Buổi livestream “Không tiền mặt lên ngôi trong mùa giãn cách” do báo Tuổi Trẻ tổ chức tối nay 28-10
Dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng
Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ, Vụ thanh toán, Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế để hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết cách đây 3 năm khi lần đầu tiên tổ chức Ngày không tiền mặt, lúc đó không ai nghĩ rằng thanh toán không tiền mặt trở nên phổ biến và thông dụng như hiện nay.
Công nghệ phát triển quá nhanh, đi vào đời sống tới mức mà mọi người sử dụng điện thoại di động đều tiếp cận được công nghệ mới. Với hàng loạt kênh như Internet banking, ví điện tử và những phương tiện thanh toán khác làm cho việc thanh toán không tiền mặt trở nên quá tiện lợi.
"Việc thanh toán không tiền mặt đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống, chứ không còn là phương tiện thanh toán nữa", ông Lê Xuân Trung nhận định.
Ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ tại chương trình
Ông Nguyễn Đăng Hùng - phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) - cho rằng người tiêu dùng nên mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, qua đó sẽ có những trải nghiệm rất thú vị. Khoảng 15 - 20 năm trước, ở Việt Nam, người dân có thể đã sử dụng thẻ để thanh toán hàng hóa dịch vụ rồi. Nhưng lúc đó nhiều người thường nghĩ đến thẻ ATM chỉ dùng rút tiền.
Nay mọi người mạnh dạn dùng thẻ ATM đó để thanh toán sản phẩm tại quầy bán hàng, siêu thị. Hiện nay các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã rất phổ biến, sẵn sàng rồi, không chỉ có thẻ mà còn là thanh toán qua điện thoại di động và sử dụng ứng dụng mobile banking của các ngân hàng. Các trung gian thanh toán cũng đưa ra nhiều ví điện tử.
"Việc thanh toán không tiền mặt đã tăng lên khi người dân sử dụng điện thoại thông minh khá phổ biến. Chuyển khoản có thể là cách đơn giản nhất, gần đây nhất là chuyển khoản qua mã QR.
Trước đây cần gửi thông tin như số tài khoản, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng mở tài khoản… thì nay chỉ cần gửi mã QR. Bên cạnh đó, người dân có thể thanh toán bằng thẻ, ví điện tử… Và trong tương lai, dịch vụ Mobile money được triển khai thì người dân có thể dùng số điện thoại do nhà mạng cung cấp để thanh toán khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ", ông Hùng nói.
Ông Lê Hải Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) - cho hay dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Nếu không xảy ra đợt dịch vừa qua thì để có được sự thay đổi ấy có khi cần vài năm, nhưng do dịch nên sự thay đổi đó xảy ra chỉ sau vài tháng.
Nhiều người vẫn muốn ‘không tiền mặt’ sau dịch
Nhiều người quen thanh toán bằng thẻ, ví điện tử sau dịch - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Dẫn số liệu khảo sát gần đây của Visa, ông Bình cho biết đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ. Theo khảo sát của Visa, có 77% người tiêu dùng Việt Nam biết đến ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này.
Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích nhất, tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè. Đặc biệt có đến 6% người được khảo sát cho biết họ nghĩ rằng sẽ không cần phải sử dụng tiền mặt nữa. Đó là tín hiệu lạc quan cho thấy dù quay lại bình thường mới thì thói quen không tiền mặt của người dân vẫn được duy trì.
Bà Lê Anh Thơ - giám đốc điều hành của CAO Fine Jewellery & PNJ Watch - cho hay từ 10 năm nay bà đã có thói quen chỉ mang theo rất ít tiền mặt, thay vào đó là dùng thẻ tín dụng, nhất là khi đi nước ngoài ví vừa gọn nhẹ, lại an toàn.
"Đợt dịch vừa qua các thanh toán không tiền mặt càng hữu dụng, tránh được nguy cơ lây bệnh. Mùa dịch rồi thức ăn không thiếu dù không đi chợ, tôi mua trên các hội nhóm, mua qua mạng rồi chuyển khoản cho người bán hoặc trả bằng ví điện tử…", bà Thơ nói.
Ông Phạm Đức Duy - giám đốc Trung tâm thẻ Sacombank - cho rằng Việt Nam là quốc gia thích nghi nhanh chóng với chuyển đổi số, hầu hết các loại hình thanh toán hiện đại trên thế giới đều được triển khai tại Việt Nam, trong đó phổ biến nhất là thẻ và ví điện tử với số người dùng mỗi năm tăng đáng kể.
Ông Lê Hải Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử (phải) và ông Phạm Đức Duy - Giám đốc Trung tâm thẻ Sacombank (giữa) tại chương trình
Hiện nay thẻ lưu hành nhiều nhất trên thị trường vẫn là thẻ công nghệ từ. Tuy nhiên thẻ từ tiềm ẩn rủi ro do công nghệ đã cũ và mức độ bảo mật giới hạn. Cho nên, những năm gần đây Ngân hàng Nhà nước rất quyết liệt trong việc yêu cầu các ngân hàng trong công tác chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, nhằm tăng tính an toàn và tiện lợi cho chủ thẻ.
Xu hướng nổi bật hiện tại của thị trường là thẻ phi vật lý, được gắn cùng với điện thoại di động, biến điện thoại di động thành phương tiện thanh toán hoặc thanh toán thông qua hình thức quét mã QR. Khi đó người dùng không cần mang theo tiền mặt hoặc thẻ khi mua sắm mà chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng là có thể thanh toán được.
Dưới góc độ của ngân hàng, ông Phạm Đức Duy cũng chia sẻ mong muốn đưa những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đến những phân khúc thấp hơn như các cửa hàng tạp hóa, các chợ truyền thống.
Tham gia Ngày không tiền mặt năm 2020, Sacombank đã kết hợp với báo Tuổi Trẻ triển khai các phương thức thanh toán QR cho chợ An Đông. Tương lai Sacombank sẽ đơn giản hóa nhất các bước thao tác để tiểu thương chợ truyền thống thực hiện một vài thao tác trên điện thoại để thanh toán không tiền mặt.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 97,3 triệu món, tương ứng với giá trị đạt 95,4 triệu tỉ đồng (tăng 3,3% về số lượng và tăng 41,3% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020).
Tính đến hết ngày 30-6-2021, tại Việt Nam có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 40 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và 37 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường với tổng số ví điện tử đang hoạt động là khoảng 16,3 triệu ví (tăng khoảng 2,7 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020).
TTO - Các dịch vụ thanh toán trực tuyến của NAPAS phối hợp với các đối tác cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia là gì? Dịch vụ này đem lại sự thuận tiện gì cho người dân?