3 bạn trẻ trong số rất nhiều F0 là thành viên ATM F0 chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình
Tự nguyện đi vào "tâm dịch" - là các cơ sở y tế, bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 - để phục vụ hậu cần, dọn vệ sinh, dọn phòng, lái xe, chăm sóc các bệnh nhân COVID-19… là cách mà nhiều F0 tại TP.HCM đã chọn làm sau khi được điều trị khỏi bệnh.
Vừa tham gia ATM F0 thì nghe tin bố qua đời
Đến nay đã bước qua tuần thứ 7 anh Hà Cẩm Hoàng (32 tuổi, ngụ Bình Tân, TP.HCM) rời gia đình tham gia đội tình nguyện viên F0 làm việc tại Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình.
Thu gom rác từ các phòng bệnh là nhiệm vụ mà anh Hoàng đăng ký đảm nhiệm. Ngoài ra, những lúc rảnh thì anh còn giúp đỡ mọi người trong việc cho các bệnh nhân ăn uống, vệ sinh…
Anh Hoàng (phải), một F0 đã khỏi bệnh tham gia vào ATM F0 chống dịch từ 13-9 đến nay
Đầu tháng 8-2021, anh Hoàng (lao động tự do) cùng gia đình gồm bố mẹ, vợ và ba con nhỏ biết mình mắc COVID-19. Anh, vợ cùng các con được đưa đi cách ly tập trung điều trị. Bố và mẹ vì lớn tuổi, có bệnh nền khiến triệu chứng nặng hơn và phải nhập viện điều trị.
Khoảng gần 1 tháng sau, anh Hoàng cùng vợ, các con về nhà. Mẹ của anh cũng khỏe lại và xuất viện sau đó.
Đến ngày 13-9, ngày đầu tiên mà tôi tham gia ATM F0 chống dịch cũng là ngày nhận được tin ba tôi qua đời, lỡ vào rồi nên tôi cũng không thể về nhà chịu tang ba được.
Thành viên ATM F0 chống dịch Hà Cẩm Hoàng
Anh Hoàng tâm sự, chính từ những lần được bác sĩ tận tình chữa trị, tình nguyện viên ân cần chăm sóc giúp mình khỏi bệnh đã thôi thúc anh phải đăng ký bằng được vào các đội F0 chống dịch.
Và khi trực tiếp làm các công việc của một F0 tình nguyện tại bệnh viện, thấu hiểu được nỗi cực nhọc của lực lượng tuyến đầu, anh Hoàng nói đã "thề với lòng sẽ chiến tới cùng, chừng nào hết dịch mới về".
"Vợ con, mẹ cũng từng được các bác sĩ, chị điều dưỡng chăm sóc, chữa trị nên hiểu được lý do tôi tham gia, họ cũng đồng ý và cổ vũ tôi tham gia" - anh Hoàng nói thêm.
PGS.TS Lê Đình Thanh trực tiếp trao quà cho các tình nguyện viên F0
An sinh - Tận tâm - Mau chóng
Ngày 27-10, tại Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình (TP.HCM) đã diễn ra lễ tổng kết chương trình ATM F0 chống dịch.
Theo ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nhằm chung tay cùng Chính phủ trong hoạt động phòng chống dịch, thời gian qua hội đã đưa vào triển khai một số hoạt động như: ATM gạo, ATM oxy, ATM hiến máu cứu người, ATM nhân lực tiêm vắc xin, ATM túi thuốc cứu người, ATM yêu thương…
Đã có hơn 1.400 F0 tham gia nhận nhiệm vụ tại các cơ sở y tế, bệnh viện điều trị COVID-19 trong thời gian qua
"An sinh, tận tâm và mau chóng" là giải nghĩa viết tắt của từ ATM - tên gọi chung của các hoạt động mà Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã phát động.
Chứng kiến sự vất vả của các y bác sĩ với rất nhiều áp lực trong điều trị bệnh nhân COVID-19 và song song kiêm nhiệm công việc hậu cần, phục vụ bệnh nhân khiến chúng tôi luôn trăn trở, từ đó lên ý tưởng mời gọi các cựu bệnh nhân COVID-19 tham gia chống dịch, hình thành nên ATM F0 chống dịch.
Ông Đặng Hồng Anh, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
PGS.TS Lê Đình Thanh - giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, kiêm giám đốc Bệnh viện Dã chiến đa tầng Tân Bình - nói rằng ATM F0 chống dịch mang nhiều ý nghĩa và đã thành công trong việc bổ sung nhân lực kịp thời cho tuyến đầu chống dịch.
Đây cũng là cơ hội giúp các F0 khỏi bệnh quay lại tri ân và hỗ trợ chính những người đã từng điều trị, cứu sống mình.
PGS.TS Lê Đình Thanh, giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, kiêm giám đốc Bệnh viện Dã chiến đa tầng Tân Bình
Ngoài ra, ông Thanh bày tỏ sự ấn tượng trước sự năng động, sáng tạo từ những chương trình, cách làm của thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là định nghĩa ATM với thông điệp "an sinh, tận tâm và mau chóng" mà Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đưa ra.
"Sự dấn thân, cống hiến của chúng tôi luôn cần sự đồng hành của mọi người mới đem lại lợi ích được. Thực chất việc xông vào tâm dịch của anh chị F0 là hoạt động vô cùng thiết thực mà không phải ai cũng đủ can đảm để làm, kể cả một số người trong ngành y cũng không đủ tự tin để vào tâm dịch" - PGS.TS Lê Đình Thanh nói.
Đã có khoảng 2.000 F0 khỏi bệnh đăng ký tham gia chương trình ATM F0 chống dịch. Trong đó, gần 1.400 F0 nhận bàn giao công việc với 45 bệnh viện, cơ sở y tế, với các nhiệm vụ hậu cần, dọn vệ sinh, dọn phòng, lái xe, chăm sóc bệnh nhân…
Mỗi tình nguyện viên tham gia được hỗ trợ từ 6 - 8 triệu đồng/tháng để có thêm chi phí trang trải cho sinh hoạt hằng ngày.
Ông Đặng Hồng Anh, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (thứ hai từ phải sang), nhận thư của đại diện Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình
TTO - Trong bối cảnh mở cửa "sống chung với dịch", dự báo số ca F0 trong cộng đồng có thể gia tăng ở một số địa phương, trong đó có TP.HCM, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Bắc.