Ông Nguyễn Công Hoàng, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI
Người dân cho rằng việc thoát nước không tốt là lỗi của quy hoạch và xây dựng đô thị ồ ạt, thiếu tính toán hạ tầng thoát nước. Sở Xây dựng có trách nhiệm nặng nhất trong đợt ngập này.
Ngập do mưa quá lớn
* Vì sao TP Quảng Ngãi chịu trận ngập chưa từng có, nhiều nơi ngập sâu hơn 1m, thưa ông?
- Ông Nguyễn Công Hoàng: Nguyên nhân khách quan do thời tiết cực đoan, mưa với lưu lượng lớn xảy ra trong thời gian ngắn. Nguyên nhân chủ quan, phát triển đô thị chắc chắn ảnh hưởng, giữa quy hoạch và xây dựng có vấn đề. Quy hoạch đưa ra nhiều giải pháp, nhưng xây dựng không đồng bộ vì nguồn lực có hạn và chọn vị trí xây dựng theo thứ tự ưu tiên chưa đạt yêu cầu.
* Ông có thể chia sẻ các hướng thoát nước của TP hiện tại?
- Qua đợt lụt vừa rồi phần phía bắc sông Trà Khúc cơ bản ổn; phía nam sông Trà Khúc hướng thoát lũ chia làm 2 mái lấy đường Hùng Vương làm trục chính. Từ đường Hùng Vương ra sông Trà Khúc sẽ đổ ra sông Trà Khúc, điểm cuối dưới chân cầu Trà Khúc 2 ở đó có máy bơm cưỡng bức đảm bảo trong vòng 15 phút sẽ thoát nước.
Từ đường Hùng Vương vào sông Bàu Giang theo hệ thống cống chính qua khu đô thị Uhome, Ngọc Bảo Viên... ra sông Bàu Giang. Còn phía tây (trên đường ray xe lửa) sẽ đổ về kênh Tư Nghĩa; phía đông sẽ theo hồ điều hòa kênh thoát nước đổ ra sông Trà Khúc ở khu vực Bàu He.
Ông Hoàng cho rằng phía bắc TP thoát nước ổn, nhưng người dân ở khu vực chợ Hàng Rượu (phường Trương Quang Trọng) phải xây tường ngăn không cho nước vào nhà - Ảnh: TRẦN MAI
* Có những hướng thoát nước như vậy tại sao TP vẫn ngập, thậm chí ngập sâu ở phía nam?
- Thực tế mà nói, đô thị trung tâm Quảng Ngãi hiện tại là đô thị cũ, việc tính toán đầu tư 20 năm về trước không lường được biến đổi khí hậu. Những năm qua đô thị phát triển rầm rộ, thật sự không lường trước được, dẫn đến việc nâng cấp hạ tầng thoát nước cũ chỉ đáp ứng cho điều kiện bình thường, khi mưa lịch sử như đợt vừa rồi, hạ tầng thoát nước không đáp ứng.
Giải pháp chống ngập
* Khu vực phía nam TP đang ngập sâu, theo ông cần phải có giải pháp gì chống ngập cho khu vực này?
- Trong giai đoạn ngắn, để đảm bảo thoát nước, khắc phục ngập, cần nạo vét hạ lưu sông Bàu Giang đang bị bồi lấp sẽ cơ bản chống ngập cho phía nam TP. Về lâu dài, cần chỉnh trị và đê kè hai bên sông, đầu tư trạm bơm cưỡng bức đảm bảo thoát nước trong những trường hợp lượng nước quá lớn trong thời gian ngắn.
Kênh hở rộng khoảng 10m, hướng thoát nước chính cho phía nam TP Quảng Ngãi, đã ngầm hóa và trở thành lối đi từ đường Lê Lợi vào khu đô thị Ngọc Bảo Viên - Ảnh: TRẦN MAI
* Những khu đô thị mới và những khu chỉnh trang phần lớn nằm ở các vị trí trũng thấp trước đây là nơi trữ nước của TP trong quy hoạch đã tính hồ thay thế chưa?
- Trong quy hoạch, TP có 3 hồ điều hòa vừa mục tiêu cảnh quan vừa là nơi gom nước khi gặp mưa lớn trước khi bơm cưỡng bức. Thực tế chỉ có hồ điều hòa trung tâm (ở quảng trường Phạm Văn Đồng), hồ điều hòa phía đông khu đô thị Bàu Cả. Hồ điều hòa ở phía nam TP vẫn còn nằm trên giấy. Nếu có nguồn lực đầu tư sẽ giải quyết vấn đề người dân nói. Nhưng hiện tại chưa làm được, hạ tầng thoát nước chưa hoàn chỉnh ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
* Quy hoạch chỉnh trị sông Bàu Giang, xây dựng 3 hồ điều hòa và thêm trạm bơm cưỡng bức ở phía nam TP ông có chắc đã đủ để giải quyết bài toán ngập?
