Quán phở tại quận Gò Vấp (TP.HCM) có bàn ăn gắn vách ngăn và chỉ phục vụ tại chỗ 50% - Ảnh: NHẬT THỊNH
Các hàng quán ở TP.HCM đã đồng loạt phục vụ tại chỗ trở lại sau nhiều tháng tạm đóng cửa do dịch. Tuy nhiên, nhiều nhà hàng nằm tại địa bàn được phép phục vụ rượu bia tại chỗ vẫn "cửa đóng then cài" với lý do chưa được hướng dẫn cụ thể.
Những hàng quán đã mở cửa đều cho biết việc mở bán trở lại trong giai đoạn này chủ yếu để tạo công ăn việc làm cho nhân viên, kiếm tiền để trang trải chi phí thuê mặt bằng... chứ chưa hy vọng có lợi nhuận do những quy định khắt khe về phòng chống dịch.
Một số hàng quán cũng băn khoăn rằng nhiều thực khách mang theo trẻ em, vốn chưa được tiêm vắc xin, trong khi quy định khách đến quán ăn tại chỗ phải tiêm đủ liều vắc xin.
Chưa tính chuyện lời lãi
Chiều 28-10, anh Nguyễn Duy Tùng - chủ một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) - cùng 3 nhân viên đã sơ chế xong thực phẩm, sắp xếp chén dĩa để chờ đúng 16h mở cửa.
Quán rộng 300m2, trước đây được kê 18 bàn, mỗi bàn phục vụ 4 - 6 khách, nhưng bây giờ chỉ kê 5 bàn với 2 khách/bàn theo đúng quy định phòng chống dịch, vừa bán mồi nhậu vừa bán cháo.
Dự kiến lượng khách đến ăn uống tại chỗ chưa nhiều trong ngày đầu tiên nên anh Tùng chỉ mua về 2 triệu đồng thực phẩm, chỉ bằng ¼ so với trước.
Tranh thủ ăn cơm trước khi đón những vị khách đầu tiên đến quán sau hơn 4 tháng chờ đợi, anh Tùng chia sẻ quán mở bán mang về được khoảng một tuần nay nhưng "không ăn thua, bán vì đam mê thôi chứ lời lãi gì".
Sau khi được bán tại chỗ trở lại, anh Tùng cho biết rất vui bởi suốt 4 tháng qua không có doanh thu. Bình thường có 7 nhân viên, nhưng phần lớn đã về quê do dịch kéo dài. Anh Tùng may mắn tuyển được 3 nhân viên mới.
"Từ lúc thuê mặt bằng này đã 4 lần dịch, được cái chủ nhà tốt, chứ không "ra đi" từ lâu rồi. Hy vọng đợt thí điểm lần này được ổn, khách tới ăn nhiều hơn, có thêm tiền trả tiền thuê mặt bằng với lo cho anh em chứ chưa thể tính lời lãi vào thời điểm này" - anh Tùng nói.
Nhiều nhà hàng cho biết đã cho quay phim tất cả các phương án được tổ chức bán tại chỗ, đảm bảo điều kiện an toàn dịch bệnh để trình cơ quan chức năng theo quy định để có sự phối hợp, giám sát.
Tuy vậy, nhiều người bán lăn tăn trường hợp người dân từ vùng hàng quán không được cho bán bia rượu đi sang vùng được bán để ăn nhậu thì có được không và xử lý thế nào.
Việc cho bán tại chỗ không chỉ đem lại niềm vui cho chủ quán mà cả nhân viên sau nhiều tháng thất nghiệp. "Đi làm cho khỏe người chứ nằm nhà lâu ngày mệt quá, bản thân cũng có thêm tiền trang trải cuộc sống" - Dương Văn Tùng (23 tuổi, sinh viên năm cuối Trường đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương) nói.
Còn đối với thực khách, nhiều người cũng tranh thủ dậy sớm để đi ăn tại những quán quen. Là vị khách đầu tiên bước vào quán phở ở quận Tân Bình vào sáng cùng ngày, chị Trần Thị Loan cho hay thực sự nhớ cảm giác được thưởng thức tô phở nóng, nên khi quán mở lại, chị dậy rất sớm để đi ăn sáng, phần vì nhớ phần cũng sợ cảnh ăn uống đông người.
Trong khi đó, đại diện The Coffee House cho biết đã mở 40/94 cửa hàng và sẽ tiếp tục mở theo lộ trình khi các cửa hàng còn lại đáp ứng đủ tiêu chí từ chính quyền. Theo vị này, các cửa hàng trong hệ thống chỉ nhận khoảng 50% số lượng khách đến quán ngồi nhưng vẫn phục vụ đầy đủ các hình thức giao hàng tận nơi và mua mang đi.
Thực khách đã được xếp bàn ngồi giữ khoảng cách trong quán cà phê ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chờ hướng dẫn phục vụ rượu bia...
