Xưa tới nay, khu vực phố cổ được mệnh danh là “tuyến phố kim cương”, bởi ngoài sức hút mạnh đối với các tiểu thương thì nơi đây luôn có mức giá trên trời. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đất tại khu vực phố cổ luôn dẫn đầu về sự đắt đỏ, sánh ngang với mức giá những khu đất vàng ở Paris, Tokyo, New York,...
Trước kia, mặc dù luôn có mức giá cao nhưng muốn mua nhà tại khu vực phố cổ cũng vô cùng khó. Bởi lẽ, nhà tại khu vực này được cho thuê với mức giá cao được các tiểu thương săn đón. Chính vì lợi nhuận từ việc cho thuê lớn nên các chủ nhà chưa bao giờ có ý định bán. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay, tình hình kinh doanh không mấy khả quan, kéo theo việc cho thuê cũng khó khăn, thậm chí là về 0. Không ít chủ nhà tại khu vực này đã có động thái bán nhà, khách sạn để giải phóng gánh nặng.
Đặc biệt, sau thời gian giãn cách này, với tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp đã dập tắt hy vọng của chủ nhà, đến nay xuất hiện nhiều nhà phố, khách sạn có mức giá khủng đang được rao bán rầm rộ lên tới cả vài tỷ đồng mỗi m2.
Theo khảo sát, không khó để bắt gặp hàng loạt căn nhà tại phố cổ được bán từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng, kèm theo đó là lời mời chào hấp dẫn “có thể cho thuê với mức giá từ 300 - 400 triệu đồng/tháng”. Thậm chí, nhiều khách sạn còn vẫn khẳng định, doanh thu mỗi tháng có thể lên tới hơn chục tỷ đồng và tăng dần theo năm.
Nhà tại các con phố như Hàng Bông, Hàng Bạc, Đinh Liệt,.. có tỷ lệ rao bán nhiều nhất trong thời gian qua. Mức giá tại khu vực này dao động từ 500 - 800 triệu đồng/m2, đây được cho là mức giá hữu nghị với người mua trong thời điểm này. Nhưng, không ít chủ nhà cũng đành ngậm ngùi khẳng định, mặc dù giá đã giảm 5 - 10% so với trước dịch nhưng vẫn trong cảnh “đỏ mắt” đợi khách cả năm trời.
Đơn cử, một ngôi nhà tại phố Hàng Bông có diện tích 150m2, đang được rao bán với giá 90 tỷ đồng, tương đương 600 triệu đồng/m2. Anh Hưng - chủ nhà cho biết, mức giá này so với trước dịch đã giảm 10%, nếu người mua thiện chí có thể đàm phán thêm.
“Trước kia tôi cho một nhà hàng thuê nhưng mới đây hết hợp đồng nên tôi lấy lại nhà để bán. Giá này đã mềm hơn trước rồi, nếu như thiện chí thì đàm phán thêm, tôi cần tiền để đầu tư mảng khác. Bình thường muốn mua nhà tại khu vực này cũng khó”, anh Hưng chủ nhà chia sẻ.
ảnh chụp màn hình
Đáng chú ý, sau thời gian giãn cách lần này, lượng khách sạn rao bán tăng đáng kể. Mức giá khách sạn tại khu vực này chủ yếu dao động từ 1 - 2 tỷ đồng/m2. Thậm chí, xuất hiện cả những khách sạn có mức giá trên 3 tỷ đồng/m2 đang được rao bán rầm rộ. Đơn cử, một khách sạn tọa lạc trên phố Hàng Trống, có diện tích 425m2, được rao bán với mức giá 855 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ đồng/m2.
Đặc biệt, một khách sạn khác nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng, có diện tích 271m2, đang được rao bán với mức giá 999 tỷ đồng, tương đương gần 3,7 tỷ đồng/m2, đây được cho là mức giá kỷ lục nhất từ trước tới nay.
Theo người bán cho biết, khách sạn này tráng lệ, bề thế bậc nhất Thủ đô, được xây dựng 11 tầng, trong đó có 3 tầng hàm và 8 tầng nổi, bao gồm 48 phòng cho thuê kinh doanh. Người này còn khẳng định, doanh thu của khách sạn đạt hơn 10 tỷ đồng/tháng và sẽ tăng dần theo năm.
Theo anh Quang Thành - môi giới bất động sản tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, khu vực phố cổ đa phần mua để làm khách sạn hoặc cho thuê kinh doanh. Tuy nhiên, đặc thù của khu vực này là phục vụ khách du lịch nước ngoài tới là chủ yếu. Vì vậy, thời điểm hiện tại các chuyến bay quốc tế chưa được khởi động thì tình hình kinh doanh cũng khó khăn.
Nhiều khách sạn mới sử dụng được thời gian ngắn hoặc chưa sử dụng đã phải rao bán.
“Rất nhiều khách sạn mặc dù mới được xây dựng chưa sử dụng được bao lâu thì dịch bệnh ập tới, trong khi đó họ đang phải ôm khoản nợ lớn nên phải bán đi để giải phóng gánh nặng tài chính. Trong đó, có cả những khách sạn vừa xây dựng xong chưa kịp đi vào sử dụng”, anh Thành nói.
Bên cạnh đó, những người mua nhà tại phố cổ đều không có nhu cầu ở thực mà cho thuê kinh doanh, tính giá trị lâu dài. Hơn nữa, đất tại khu vực này cực kỳ hạn chế và mang đậm nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử. Do đó, khu vực này luôn có mức giá neo cao dù không có nhiều giao dịch thành công.
“Có nhiều ngôi nhà đã rao bán cả năm trời rồi, mức giá cũng giảm từ 5 - 10% nhưng vẫn chưa bán được. Theo tôi thấy, có khi phải chờ đến khi việc di chuyển giữa các nước dễ dàng hơn, du khách cũng tới du lịch thì tình hình mới khả quan”, người môi giới này khẳng định.
Ngoài ra, anh Thành còn tiết lộ: "Nhiều chủ nhà không treo biển bán nhà mà thay vào đó, họ sẽ tìm tới môi giới và đăng trên các trang tin rao bán bất động sản để tránh tình trạng người mua thấy treo biển lâu nhưng vẫn chưa bán được thì sẽ ép giá".
Tuấn Minh
Trí Thức Trẻ
Xem thêm: nhc.83082733172011202-2m-iom-gnod-yt-73-aig-iov-nab-oar-yan-cuv-uhk-nas-hcahk-ohp-ahn/nv.zibefac