- Khu vực phía bắc 1 trạm bơm chưa đủ. Theo quy hoạch có 3 trạm bơm: trạm bơm hiện hữu, trạm bơm cống Bàu He và trạm bơm ở khu vực Nghĩa Hà. Nếu việc thoát nước của TP Quảng Ngãi làm đúng như quy hoạch, đảm bảo việc thoát nước sẽ ổn.
TP Quảng Ngãi trải qua đợt ngập kỷ lục do hạ tầng yếu kém và không đồng bộ - Ảnh: RÂU CAMERA
* Tại sao lại ngầm hóa 2 kênh hở rộng chừng 10m? Có phải để phát triển đô thị mà chưa tính căn cơ hạ tầng thoát nước?
- Giữa kênh hở và kênh kín, về mặt thoát nước kênh hở thoát tốt hơn, nhưng về mặt mỹ quan đô thị và vấn đề môi trường kênh kín tốt hơn. Trong quá trình từ hở đến kín, một số tuyến kênh khi ngầm hóa việc xác định quy mô, lưu lượng dòng chảy chỉ xác định cục bộ, chưa xác định tổng thể, dẫn đến cống ngầm cùng 1 hệ thống nhưng khu vực to, khu vực nhỏ ảnh hưởng việc thoát nước.
* Ở góc độ quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, hạ tầng thoát nước, ông có nhìn thấy khu đô thị đang phát triển ồ ạt ảnh hưởng đến quá trình thoát nước?
- Đứng về mặt cơ quan quản lý nhà nước, việc phát triển đô thị ồ ạt kể cả trên thực tế và trên giấy là có. Trong quá trình đầu tư việc không đồng bộ đã nảy sinh. Việc nâng cao độ ở các khu đô thị mới chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình thoát nước.
Giai đoạn trước, khi chưa đầu tư đô thị, các vị trí trống thành điểm chứa nước. Bây giờ đầu tư hạ tầng chưa khớp nối, chúng tôi sẽ xem xét lại, tìm cách giải quyết ngập cho TP.
Qua đợt ngập lịch sử này chúng tôi cũng sẽ đánh giá được sức chịu đựng của hạ tầng thoát nước tỉnh Quảng Ngãi.
Kiến trúc sư Trần Bá Phước, chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Ngãi, cho rằng việc ngập lụt ở TP Quảng Ngãi là tất yếu và ông đã dự đoán từ 5 năm trước khi đi qua khu đô thị Ngọc Bảo Viên và Bàu Cả đã nhận ra những khuyết điểm rất lớn về thoát nước. Đường cống hở ở hai tuyến thoát nước chính của TP Quảng Ngãi bị ngầm hóa, hai "túi nước" của Quảng Ngãi đã trở thành khu đô thị.
"Tôi cho rằng vai trò của Sở Xây dựng là rất lớn trong việc để TP ngập sâu như vừa rồi. Sở này nắm đầy đủ quy hoạch 1/2.000 lẫn quy hoạch chi tiết mà nhà đầu tư trình lên để làm bất kỳ điều gì thay đổi TP. Tại sao không phát hiện những sai sót trong hạ tầng thoát nước?", KTS Phước nói.
Hướng thoát nước chính cho khu vực từ đường Hùng Vương ra bờ sông Trà Khúc điểm cuối nằm dưới cầu Trà Khúc 2, nơi đây có trạm bơm cưỡng bức, theo ông Hoàng chỉ cần 15 phút sẽ xử lý xong ngập trong khu vực này - Ảnh: TRẦN MAI
Hướng thoát nước ở phía nam TP Quảng Ngãi ra sông Bàu Giang đã được ngầm hóa như thế này, đến gần cuối đoạn mới có kênh hở - Ảnh: TRẦN MAI
Ông Do (75 tuổi, tổ 3, phường Nghĩa Lộ) bảo rằng từ khi khu đô thị Ngọc Bảo Viên hình thành, ngập sâu mới xảy ra, trước đó cả đời ông chưa từng thấy đợt ngập nào mà nước tràn vào nhà, chứ chưa nói đến ngập sâu hơn 60cm - Ảnh: TRẦN MAI
TTO - Trong trận mưa lũ từ ngày 22 đến 24-10, TP Quảng Ngãi đã hứng đợt ngập chưa từng có, nhiều tuyến đường, nhiều khu vực chìm trong biển nước. Có những tuyến đường khu dân cư trước đây không ngập thì nay cũng bì bõm nước.