Hải Phòng - Ngày 25.10, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ TP Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học Phát triển TP.Hải Phòng trở thành Trung tâm dịch vụ Logistics quốc tế hiện đại.
Ông Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP Hải Phòng đồng chủ trì Hội thảo với sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý và doanh nghiệp. Mục tiêu của Hội thảo là đưa ra được cái nhìn tổng thể, toàn diện về hiện trạng khu vực cảng biển Hải Phòng, từ đó đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp từ vĩ mô đến vi mô ở các lĩnh vực quy hoạch, cải cách hành chính, quản trị, nguồn tài chính… để có thể phát triển Hải Phòng xứng tầm với vị trí địa lý cũng như tầm chiến lược đối với cả nước. Trong đó, mục tiêu chính là phát triển TP.Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ Logistics quốc tế hiện đại.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng Trần Quang Tuấn cho rằng, Hải Phòng có 250 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, nhưng chỉ có 50 đơn vị hoạt động tích cực, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ, hạn chế về tài chính, kinh nghiệm, quản trị, nên chỉ là nhà thầu phụ hay là đại lý cho các doanh nghiệp logistics nước ngoài, thiếu liên kết và kết nối, nguồn nhân lực còn hạn chế, cơ chế của Trung ương và địa phương còn nhiều nút thắt... Do đó, Hải Phòng mong muốn các nhà khoa học Trung ương và địa phương trao đổi ý kiến, đề xuất cơ chế để huy động mọi nguồn lực, tạo sự liên kết, phối hợp, những ý tưởng gợi mở để xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị cảng, trung tâm dịch vụ Logistics quốc tế hiện đại, gắn với Khu thương mại tự do, để Hải Phòng trở thành thành phố Cảng toàn cầu.
Ông Nguyễn Hoàng Long – Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hải Phòng - cho rằng, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển khu vực phía Bắc, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics. Địa phương có đầy đủ các loại hình giao thông, từ đường biển, hàng không, đường sắt, bộ, thuận lợi kết nối vận tải đa phương thức. Hệ thống hạ tầng cảng biển hiện tại của thành phố gồm 5 khu bến với 98 cầu bến các loại, 8 đoạn luồng hàng hải chính, chưa kể các bến cảng nước sâu khu Lạch Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ bản đáp ứng tiếp nhận tàu lớn ra, vào làm hàng.
Năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng Hải Phòng đạt 142,8 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt xấp xỉ 16%, vượt so với sự báo, số lượng doanh thu hàng năm tăng 20 – 23%/năm, dịch vụ logistics cũng đạt tốc độ tăng trưởng tương tự, tỉ trọng đóng góp vào sự phát triển GRDP thành phố từ 13-15%.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2023. Đến năm 2030, Hải Phòng sẽ có 6 trung tâm logistics gồm Lạch Huyện, Nam Đình Vũ, VSIP, Tràng Duệ, Tiên Lãng và Trung tâm logistics chuyên dùng hàng không.
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, với lợi thế và tiềm năng của mình, Hải Phòng muốn trở thành Trung tâm Logistics Quốc gia & Quốc tế thì phải chỉ rõ được hiện trạng và định hướng trong tương lai. Trong đó cần quy hoạch logistics (và cả Khu thương mại tự do), cơ chế ưu đãi đầu tư, nhất là hạ tầng, nâng cao năng lực của hệ thống kho bãi đáp, dịch vụ đa phương tiện, cải thiện nguồn nhân lực…
Kết luận Hội thảo, Viện trưởng Viện Kinh tế Bùi Quang Tuấn nhận định: Mặc dù còn nhiều điều phải nghiên cứu, thảo luận, nhưng các ý kiến tại Hội nghị đã khẳng định về tầm nhìn cũng như khát vọng xây dựng một trung tâm Logistics mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế tại Hải Phòng. Theo ông Tuấn, mặc dù Hải Phòng đã có nhiều sáng kiến, đổi mới, nhưng so với những quy định chung của cả nước thì còn đang vướng, muốn làm gì cũng phải “xin”. Do đó, nếu có cơ chế riêng cho Hải Phòng sẽ là ý kiến hay, để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xây dựng, phát triển thành Trung tâm Logistics Quốc tế hiện đại.
Xem thêm: odl.004769-iad-neih-et-couq-scitsigol-uv-hcid-mat-gnurt-hnaht-gnohp-iah-gnud-yax/et-hnik/nv.gnodoal