Người dân quận 12 được nhận hỗ trợ khi đang cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sáng nay 27-10, huyện Củ Chi (TP.HCM) sẽ tiêm vắc xin COVID-19 cho 1.500 trẻ từ 16-17 tuổi tại điểm tiêm Trường Tiểu học thị trấn Củ Chi. Chiều cùng ngày, quận 1 cũng tổ chức tiêm khoảng 300 học sinh khối 12.
Sau hôm nay, Sở Y tế TP.HCM sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn công tác tổ chức và tiếp tục triển khai mở rộng cho toàn TP trong những ngày tiếp theo.
Địa phương đầu tiên tiêm cho trẻ em
Nhận định yêu cầu quan trọng nhất trong chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi là đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM giao giám đốc trung tâm y tế quận 1 và huyện Củ Chi chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức tiêm theo đúng các quy định chuyên môn.
Sở Y tế TP yêu cầu tất cả các điểm tiêm phải đảm bảo sẵn sàng, đầy đủ nhân lực và trang thiết bị cấp cứu, đặc biệt là đội cấp cứu lưu động cùng với xe cấp cứu tại mỗi điểm tiêm. Ngoài ra điểm tiêm phải chuẩn bị phương án, quy trình xử trí sự cố bất lợi sau tiêm.
Ngành y tế khuyến cáo, trước khi trẻ được tiêm vắc xin, phụ huynh cần giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vắc xin, trẻ cần ăn đầy đủ, mặc áo ngắn tay, mang giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm, khai báo y tế trước khi đến điểm tiêm.
Sau tiêm, trẻ phải được theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút. Trước khi ra về được cấp giấy xác nhận tiêm chủng cùng với hướng dẫn theo dõi tại nhà, trong đó có thông tin số điện thoại của cơ sở y tế để liên hệ khi cần.
Như vậy, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước tiêm ngừa cho trẻ. Trước đó, chiều 26-10, Bộ Y tế cũng đã thông báo sử dụng vắc xin Pfizer sản xuất tại Mỹ tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi toàn quốc.
Việt Nam có 8,1 triệu trẻ trong độ tuổi này và đã mua được 20 triệu liều vắc xin dành tiêm cho trẻ em. Sau TP.HCM, sẽ có hàng loạt tỉnh thành triển khai tiêm ngừa.
TP.HCM: Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi 1.892 tỉ cho lao động ảnh hưởng dịch COVID-19
Ngày 26-10, Bảo hiểm xã hội TP.HCM thông tin về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 của Chính phủ.
Về chính sách giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ 1% xuống bằng 0%, tính đến ngày 25-10, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã giải quyết cho 81.893 đơn vị và 1,7 triệu lao động với số tiền 1.892 tỉ đồng (đạt 100%).
Về hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã giải quyết chi hỗ trợ cho 22.641 đơn vị và 948.466 lao động với tổng số tiền chi hỗ trợ là 2.331,4 tỉ đồng.
Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Giao thông lập "tổ tháo gỡ khó khăn" cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch
Tổ do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm tổ trưởng, có nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý, giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong hoạt động vận tải, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19".
Tổ cũng sẽ tập trung rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra "giấy phép con" làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Một bệnh nhân ung thư máu được tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba tại Ramat Gan, Israel - Ảnh: Financial Times
Thế giới hơn 245 triệu người mắc COVID-19, gần 5 triệu đã tử vong
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 26-10, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 245.007.726 ca COVID-19, trong đó có 4.973.772 ca tử vong. Hiện có 222.094.804 người đã khỏi bệnh. Trong số 17.939.150 ca đang điều trị, có 75.325 ca đang trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca nhiễm lần lượt là hơn 46,4 triệu ca, hơn 34,2 triệu ca và hơn 21,7 triệu ca. Mỹ đứng đầu thế giới với 757.849 ca tử vong, tiếp đó là Brazil với 605.884 ca và Ấn Độ với 455.126 ca, tiếp theo là 200.000 ca tử vong của Mexico (282.496 ca), Nga (232.775 ca) và Peru (200.083 ca).
Châu Á đứng đầu thế giới về số ca COVID-19, hiện đã lên tới 78.814.334 ca, tiếp đến là châu Âu với 63.269.240 ca. Khu vực Bắc Mỹ hiện có hơn 55,77 triệu ca trong khi con số này của Nam Mỹ là hơn 38,2 triệu ca. Châu Âu đứng đầu với 1.285.904 ca tử vong, tiếp đến là Nam Mỹ với 1.167.852 ca, châu Á là 1.161.782 ca và Bắc Mỹ là 1.136.964 ca.
Một nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vắc xin COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia - Ảnh: REUTERS
Campuchia chuẩn bị bình thường mới
Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 770 ca COVID-19 với 766 ca cộng đồng ghi nhận tại 13 tỉnh, thành và 3 ca tử vong. Đến nay, tổng số ca COVID-19 là 37.018 ca, trong đó có 56 ca tử vong.