Ông Hà Bình Kha - chủ nhà hàng Hai Châu (Q.Gò Vấp) - cho biết dù được mở bán tại chỗ nhưng do không được bán bia rượu, trong khi mặt bằng sân vườn rộng lớn, nên ông quyết định vẫn chưa mở bán tại chỗ 2 cơ sở của mình và dự tính có thể sẽ ngưng loại hình này cho đến khi TP quyết định cho bán bia rượu.
Theo ông Kha, thực khách đến nhà hàng chủ yếu để nhậu nhưng do vẫn chưa được bán bia rượu nên các nhà hàng đành "bó tay", mở ra cũng không hiệu quả. "Nếu có bia rượu, doanh thu có thể gấp đôi so với không bán mặt hàng này, giúp bù chi phí tăng lên khi mở bán tại chỗ. Ngược lại, không được bán bia rượu nên phải cân nhắc bài toán thu chi" - ông Kha nhận định.
Ngoài lý do chưa được bán bia rượu uống tại chỗ, theo đại diện nhà hàng Thiên Hồng Phát (Q.Tân Bình), nhà hàng này không chuẩn bị kịp nhân sự cũng như phương án phòng chống dịch... nên chưa mở bán tại chỗ.
Thay vào đó, đơn vị đang tập trung tổ chức lại phòng ốc, phòng khử khuẩn để đảm bảo an toàn dịch bệnh, thỏa điều kiện công suất không quá 50%... trước khi tính toán tổ chức bán tại chỗ vào tháng 11-2021.
Dù thuộc địa phương được phép bán bia rượu, nhưng theo ghi nhận vào chiều 28-10, dọc các cung đường "ăn nhậu" như Phạm Văn Đồng và quốc lộ 13 (TP Thủ Đức), hầu hết các hàng quán vẫn trong tình trạng "cửa đóng then cài". Đại diện nhà hàng Hưng Ký (quốc lộ 13, TP Thủ Đức) cho biết sang đầu tháng 11 mới mở bán trở lại vì thiếu nhân sự.
Hơn nữa, đến nay chính quyền vẫn chưa quyết định khu vực nào trong Thủ Đức được bán bia rượu nên nhà hàng chưa vội mở lại. Tương tự, một quán lẩu dê trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) vẫn còn rào chắn và treo bảng bán mang về với lý do khách chưa nhiều và chưa có hướng dẫn cụ thể từ phường.
Ông Trần Quốc Thịnh - người sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (Q.Phú Nhuận) - cho biết 9 cơ sở đã mở bán tại chỗ ngay trong ngày đầu tiên được phép nhưng doanh thu vẫn chưa tăng so với ngày trước đó. Khách vẫn còn tâm lý e dè, chưa sẵn sàng, chưa kể quán cũng áp dụng các quy định phòng chống dịch nên ảnh hưởng nhiều đến doanh thu.
Cũng theo ông Thịnh, hệ thống có 2 cơ sở ở TP Thủ Đức và quận 7 nhưng vẫn chưa thể bán rượu bia tại chỗ do phải chờ hướng dẫn cụ thể từ chính quyền.
"TP Thủ Đức và quận 7 nên khẩn trương đưa ra các quy định, hướng dẫn thêm rõ ràng. Cho hay không cho những khu vực này được bán bia rượu để doanh nghiệp chuẩn bị. Cứ bán trong tâm lý thấp thỏm thì chưa dám bán, chưa dám tuyển nhân viên đâu" - ông Thịnh nói.
Lúng túng với thực khách trẻ em
Trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều 28-10, ông Lê Hoài Nam - phó tổng giám đốc vận hành Công ty QSR - cho hay hệ thống này đã có sự chuẩn bị từ trước nên đã đón khách trở lại, phục vụ tại chỗ tại hàng chục chi nhánh ở TP.HCM, song toàn bộ khách hàng phải khai báo y tế trước khi vào nhà hàng. Theo ông Nam, bộ tiêu chí mới và các quy định mới đã tạo điều kiện cho các nhà hàng/quán ăn hoạt động sau một thời gian dài đóng cửa và bán mang đi.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có phát sinh một vấn đề là các thực khách gia đình thường mang theo trẻ em, trong khi các văn bản hiện hành chỉ cho phép người đã tiêm vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19 mới được vào quán. Do đó, hệ thống này phải tạm thời xin lỗi khách hàng vì không thể phục vụ tại chỗ đối với trẻ em.
"Chúng tôi đã lường trước sẽ có những phản ứng từ phía khách hàng, song hệ thống phải tuân thủ theo quy định, đồng thời cũng mong muốn cơ quan nhà nước có hướng dẫn thêm đối với khách hàng trẻ em để các nhà hàng áp dụng đồng loạt, tránh khó xử với khách hàng" - ông Nam nói.
TTO - Ngày 28-10, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu vừa ký tờ trình khẩn về việc triển khai thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ gửi UBND TP.HCM.