Thầy giáo Hải (đeo kính bìa trái hàng đầu) và sinh viên tình nguyện trên chuyến bay để vào tâm dịch TP.HCM - Ảnh: NVCC
Đã có sinh viên thành F0 và phần lớn thành viên của đoàn phơi nhiễm do tiếp xúc gần. 209 thầy trò của Trường ĐH Y dược Hải Phòng trải qua khoảng thời gian "thử lửa" khó quên và nhiều cảm xúc.
Cuộc gọi bất thường nửa đêm
Hai tháng hỗ trợ bà con TP.HCM chống dịch, đoàn của tiến sĩ - giảng viên Nguyễn Thanh Hải đã trở về bình an. Thầy trò vừa hoàn thành cách ly tập trung, bắt đầu cách ly tại gia đình thêm 7 ngày nữa.
Nhìn những con số đang giảm sâu các ca nhiễm, ca tử vong mỗi ngày, thầy Hải thấy lòng nhẹ hơn. Chuyến đi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc, thầy Hải khẳng định với chúng tôi: "Đây là chuyến đi đặc biệt của bất kỳ tình nguyện viên nào vào tâm dịch TP.HCM".
Ngày xuất phát, đoàn có 208 thành viên, trong đó có 15 cán bộ giảng viên, 6 học viên nội trú và 187 sinh viên.
Thêm một giảng viên vừa hoàn thành chống dịch ở Bình Dương sang hỗ trợ, tổng số 209 thành viên. Thầy Hải vẫn giữ vai trò phó đoàn, cho biết đây là số lượng thành viên lớn nhất của trường lên đường hỗ trợ chống dịch. Trong đó, thầy Hải và một giảng viên từng ở tâm dịch Bắc Giang.
"Đặt chân đến TP.HCM vẫn là những hình ảnh giống những ngày đầu tôi đến Bắc Giang, đường phố vắng lặng, tiếng còi xe cứu thương liên tục vang lên, ban đêm lại càng cảm thấy ám ảnh" - thầy Hải nhớ.
Đoàn chia ra làm ba nhóm công việc, bao phủ những khâu khác nhau trong công tác phòng chống dịch. 101 người tham gia vào hai bệnh viện dã chiến tầng cuối cùng (số 6 và số 13), nơi điều trị và chăm sóc những bệnh nhân nặng.
43 người tham gia vào 4 khu cách ly dành cho F0 của quận 8, đây được coi là nơi chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân tầng đầu tiên; và 65 người còn lại được chia thành các nhóm nhỏ hơn để hỗ trợ các trạm y tế phường và trạm y tế lưu động theo dõi, quản lý, chăm sóc F0 tại nhà. Ngoài ra, họ còn tham gia lấy mẫu cộng đồng, hỗ trợ tiêm vắc xin và các thủ tục hành chính...
"Những ngày đầu làm việc thật sự khó khăn, bởi nguy cơ phơi nhiễm rất lớn. Hằng ngày chúng tôi phải tiếp xúc với vô vàn F0, từ ngoài cộng đồng đến trong các bệnh viện dã chiến" - thầy Hải kể.
Số liệu về ca mắc, ca bệnh nặng, thở máy, ca tử vong khi nghe phản ảnh chưa thể cảm nhận hết sự khốc liệt bằng việc trực tiếp chứng kiến, tiếp xúc. Nếu ở Bắc Giang, thầy trò chỉ tham gia lấy mẫu xét nghiệm, còn ở TP.HCM họ chủ yếu hỗ trợ điều trị cho các F0.
Thầy Hải và các trưởng, phó đoàn đã lên quy trình xử lý khi có thành viên trong đoàn chẳng may bị nhiễm. Trong điều kiện làm việc cùng nhau, ăn ở theo nhóm, nếu một thành viên bị nhiễm sẽ ảnh hưởng đến thành viên khác và ảnh hưởng đến việc chung.
"Dù có sự chuẩn bị trước, nhưng khi thành viên đầu tiên bị nhiễm, cảm xúc vẫn thật khó diễn tả" - thầy Hải nhớ.
Thầy kể tiếp: "Hôm đó đã 23h đêm, tôi đang chuẩn bị đi nghỉ sau một ngày làm việc mệt mỏi thì tiếng chuông điện thoại reo lên. Nhìn cuộc gọi là nhóm trưởng nhóm 4, tôi linh cảm không được tốt vì chỉ khi việc gấp sinh viên mới gọi giờ này.
Giọng bạn sinh viên nghe hơi hoang mang nhưng vẫn rõ và rành mạch: "Thầy ơi, nhóm em vừa về tới nơi, bạn Bùi Văn K. hôm nay ho vừa tự làm test nhanh 2 vạch rồi ạ...".
Sau vài giây định thần lại, tôi trấn an nhóm trưởng: "Em nhắn bạn K. và tất cả các bạn trong nhóm bình tĩnh nhé, tất cả ai ở đâu ở yên đó, thực hiện nghiêm 5K, sẽ có người xuống làm lại test cho các em ngay...".
