Theo tờ SCMP, báo cáo chính thức về sự sụt giảm dân số mạnh tại 1 thị trấn thuộc tỉnh Jilin đã gây nên tranh cãi dữ dội trong cộng đồng mạng cũng như thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia quốc tế. Liệu đây là sai sót về thống kê hay do quá nhiều người chết vì dịch bệnh? Nguyên nhân là do suy giảm dân số hay chỉ đơn giản là người dân rời quê lên thành phố làm việc?
Bí ẩn "mất tích"
Ngày 26/10 vừa qua, báo cáo của chính quyền địa phương thị trấn Pingtai thuộc tỉnh Jilin cho thấy 31,44% dân số nơi đây đã "biến mất". Tổng số người tại đây chỉ còn 1.195 người, thấp hơn nhiều so với báo cáo điều tra của chính phủ được công bố vào tháng 5/2021 là 1.743 người.
Thông tin trên đã làm dậy sóng mạng xã hội Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang đối mặt nguy cơ lão hoá dân số khi tỷ lệ sinh liên tục giảm mạnh. Năm 2020, số trẻ mới sinh tại Trung Quốc đã giảm năm thứ 4 liên tiếp từ 18 triệu trẻ em năm 2016 xuống chỉ còn 12 triệu trẻ sinh mới, qua đó cho thấy tốc độ lão hoá nhanh chóng tại đây.
Số trẻ mới sinh tại Trung Quốc (triệu bé)
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương Pingtai đã phải ra tuyên bố giải thích rằng sự biến đổi sốc trên là do họ phải điều chỉnh nhằm khớp với số người thực hiện xét nghiệm dịch Covid-19. Ngoài ra, dân số tại Pingtai cũng biến động liên tục do người dân rời quê lên thành phố làm việc.
Dẫu vậy, những lời giải thích này chẳng thuyết phục được người dân cũng như các nhà nhân khẩu học. Chuyên gia nghiên cứu Yi Fuxian của trường đại học Wisconsin-Madison cho biết các cuộc xét nghiệm dịch bệnh của Trung Quốc dựa trên số liệu tổng điều tra dân số lần thứ 7 toàn quốc, thế nhưng báo cáo của 1 địa phương sau đó lại cho thấy sự sụt giảm mạnh, qua đó làm dấy lên nghi ngờ về tính chính xác của số liệu trên.
Trên thực tế, những nghi ngờ về sự sụt giảm dân số mạnh do chính sách 1 con và khó khăn tài chính, đồng thời với đó là số người chết vì dịch bệnh đã được các chuyên gia nước ngoài đặt câu hỏi thời gian qua. Vào cuối tháng 4/2021, Tổng cục thống kê Trung Quốc (NBS) đã lên tiếng bác bỏ bài báo của tờ Financial Times rằng dân số của họ đã bắt đầu suy giảm từ năm 2020, tức lần suy giảm đầu tiên kể từ năm 1961.
Theo chuyên gia Yi, việc giả số liệu là hoàn toàn có thể khi chúng liên quan đến chi tiêu công và thuế cũng như lượng tiền phân bổ cho giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo rót từ trung ương xuống địa phương hàng năm.
"Tại sao một địa phương nhỏ như vậy lại mất đến 30% dân số trong thời gian quá ngắn được? Đây chỉ là trường hợp cá biệt hay chúng xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc?", một người dùng bình luận trên Weibo đặt câu hỏi về bài báo cáo trên.
Không tăng trưởng trong 45 năm
Cũng theo tờ SCMP, dân số Trung Quốc có thể sẽ suy giảm mạnh hơn dự kiến khi tổng số người tại quốc gia này sẽ không thay đổi nhiều trong vòng 45 năm tới. Nhận định này dựa trên tỷ lệ sinh năm 2020 của Trung Quốc chỉ đạt 1,2 trẻ/phụ nữ, thấp hơn nhiều mức tiêu chuẩn 2 trẻ/phụ nữ để đảm bảo tăng trưởng dân số ổn định.
Đồng quan điểm, Liên Hiệp Quốc (UN) cho rằng dân số Trung Quốc từ mức hơn 1,4 tỷ người năm 2019 sẽ giảm xuống chỉ còn 1,3 tỷ vào năm 2065. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu còn đưa ra dự đoán bi quan hơn. Tạp chí The Lancet đăng tải báo cáo của trường đại học Washington cho thấy dân số của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ ngừng tăng lên vào năm 2100.
Trớ trêu thay, những nghiên cứu của các chuyên gia trong nước còn tồi tệ hơn. Báo cáo của các chuyên gia thuộc trường đại học Xian Jiaotong cho thấy những dự đoán của UN là dựa trên tỷ lệ sinh giả định 1,7 trẻ/phụ nữ, thế nhưng năm 2020 chỉ có 12 triệu trẻ được sinh ta, tức là thấp hơn 25% so với dự báo của UN.
"Nếu tỷ lệ sinh giảm xuống chỉ còn 1 trẻ/phụ nữ thì chỉ trong 29 năm tới, dân số của chúng tôi sẽ giảm 50%", chuyên gia Jiang Quanbao của trường Xian Jiaotong nhận định.
Một số chuyên gia nghi ngờ đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm 2020, trong khi số khác nhận định khoảng cách giàu nghèo và những khó khăn tài chính trong cuộc sống đã buộc nhiều gia đình từ bỏ giấc mơ đông con.
Số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ trẻ em tại quốc gia này chỉ chiếm 17% tổng dân số, trong khi người già trên 60 tuổi chiếm tới 18%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu thống kê, Trung Quốc có nhiều người già hơn số trẻ sơ sinh.
Lỗi tại... giá nhà?
Tờ SCMP cho biết áp lực kinh tế và thiếu sự hỗ trợ an sinh xã hội đã khiến tỷ lệ sinh suy giảm. Giá nhà cũng như chi phí sinh hoạt tăng cao khiến người dân không còn đủ khả năng nuôi dạy nhiều con nữa.
Nghiên cứu của Trung tâm hàn lâm khoa học Trung Quốc (CAS) cho thấy giá nhà quá cao tại vùng đồng bằng sông Dương Tử (YRD), một trong những khu phát triển nhất đất nước với các trung tâm như Thượng Hải, Nam Kinh, Hàng Châu... đã khiến tỷ lệ sinh tại đây thuộc hàng thấp nhất toàn quốc.
Theo SCMP, một báo cáo khác được đăng tải vào tháng 8/2021 cho thấy với mỗi 1.000 Nhân dân tệ tăng giá trên mỗi 1 m2 bất động sản, tỷ lệ sinh 1 con tại Trung Quốc sẽ giảm 2% còn sinh 2 con sẽ giảm 5%.
Nhận thức được tình hình, chính phủ Trung Quốc mới đây đã tiến hành một loạt cải cách, bao gồm áp dụng đánh thuế sở hữu bất động sản nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tái phân bổ lại tài sản để giúp tầng lớp bình dân có thể sinh con, đảm bảo ổn định dân số.
*Nguồn: SCMP
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị