Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2021. Trong quý III, ngân hàng này tiếp tục kiểm soát được các chi phí vốn, chi phí quản lý; tăng thu thuần dịch vụ hoạt động thanh toán, chuyển tiền, thẻ...
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 13.900 tỷ đồng
Thu nhập lãi thuần của Vietinbank trong quý III/2021 đạt 9.871,8 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập hoạt động, tăng nhẹ 8% so với mức 9.078,2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Trong quý III, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của Vietinbank chỉ tăng nhẹ, lần lượt 8,4%; 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp đôi còn lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh gỉảm gần một nửa. Lợi nhuận sau thuế trong quý III đạt 2.465,6 tỷ đồng, chỉ tăng 124 tỷ đồng, tương ứng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình kết quả kinh doanh, đại diện VietinBank cho biết ngân hàng này đã thực hiện đa dạng các biện pháp kiểm soát, tiết giảm chi phí vốn như phát triển dịch vụ ngân hàng thanh toán, đẩy mạnh chiến dịch về eFAST, eKYC để thu hút mở rộng cơ sở khách hàng, tăng trưởng tiền gửi thanh toán và đa dạng hóa các kênh huy động vốn trong và ngoài nước với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, Vietinbank thực hiện các chính sách miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng quy mô tín dụng (12% so cùng kỳ).
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, thu nhập lãi thuần của Vietinbank ghi nhận 31.395,5 tỷ đồng, tăng 19,4% so với mức 25.294,6; lợi nhuận trước thuế đạt 13.910 tỷ đồng, tăng 3.748 tỷ đồng, tương ứng 34,2%; lợi nhuận sau thuế đạt 11.233,2 tỷ đồng, tăng 8.356,6 tỷ đồng, tương ứng 25,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Viẹtinbank, kết quả đạt được nhờ việc triển khai thúc đẩy bán sản phẩm thế mạnh của ngân hàng như tài trợ thương mại, chuyển tiền, dịch vụ thẻ… đồng thời kiểm soát các khoản chi dịch vụ để tối ưu hóa hiệu quả quản trị chi phí.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/9/2021, tổng tài sản của VietinBank đạt 1.447.809 tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng khoảng 1.080.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả của Vietinbank là 1.352.207 tỷ đồng, tăng 7,1% so với đầu năm.
Chủ động tăng trích lập dự phòng
Theo Vietinbank, thời điểm quý III/2021, kinh tế Việt Nam vẫn chịu tác động lớn của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.
Mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng và gia tăng tại nhiều ngành như kinh tế, dịch vụ lưu trú, vận tải, xây dựng, nông nghiệp… Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp giảm sút, tiềm ẩn rủi ro không trả được nợ cho ngân hàng.
Để dự phòng rủi ro, VietinBank đã dành nguồn lực tài chính trích lập dự phòng bổ sung để nâng cao năng lực tài chính, khả năng chống chịu trước các rủi ro có thể xảy ra.
Theo đó, tại thời điểm ngày 30/9/2021, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của Vietinbank là 21.500 tỷ đồng, tăng 8.900 tỷ đồng, tương ứng 71% so với đầu năm. Chi phí dự phòng rủi ro cho vay trích lập trong 9 tháng đầu năm 2021 là 14.000 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ đồng, tương ứng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong quý III/2021, VietinBank trích lập 5.500 tỷ đồng dự phòng. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu đến ngày 30/9/2021 là 119%.
Tổng nợ nhóm 1-5 của VietinBank đến cuối quý III/2021 là hơn 1.084.605 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nợ nhóm 4 tăng đột biến 7 lần lên 11.630 tỷ đồng. Con số này vào thời điểm 31/12/2020 là 1.611 tỷ đồng.
Đại diện VietinBank cho biết, thời gian tới, ngân hàng duy trì chính sách tăng trưởng bền vững, không nới lỏng các tiêu chí tín dụng để kiểm soát chặt chẽ rủi ro cùng với tăng trưởng hiệu quả. Tính đến hết tháng 9, cho vay khách hàng tại VietinBank đạt 1.084.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm.