Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn được đánh giá là "nhanh nhẹn" hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong việc phê duyệt những luật lệ phức tạp. Vì thế, việc nước này nhiều năm trì hoãn cải cách thuế bất động sản bất chấp năm 2018 một quan chức cấp cao gọi đó là vấn đề "quan trọng" khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Cuối cùng điều này cũng thay đổi. Như một phần trong chiến dịch "thịnh vượng chung" hướng đến mục tiêu thúc đẩy công bằng kinh tế thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc, Chính phủ nước này vừa thông báo sẽ thí điểm thuế bất động sản ở nhiều địa phương. Hải Nam (địa phương đang chuyển mình thành 1 trung tâm tự do thương mại) và Thâm Quyến là 2 "ứng cử viên" tiềm năng.
Đây là bước tiến nhỏ mới nhất để Trung Quốc thực hiện chiến dịch cải cách thuế sâu rộng mà nước này đã muốn làm từ nhiều năm nay nhưng chưa đạt được nhiều thành công. Với hệ thống chính trị ổn định và chỉ có 1 đảng, đáng lẽ sử dụng luật thuế là công cụ để tăng công bằng xã hội là điều rất dễ dàng. Tuy nhiên đảng Cộng sản Trung Quốc rất nhạy cảm với dư luận, đặc biệt là những ý kiến của tầng lớp trung lưu.
Năm 2013, Quốc vụ viện từng kêu gọi áp thuế bất động sản rộng hơn và tiến tới đánh thuế thừa kế. Tuy nhiên sau nhiều tháng tranh luận nội bộ, những kiến nghị bị hạ xuống thành "ý kiến". Và để giảm sự chú ý của dư luận, kế hoạch được thông báo ngay trước khi Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm.
Theo Jia Kang, giám đốc 1 viện nghiên cứu, ở thời điểm hiện tại tất cả những khía cạnh gai góc nhất của vấn đề đều đã được giải quyết và đây chính là lúc thích hợp để Trung Quốc triển khai thuế bất động sản.
Động thái mới nhất cũng cho thấy ông Tập coi trọng sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu như thế nào. Dưới thời ông, tài sản của họ đã tăng lên nhanh chóng, đời sống được cải thiện đáng kể. Chắc chắn ông không muốn những loại thuế mới sẽ tạo ra làn sóng phản đối dữ dội trong tầng lớp trung lưu, nhưng đó vẫn là một việc cấp thiết cần phải làm nếu muốn đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững trong dài hạn.
Dưới đây là những loại thuế mà Trung Quốc có thể áp dụng trong thời gian tới.
Thuế bất động sản
Từ lâu Bắc Kinh vẫn muốn áp thuế bất động sản trên toàn quốc. Hiện trung bình bất động sản chiếm tới 70% tài sản của các hộ gia đình ở thành thị. Thuế bất động sản được kỳ vọng sẽ giúp ổn định giá nhà đất tại những thị trường nóng nhất.
Tuy nhiên, giá nhà tăng cao cũng mang lại nguồn tiền lớn cho ngân sách địa phương. Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu từ bán đất chiếm khoảng 35% tổng nguồn thu ngân sách của các địa phương. Do đó họ sẽ phản ứng với bất kỳ biện pháp nào có nguy cơ làm giảm giá nhà đất.
Năm 2014, chính sự phản đối của các địa phương đã gây nhiều khó khăn cho dự án yêu cầu mọi người dân kê khai các bất động sản mà họ đang sở hữu. Sau 1 tháng triển khai, tỷ lệ các thành phố hoàn thành mục tiêu đề ra chỉ đạt 16%.
Mặc dù chính quyền trung ương nhấn mạnh mục đích của việc xây dựng cơ sở dữ liệu không phải là đánh thuế bất động sản mà là để quản lý thị trường tốt hơn, phải đến năm 2018 dự án mới hoàn thành. Cùng năm đó Trung Quốc đưa thuế bất động sản vào danh sách các mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch 5 năm.
Theo Larry Hu và Ji Xinyu, 2 chuyên gia kinh tế của Macquarie, những bên phản đối thuế bất động sản "không chỉ đông đảo mà còn quyền lực". Những loại thuế này không chỉ là phân phối lại của cải từ người giàu sang người nghèo mà còn là từ các thế hệ trước và những công dân thành thị sang nhóm còn lại.
Liệu thuế bất động sản có hiệu quả như kỳ vọng hay không vẫn là 1 câu hỏi còn bỏ ngỏ. 1 thập kỷ trước, Thượng Hải áp thuế 0,4-0,6% đối với các ngôi nhà mới mua và ngôi nhà thứ hai. Năm ngoái loại thuế này mang về cho ngân sách địa phương hơn 19 tỷ nhân dân tệ, chỉ tương đương 3,4% tổng thu thuế và thấp hơn tỷ trọng 7% của nguồn thu từ bán đất. Trong khi đó giá nhà ở Thượng Hải vẫn tiếp tục tăng.
Thuế thu nhập
Cách đây vài năm, Trung Quốc đã cải cách hệ thống thuế thu nhập cá nhân nhằm giảm gánh nặng lên những người có thu nhập thấp và thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên nhìn chung thì hệ thống thuế vẫn bị đánh giá là có lợi cho người giàu, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế đánh vào thu nhập từ đầu tư vẫn thấp hơn nhiều so với thuế thu nhập cá nhân.
Theo Jason Mi, kiểm toán viên chuyên về thuế tại EY, cải cách thuế thu nhập cá nhân là mục tiêu khá dễ dàng ở thời điểm hiện tại. "Nguồn thu nhập chính của nhóm có thu nhập cao hiện là từ kinh doanh, từ các studio và hoàn toàn có thể đưa những mục này vào danh sách đánh thuế thu nhập cá nhân trong tương lai".
Đồng thời Trung Quốc có thể giảm mức thuế suất từ 45% xuống còn 35%, theo Shi Zhengwen, giám đốc Viện nghiên cứu chính sách tài khóa và thuế trực thuộc ĐH Khoa học chính trị và luật Trung Quốc, nhận định.
Trung Quốc từng thành công với nỗ lực cải cách thuế thu nhập cá nhân. Năm 2018, ngưỡng thu nhập bắt đầu phải đóng cửa được nâng từ 3.500 nhân dân tệ (tương đương 548 USD) lên 5.000 tệ/tháng và bổ sung chi phí giáo dục cho trẻ em, chi phí điều trị bệnh nặng vào các khoản được giảm trừ. Các lãnh đạo doanh nghiệp đang kêu gọi tiếp tục tăng ngưỡng đóng thuế lên 10.000 tệ/tháng.
Thuế thừa kế
Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế lớn không áp thuế thừa kế. Và thực ra cho đến gần đây loại thuế này mới trở nên cần thiết vì trước đó chưa có nhiều tài sản tích lũy để chuyển giao cho thế hệ sau. Tuy nhiên Trung Quốc ngày càng sản sinh nhiều triệu phú và tỷ phú, những người quan tâm đến việc bảo vệ tài sản cho con cháu, trong khi chính phủ cũng nhìn nhận thuế thừa kế là 1 cách hữu hiệu để giảm chênh lệch giàu nghèo.
Trung Quốc lần đầu tiên nghĩ đến thuế thừa kế vào năm 1995, khi cơ quan thuế đưa dự luật đánh thuế thừa kế nhằm vào những khoản thừa kế có giá trị từ 1 triệu tệ trở lên (tương đương 157.000 USD theo thời giá khi đó). 4 năm sau, Bộ tài chính cho biết thuế thừa kế sẽ trở thành luật sớm nhất vào năm 2000, nhưng điều đó không xảy ra.
Lần gần nhất Trung Quốc bàn về thuế thừa kế là năm 2013, khi Quốc vụ viện cho biết đang nghiên cứu về loại thuế này. Nhưng câu chuyện chỉ dừng lại ở tin đồn và đến năm 2017, truyền thông nhà nước cho rằng thuế thừa kế chỉ khuyến khích người giàu chuyển tiền ra nước ngoài mà thôi.
Lập luận này không phải không có lý, bởi chưa có hệ thống nào có thể theo dõi và xác nhận chính sách 1 cá nhân có bao nhiêu tài sản. Tuy nhiên nó mang màu sắc chính trị nhiều hơn bởi theo Jia Kang, có lẽ các quan chức cấp cao e ngại không muốn tiết lộ thông tin về tài sản cá nhân của chính họ.
Tham khảo Bloomberg