Campuchia đang chuẩn bị cho quá trình phục hồi kinh tế và đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới trước khi kết thúc năm 2021, dựa vào thành công của chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19. Số ca COVID-19 tại Campuchia đang giảm. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 112 ca COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 5-4, số ca tử vong mới là 8 ca.
Singapore thông báo bắt đầu từ ngày 8-11, du khách từ Úc và Thụy Sĩ đã tiêm vắc xin có thể nhập cảnh mà không cần cách ly.
Một tình nguyện viên được kiểm tra trước khi tiêm vắc xin COVID-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất trong khuôn khổ các thử nghiệm của Sinopharm tại Trung tâm nghiên cứu lâm sàng của ĐH Cayetano Heredia tại Lima, Peru ngày 9-12-2020 - Ảnh: AFP
Trung Quốc tiêm liều vắc xin thứ 3
Trung Quốc ngày 26-10 thông báo phong tỏa thành phố Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc ở Tây Bắc vì 29 ca COVID-19 mới trong cộng đồng có 6 ca ở Lan Châu. Hong Kong (Trung Quốc) cho biết sẽ tiếp tục hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Hiện phần lớn người đến Hong Kong phải cách ly tại khách sạn từ 14 đến 21 ngày.
Trung Quốc bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 3-11 tuổi bằng vắc xin Sinovac và Sinopharm. Trung Quốc có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với 75% trong 1,4 tỉ dân đã hoàn thành tiêm chủng. Hiện Trung Quốc đang triển khai tiêm vắc xin tăng cường cho người tiêm liều đầu tiên 6 tháng trước.
Bahrain đã phê chuẩn tiêm vắc xin Sinopharm cho trẻ 3-11 tuổi. Được biết vắc xin Pfizer cũng sẽ sớm được phê chuẩn để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi ở nước này.
Nhân viên y tế tại thành phố Volzhsky, Nga, di chuyển một bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Châu Âu cho phép tăng cường Moderna
Tại châu Âu, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cho phép tiêm mũi vắc xin tăng cường của Moderna cho người trên 18 tuổi. Đây là loại vắc xin thứ hai được EMA "bật đèn xanh" để sử dụng liều tăng cường trong vòng 1 tháng qua.
Người sáng lập, kiêm tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Di truyền phân tử DNKOM Andrey Ishaev ở Nga cho biết các xét nghiệm nhanh COVID-19 thường cho kết quả âm tính giả, vì vậy không thể được gọi là phương pháp thay thế chính thức cho xét nghiệm PCR.
Hà Lan đang cân nhắc các biện pháp mới nhằm giảm số ca COVID-19 đang gia tăng ở nước này, từ ngày 24-25-10, nước này có thêm 5.331 ca COVID-19, giảm khoảng 1.000 ca so với ngày 23-10. Mức tăng trung bình hàng tuần là 5.272 ca/ngày.
CH Czech trong ngày 24-10 có hơn 1.800 ca COVID-19 mới. Số lượng bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện đã tăng lên gần 900 người, trong đó có hơn 130 ca ở trong tình trạng nghiêm trọng. Hiện nay, dịch bệnh đang lây lanh nhanh nhất ở nhóm những người chưa tiêm vắc xin.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Matxcơva, Nga, ngày 13-10 - Ảnh: REUTERS
Có thể chẩn đoán nguy cơ tử vong sớm
Tại Mỹ, Cơ quan An toàn giao thông Mỹ (TSA) đã ra mức phạt tổng cộng 2.350 USD đối với 10 hành khách không tuân thủ quy định đeo khẩu trang khi đi máy bay từ hồi tháng 2 mặc dù có hàng nghìn báo cáo về các hành khách không tuân thủ quy định này.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen công bố một nghiên cứu có thể chẩn đoán sớm nguy cơ nhập viện, tử vong của F0 được phát hiện ngay từ dịch hầu họng của bệnh nhân - nghĩa là ngay khi người bệnh có triệu chứng hoặc không có triệu chứng mắc COVID-19.
Cơ chế này đặc biệt hữu ích trong giai đoạn đầu của COVID-19. Mật độ hiện diện của loại protein này có thể dự báo chính xác người dễ trở nặng hoặc người sắp phải nhập viện, tử vong vì COVID-19.
PGS Kyoung Jae Won, trưởng nhóm phân tích dữ liệu, đồng tác giả nghiên cứu cho biết phương pháp này có thể chẩn đoán F0 cần nhập viện với độ chính xác tới 78,7%. Với các bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ, khả năng tiên lượng chính xác lên tới 93,9%.
TTO - Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 3.595 ca nhiễm mới, trong đó số ca mới tăng ở Đắk Lắk, An Giang, Trà Vinh và giảm ở TP.HCM, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Số ca tử vong tại TP.HCM giảm xuống còn 27, thấp nhất 2 tháng qua.