Đến thời điểm này, cùng với khối đại học, các trường nghề tại TP.HCM cũng đã bắt đầu năm học mới 2021-2022 theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, ở nhiều ngành vẫn chưa thể tổ chức học vì quá ít học viên. Có những trường nghề các năm trước “bội thu” nhưng năm nay đến giờ vẫn chỉ tuyển được 50%-70% chỉ tiêu.
Nhiều ngành “vắng bóng” thí sinh
Cách đây hơn một tháng, khi các trường đại học chưa công bố điểm chuẩn, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (quận Tân Bình) chỉ mới tuyển được khoảng 40% chỉ tiêu trong tổng số gần 8.000 em.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng trường, cho biết trường sẽ kéo dài tuyển sinh đến cuối tháng 10 để chờ thí sinh (TS) không trúng tuyển đại học sẽ đăng ký vào học vì số em đã đăng ký online là hơn 10.000 em.
Thế nhưng đến thời điểm này, trường cũng chỉ tuyển được khoảng 65% chỉ tiêu, tập trung nhiều ở một số ngành hot như công nghệ ô tô, thiết kế đồ họa, cơ khí…
Theo Tiến sĩ Lộc, chưa năm nào trường tuyển sinh chậm và thấp như năm nay. Qua ghi nhận, một phần do TS còn trông chờ các đợt xét tuyển bổ sung ở các trường đại học. Một phần do dịch COVID-19 kéo dài, gây khó khăn về kinh tế cho phụ huynh, học sinh, khiến nhiều em học xong THPT phải lựa chọn đi làm lao động phổ thông để kiếm sống.
Tiến sĩ Lộc cho biết hiện trường đã bắt đầu năm học, khá muộn so với mọi năm nhưng ở một số ngành/nghề vẫn chưa tổ chức được lớp học vì quá ít người học, dù một lớp chỉ 30-40 em. Cụ thể như các ngành về máy điện, tàu thủy…
Tương tự, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM đến nay cũng chỉ mới tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu trong tổng số khoảng 2.000 TS, chỉ tăng gần 20% so với từ đầu tháng 9.
Tiến sĩ Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng trường, lo lắng một số ngành hot của trường qua mùa dịch trở thành “kén” người học vì bị ảnh hưởng của dịch bệnh, như logistics, nhà hàng khách sạn… Đáng nói, qua thống kê, TS đăng ký học ở trường đến từ 36 tỉnh, TP. Tuy nhiên, đa số các em ở TP.HCM, còn lại mỗi tỉnh chỉ 1-2 em.
“Điều này ngược với xu hướng của mọi năm khi trường nghề thường được TS ở tỉnh lựa chọn nhiều, nhất là Long An, Tiền Giang, Bình Thuận… Dịch bệnh đã tác động rất lớn đến xu hướng chọn ngành học cũng như điều kiện kinh tế để lựa chọn đi học của TS” - ông Khiêm nhận định.
Không chỉ ở những trường công lập, với các đơn vị ngoài công lập, việc tuyển sinh của các trường năm nay càng chật vật hơn.
Như tại Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, năm nay chỉ tiêu trường tuyển chỉ khoảng 500 em nhưng đến nay mới tuyển được khoảng 60%. Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cũng chỉ mới tuyển được 50% trong gần 4.000 chỉ tiêu.
Sinh viên Trường Trung cấp Kỹ thuật Hùng Vương TP.HCM trong một giờ thực hành. Ảnh: PHẠM ANH
Tư vấn thí sinh chuyển ngành, vận động học liên thông
Theo ghi nhận chung ở các trường đào tạo nghề, trước tình hình tuyển sinh chậm, các trường sẽ tiếp tục kéo dài thời gian tuyển sinh trong thời gian tới để “chờ” TS. Tuy nhiên, các trường cũng chủ động các phương án để đảm bảo vừa giữ được TS đã đăng ký, vừa tìm mọi cách để thu hút thêm TS vào học.
Như Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc chia sẻ, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng đã bắt đầu những tuần sinh hoạt công dân, giáo dục định hướng cho tân sinh viên ở những lớp đã đủ TS. “Với những ngành quá ít em, trường sẽ chờ thêm một, hai tuần nữa để có thêm TS đăng ký học. Nếu vẫn quá ít, trường buộc phải tư vấn cho những em ở các ngành này được chuyển sang các ngành học khác hoặc giải quyết theo nguyện vọng của các em” - ông Lộc chia sẻ.
Còn tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM, Hiệu trưởng Phạm Đức Khiêm cũng cho biết hiện trường vẫn đang tiếp tục dùng mọi cách để tiếp cận TS, nhất là những em đã từng đăng ký qua online. Trường sẽ có bộ phận gọi điện thoại trực tiếp đến từng em để tư vấn, hỗ trợ thêm thông tin để các em lựa chọn vào trường.
“Với số lượng TS hiện nay khá ít so với nguồn lực, quy mô đào tạo cũng như nhu cầu đặt hàng từ doanh nghiệp. Do đó, nếu vẫn khó tuyển được, trường cũng tính đến phương án tư vấn, tạo điều kiện cho khoảng 300 em đang sắp tốt nghiệp trung cấp để liên thông lên cao đẳng. Việc này vừa bù đắp sự thiếu hụt ở hệ đào tạo này, vừa giúp các em được nâng cao trình độ, kỹ năng để tự tin đi làm khi ra trường” - ông Khiêm chia sẻ.
Trước tình hình dịch COVID-19 kéo dài và tuyển sinh chậm như năm nay, lãnh đạo một trường nghề tại TP.HCM cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt lao động nghề vài năm tới. Bởi không chỉ tại TP.HCM, trường nghề ở nhiều địa phương cũng tuyển được rất thấp. Trong đó sẽ có lượng lớn cơ sở đào tạo ngoài công lập có khả năng “chết lâm sàng” vì số người học bình thường đã khó tuyển, nay vì dịch lại càng khó hơn. Một số trường buộc phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô chuyển hướng đào tạo sơ cấp, mở lớp ngắn hạn... để có nguồn thu.
Tám tháng chỉ đạt 13% kế hoạch tuyển sinh trong năm Tính đến nay, cả nước có 1.907 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 400 trường cao đẳng, 463 trường trung cấp, 1.044 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Riêng tại TP.HCM có 59 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 2,5 triệu người. Trong đó, cao đẳng là 260.000 người; trung cấp là 340.000 người. Tuy nhiên, đến giữa tháng 8 vừa qua, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 75.000 người học, đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021. Riêng tại TP.HCM, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tính đến hết tháng 9 vừa qua, bậc cao đẳng mới chỉ tuyển được 19.827/45.000 chỉ tiêu, đạt 44,06%; bậc trung cấp là 9.980/36.000 chỉ tiêu, đạt 27,72%. |