Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM không quy định tiêu chí hàng quán cấm bán rượu bia khi mở cửa trở lại - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 26-10, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết đến thời điểm này, ban đã nộp UBND TP.HCM bộ tiêu chí mới về an toàn thực phẩm và an toàn phòng chống dịch COVID-19, trong đó có điều chỉnh, giảm xuống còn 4 tiêu chí.
Theo đó, 4 tiêu chí mới được tính theo từng đối tượng, như hàng quán, chủ hàng quán, người phục vụ và khách hàng phải làm gì, đạt được điều gì mới hoạt động.
Còn với tiêu chí không mở máy lạnh trong phòng kín, cấm bán rượu bia như đề xuất của cơ quan này vào tuần trước, bà Lan nói ban không đưa vào bộ tiêu chí này nữa để doanh nghiệp khỏi rối, song thẩm quyền quyết định sẽ ở UBND TP.
"Một số tiêu chí dư luận băn khoăn thực sự cũng khó thực hiện. Ví dụ đề nghị không bán rượu bia, không uống rượu bia là những tiêu chí mang tính có thời hạn, cho thời điểm hiện nay, với cấp độ dịch thế này.
Nếu gọi đó là bộ tiêu chí về an toàn thực phẩm và an toàn phòng chống dịch thì chúng tôi không dùng nữa, mà tiêu chí này sẽ được quy định bởi UBND TP. Nếu thấy cần thiết ở thời điểm nào UBND sẽ ban hành cùng với quyết định cho phép mở bán tại chỗ", bà Lan khẳng định.
Lý giải về việc đề xuất cấm rượu bia, bà Lan nói người uống rượu bia thường dẫn đến mất kiểm soát, ít ai uống rượu bia mà ngồi lặng lẽ rồi đi về, mà thường tụ họp, chúc tụng và có những sự thiếu kiềm chế dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn, nhất là khi không có khẩu trang.
"Giữa sự lựa chọn làm sao ăn được tại chỗ mà ít lây bệnh hơn thì chúng tôi chọn rượu bia để hạn chế, thay vì bắt mỗi khách hàng vào phải xét nghiệm hoặc có những biện pháp khác nặng nề hơn", bà Lan giải thích.
Đối với việc đề xuất không sử dụng máy lạnh trước đó, bà Lan cho biết chỉ có tác dụng khuyến cáo người dân, song hiện nay việc cấm hay cho mở "tùy UBND TP sẽ quyết".
Theo bà Lan, nhiều người thắc mắc vì sao đặt ra các quy định cấm cái này cái kia trong quán, trong khi ăn uống người dân vẫn tháo khẩu trang, tức "buông bỏ vũ khí", do đó cảnh báo nguy cơ, xác suất gặp F0, lây nhiễm vẫn còn.
"Người dân có nhu cầu mở cửa, bình thường hóa dần dần để đến ăn tiệm trở lại, nhưng không thể đặt mục tiêu như trước khi gặp gỡ, giao lưu, nhậu nhẹt, chúc tụng nhau... Tất cả đều gây nguy cơ rất lớn, do đó rất cần ý thức của người dân khi đến hàng quán", bà Lan khẳng định.
TTO - Hàng quán sẵn sàng phục vụ tại chỗ thực khách nhưng những tiêu chí phòng dịch của TP.HCM như bạn bè, nhóm ăn đến quán phải ngồi cách nhau 2m khiến họ gặp khó.