăng trách nhiệm phụ huynh, mà là giúp phụ huynh thực hiện trách nhiệm của mình với con cái" - ông Tôn nêu quan điểm.
Phụ huynh Trung Quốc nói gì?
Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng khi Nhà nước phải luật hóa giáo dục gia đình cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề giáo dục giới trẻ, do đó những bậc phụ huynh phải cố gắng phối hợp cho tốt.
Cũng có cư dân mạng chất vấn con cái không quản nổi giờ còn để nhà nước luật hóa, thôi thì khỏi sinh con cho rồi. Phụ huynh khác thì tâm sự "tôi đi làm suốt ngày, nhờ ông bà chăm con, hầu như không có thời gian để thực thi luật".
Điều khoản nghiêm cấm phụ huynh có hành vi bạo lực gia đình làm tổn thương trẻ vị thành niên với bất cứ hình thức nào được nhiều người quan tâm.
Ông Kim, có con đang học lớp 1, rất ủng hộ luật mới. "Nếu thật sự dành thời gian bầu bạn với con, sẽ không có chuyện dùng bạo lực. Vì dùng bạo lực sẽ ảnh hưởng phát triển tâm lý của con", ông chia sẻ trên Đài JSTV Quảng Đông.
Ông Nhậm, có con học lớp 2, đồng tình cho rằng người lớn cần bao dung và nhẫn nại với trẻ, không thể bắt trẻ răm rắp nghe theo tất cả những gì mình nói.
Tuy nhiên, cũng có phụ huynh cho rằng rất khó bỏ hết đòn roi trong giáo dục con cái nếu như con cái có các hành vi như ăn trộm tiền, thường xuyên nói dối.
TTO - Người giàu Trung Quốc chuyển hướng tập trung từ kiếm tiền sang bảo vệ tài sản. Họ đang ở thế "phòng thủ", xóa hồ sơ trên mạng xã hội và chia tài sản "vào nhiều rổ".