Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần tính đến các công cụ giảm thuế, phí giảm giá xăng dầu để kiềm chế giá là cần thiết - Ảnh: Quochoi.vn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội sáng ngày 27-10, đại biểu đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường, phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay nền kinh tế đang đối diện với rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, trong khi xăng dầu là đầu vào của hoạt động kinh tế xã hội, giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, thương mại.
Chưa kể, giá xăng dầu là chỉ số quan trọng để tính toán các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, nên cần có biện pháp cần thiết kiềm chế giá xăng dầu.
"Ngoài chính sách hiện nay là quỹ bình ổn, có thể ngừng trích lập quỹ và chi sử dụng, thì công cụ để kiểm soát giá mà Nhà nước có thể tính đến là quản lý là thuế, phí, đơn cử như giảm thuế nhập khẩu, hoặc thuế về môi trường ở mức hợp lý, các loại phí. Cần phải ổn định giá xăng dầu để phục vụ cho phục hồi kinh tế" - ông Cường nêu quan điểm.
Đại biểu đoàn Bắc Giang Trần Văn Lâm - ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách - cho rằng các chính sách điều hành cần đảm bảo sự minh bạch, phù hợp với thị trường và có thể "xem xét điều chỉnh chính sách thuế hợp lý công bằng là cần thiết".
"Chính phủ nỗ lực điều tiết giá xăng dầu, hiện nay còn sử dụng quỹ bình ổn giá để kiềm giá, giữ ổn định vĩ mô kiểm soát lạm phát nhưng ở mức độ nhất định thì phải tính toán" - ông Lâm nói và đề nghị để tạo dư địa cho phát triển, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thì chính sách thuế phí có thể tính đến như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản phí...
Tuy nhiên, theo đại biểu Lâm, cần phải tính toán căn cơ, bài bản lâu dài chứ không phải chạy theo biến động thị trường vì nếu chính sách biến động quá nhiều, có sự thay đổi và điều chỉnh nhiều thì có thể bất lợi chung đến việc đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Ông Nguyễn Phú Cường, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách -cho biết hiện Chính phủ đang xây dựng chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, với các gói kích thích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, gồm các chính sách tài khóa, tiền tệ, miễn giảm các khoản thuế phí, như thuế môi trường.
Do đó, ông cho rằng trong gói kích thích kinh tế phải vừa kích thích tổng cung tổng cầu. Về phía tổng cung cần tìm cách hỗ trợ để chi phí doanh nghiệp giảm xuống để tăng cung, còn phía tổng cầu, cần kích thích tiêu dùng và kích thích đầu tư.
Đặc biệt, ông Cường lưu ý các chính sách tài khóa cần tìm giải pháp để chi phí của doanh nghiệp giảm xuống, đặc biệt là chi phí đầu vào của doanh nghiệp với nhiều khâu từ nguyên vật liệu, thành phẩm, thì cần tính toán phù hợp để hỗ trợ và kích thích kinh tế.
TTO - Dù cơ quan điều hành xả mạnh quỹ bình ổn vẫn không kiềm chế được đà tăng khá mạnh của giá xăng dầu do thuế phí chưa giảm, có loại xăng đã tiến sát mốc 23.000 đồng/lít.