Theo các chuyên gia, hiện nay Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) đang "cạn dần" nên việc giảm giá xăng dầu không thể trông chờ vào Quỹ BOG mà cần các biện pháp "mạnh hơn" như giảm thuế phí.
Làm gì để giảm giá xăng dầu
Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước dù đã dùng tới Quỹ bình ổn. Mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng; xăng RON 95 thêm 1.460 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đắt thêm 120-1.170 đồng một lít, kg tuỳ loại.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 ở mức 23.110 đồng một lít, còn xăng RON 95 lên mức 24.330 đồng một lít - ngưỡng cao nhất 7 năm (kể từ tháng 9.2014).
Nêu quan điểm về việc giá xăng tăng mạnh trong các kỳ điều chỉnh gần đây, trao đổi với Lao Động, ông Lê Minh - một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội xăng dầu là đầu vào của hoạt động kinh tế xã hội. Nếu giá xăng dầu cao thì sẽ tác động đến các lĩnh vực khác, không tốt cho hoạt động kinh tế xã hội nói chung. Vì vậy, việc đề xuất có biện pháp kiềm chế giá xăng dầu là cần thiết, hợp lý.
"Để giảm giá xăng dầu, cơ quan điều hành sẽ sử dụng công cụ là Quỹ BOG để điều tiết. Tuy nhiên, hiện Quỹ BOG đang "cạn dần" khi nhiều doanh nghiệp đầu mối như Petrolimex và PVoil có số quỹ âm lên tới hàng trăm tỉ đồng. Vì vậy, việc chi sử dụng Quỹ BOG hiện rất khó khăn.
Tôi cho rằng cần thiết giữ ổn định giá xăng dầu để phục hồi kinh tế, kìm chế tăng giá các ngành khác. Ưu tiên nhất là nên xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó là can thiệp hiệu quả quỹ bình ổn, tăng như vậy thì bỏ trích lập.
Còn thuế môi trường là cái cuối cùng ta cần cân nhắc vì điều tiết thuế này còn liên quan tới hành vi sử dụng của người dùng. Việc điều chỉnh thuế này cũng cần cân nhắc", ông Minh nói.
Theo số liệu từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đến trước 16h ngày 26.10, quỹ bình ổn xăng dầu tại tập đoàn này đang âm 262 tỉ đồng. Trong khi đó, quỹ bình ổn giá tại PVOil cũng âm hơn 697 tỉ đồng (đến trước ngày 11.10).
Tránh tình trạng tăng giá theo kiểu "té nước theo mưa"
Việc giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp trong thời gian đã "kéo" các mặt hàng thực phẩm tăng theo, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Bởi lẽ giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Ngoài ra, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Trước những lo ngại giá xăng dầu tăng khiến tình trạng "té nước theo mưa" của một số loại hàng hóa, để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội, trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, Chính phủ, các bộ ngành cần thực hiện tốt một số biện pháp, như tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Điều này là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.
Bên cạnh đó, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
"Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng lạm phát do tâm lý", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Xem thêm: odl.250869-auq-man-7-gnort-tahn-oac-cos-gnat-gnax-aig-ihk-teihn-maig-ed-ig-mal/et-hnik/nv.gnodoal