Lâu nay các công ty bất động sản Trung Quốc đã phát triển hưng thịnh nhờ việc bán ra rất nhiều trái phiếu niêm yết bằng đồng USD. Thế nhưng năm nay lại là một năm không được như ý với họ: trái phiếu đô la của họ đã mất đi khoảng 1/3 giá trị trong bối cảnh nhiều lo ngại về cuộc khủng hoảng thanh khoản tại một trong những công ty lớn nhất: Tập đoàn China Evergrande.
Khả năng sụp đổ dây chuyền đã gây ra sự lo lắng cho các công ty BĐS có nguy cơ vỡ nợ khác và toàn thị trường, thậm chí Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng bày tỏ sự lo ngại về những rủi ro tiềm tàng của cuộc khủng hoảng.
1. Các công ty BĐS Trung Quốc có tất cả bao nhiêu trái phiếu bằng USD?
Tính đến ngày 25/10, theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg, các công ty BĐS Trung Quốc có 207 tỷ USD trái phiếu bằng USD chưa thanh toán, chiếm khoảng một phần tư tổng số trái phiếu từ Trung Quốc.
Trong đó Evergrande chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng số tiền là 19,2 tỷ USD. Hầu hết các trái phiếu bằng USD được các công ty BĐS bán ra được coi là có lợi suất cao hoặc được xếp hạng là trái phiếu rủi ro cao hay trái phiếu rác. Xếp hạng này thường phản ánh rủi ro không thể trả nợ đúng hạn cao hơn của người đi vay.
Nhưng lâu nay các nhà đầu tư toàn cầu đã ưa chuộng những trái phiếu như vậy bởi khao khát nhận được lợi nhuận hấp dẫn vì trên thị trường mặc dù có nhiều hình thức đầu tư khác an toàn hơn nhưng lại có lợi suất âm.
2. Điều này có sự khác biệt so với những nơi khác?
Đúng. Các công ty BĐS chiếm đến hơn một nửa trong chỉ số gồm các trái phiếu USD có lợi suất cao do các công ty Trung Quốc phát hành mà Bloomberg thống kê. Ở những quốc gia khác, các công ty bất động sản phát hành trái phiếu đô la với tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều, ví dụ tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 4%.
3. Điều gì đã dẫn đến tình trạng này?
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc mở rộng nhanh chóng khi nền kinh tế dần định hướng theo nền kinh tế thị trường, một phần là do tầng lớp trung lưu mới nổi của nước này xem việc mua nhà là một trong số ít những khoản đầu tư an toàn.
Giá nhà tăng chóng mặt đã thúc đẩy các công ty BĐS đầu cơ và làm tăng nhu cầu nhà trên thị trường. Thêm vào đó, sự mở rộng quy mô thị trường nhanh chóng dẫn đến nhu cầu nguồn vốn lớn.
Ngoài các khoản vay ngân hàng, các công ty BĐS còn thu về nguồn tiền khổng lồ trên thị trường trái phiếu USD toàn cầu vốn luôn khao khát lợi suất cao. Nợ càng chồng nợ khi các công ty BĐS Trung Quốc tiếp tục tái cấp vốn. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, lượng phát hành hàng năm đã tăng từ 675 triệu USD năm 2009 lên đến 64,7 tỷ USD vào năm 2020. Chúng chiếm gần một nửa số trái phiếu đô la của những công ty có khả năng vỡ nợ trên thế giới.
4. Tại sao đây lại là một vấn đề?
Trong nhiều năm nay, Trung Quốc đã cố gắng xoa dịu đi quả bom nợ đang ngày càng phồng to lên của nước này, với lo ngại rằng nó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính kinh hoàng.
Là một phần của chiến dịch này, năm 2020, Trung Quốc đã thắt chặt những quy định tài chính đối với các công ty bất động sản nhằm mục đích giảm thiểu tình trạng vay tiền liều mạng của các công ty này. Trong tình hình đó, nhiều công ty BĐS không đủ tiền mặt để trang trải các khoản nợ và nếu không được vay thêm, họ sẽ gặp phải khó khăn trong việc chi trả cho các trái phiếu hiện hữu.
Do cuộc khủng khoảng mới nhất của Evergrande, chi phí đi vay đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua để bù đắp lại những rủi ro ngày càng tăng lên. Điều này làm hạn chế đi khả năng phát hành trái phiếu mới của các công ty. Trong khi đó, mức xếp hạng tín nhiệm của các công ty BĐS Trung Quốc đã bị hạ xuống mức thấp kỷ lục. Số lượng các công ty phá sản cũng đã xác lập kỷ lục mới trong năm 2021.
5. Điều này sẽ dẫn đến đâu?
Giới chức Trung Quốc đã và đang cố gắng cứu vãn thị trường. Phó thủ tướng và thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này đều cho rằng rủi ro trên thị trường bất động sản có thể được kiểm soát. Nếu xảy ra, tình trạng vỡ nợ lan rộng có thể gây ra tình trạng náo động với các thị trường tài chính khu vực do các công ty BĐS Trung Quốc có rất nhiều chi nhánh trên các sàn niêm yết trái phiếu.
Tình trạng này có thể gây ra bất ổn xã hội khi dân chúng bỏ tiền ra mua nhưng không nhận được nhà. Trong tình hình đó, cuộc khủng hoảng liên quan đến tập đoàn Evergrande, tập đoàn Fantasia Holding và một số công ty BĐS khác đã khiến cho việc phát hành trái phiếu bị chậm lại.
Tham khảo Bloomberg