Dường như ngay lập tức, tôi tập hợp nhóm ba thầy cô phó đoàn, hội ý trong vòng chưa đầy 5 phút để bàn kế hoạch triển khai mà tôi đã lên phương án dự phòng từ trước.
Trong khi một người đi làm lại test nhanh tại chỗ cho F0 nghi ngờ và các F1, tôi lên danh sách tất cả F1, F2 của đoàn phòng trường hợp F1 nảy dương ngay thời điểm đó.
Đồng thời yêu cầu các bạn được làm test báo cáo lại kết quả qua Zalo ngay khi có. Vừa lên danh sách, tôi vừa hồi hộp đợi kết quả test của các bạn. Lần lượt các F1 âm tính, tôi thở phào.
Đến F0 nghi ngờ, tôi vẫn mong một điều thần kỳ xảy ra. Tuy nhiên 15 phút sau, nhóm trưởng gửi ảnh kết quả của F0 nghi ngờ, 2 vạch rõ ràng. Sau 3 giây hít thở sâu, lập tức tôi thông báo cho trưởng đoàn và họp khẩn, sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho các thành viên và tiến hành liệu pháp tâm lý cho F0 và F1.
Thật may, tâm lý của các bạn vẫn rất tốt. Đặc biệt là bạn F0, dù tôi vẫn cảm nhận được một sự bất định nào đó trong giọng bạn.
Tôi nhắn nhủ với K. rằng thầy cô và các bạn trong khu cách ly sẽ luôn hỗ trợ em hết sức có thể, rằng em cố gắng tuân thủ điều trị.
Khoảng 1 - 2 tuần nữa khỏi, lúc đó đi làm lại thoải mái không sợ bị lây nhiễm nữa nhé... Tôi cố gắng "cường điệu" hơn một chút để bạn yên tâm.
Khi ngắt kết nối với K. đồng hồ điểm 1h07 sáng, đầu tôi vẫn quẩn quanh suy nghĩ mong K. vững vàng.
Vì bắt đầu từ mai, bạn sẽ lại bước vào một cuộc chiến mới dự kiến còn khốc liệt hơn, đặc biệt là về tâm lý, so với cuộc chiến mà bạn đã tham gia cùng cả đoàn trong hơn 10 ngày qua tại tâm dịch TP.HCM.
1h30, nằm nhắm mắt mà tôi vẫn chưa ngủ được. Với lấy điện thoại, tôi nhắn thêm 1 tin nữa: K. cứ tuân thủ tốt là ổn thôi, nghỉ ngơi đi em nhé".
Thầy Hải (trái) nhận quà trung thu của bà con TP.HCM tặng - Ảnh: NVCC
Bài học "vàng"
Điều kỳ diệu đã diễn ra, khoảng một tuần thì K. âm tính trở lại và tiếp tục hỗ trợ bà con chống dịch. Sau K. còn 5 thành viên khác của đoàn cũng từ F0 đã may mắn khỏe mạnh trở lại.
"Số ca phơi nhiễm rất ít so với số lượng thành viên, đây không phải là một thành công, mà là kết quả của sự nỗ lực tuyệt vời. Chính các thầy cô và tất cả sinh viên đã tạo ra vì mục đích chung của đoàn. Tôi thật sự rất biết ơn tất cả thành viên về điều đó" - thầy Hải vui vẻ nói.
Chuyến đi lần này vào vùng dịch nguy hiểm hơn ở Bắc Giang. Thầy Hải còn có hai con nhỏ mới hơn 1 tuổi và 6 tuổi, hơn nữa mẹ của thầy đang điều trị K tại bệnh viện. Trước chuyến đi, hai mẹ con đã ít có cơ hội gặp nhau vì giãn cách xã hội.
Thầy Hải cho biết sau khi cách ly tại nhà sẽ bù đắp thời gian bên mẹ. Chắc chắn mẹ thầy sẽ vui và tự hào vì người con đã giúp ích cho đồng bào vùng dịch.
Trước đây, ngày chúng tôi gặp thầy Hải ở tâm dịch Bắc Giang, đó là một thầy giáo trẻ, dáng cao gầy nhưng luôn bận rộn theo sát sinh viên. Thầy sắp xếp từ chỗ ăn cơm, nghỉ ngơi cho sinh viên rồi cùng ra khu dân cư lấy mẫu xét nghiệm từ sáng tới đêm khuya.
Khi đó, thầy vừa làm nghiên cứu sinh bên Pháp về trường, đã xung phong dẫn học trò vào tâm dịch. Vừa từ vùng dịch Bắc Giang về, thầy và trò lại lên đường vào TP.HCM.
"Chuyến đi là khát vọng tuổi trẻ của tôi, một giảng viên trẻ, một nhân viên y tế. Tôi nghĩ nhiều bạn trẻ khác cũng sẽ làm như tôi, đến nơi đang cần mình, và TP.HCM khỏe thì cả nước cũng khỏe".
"Tôi nghĩ quãng thời gian khốc liệt ở tâm dịch vừa qua là hành trang quý báu giúp cho thầy cô trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm. Và giúp các bạn sinh viên có được kinh nghiệm trong nghề "quý hơn vàng", đồng thời rèn luyện bản thân các em vững vàng vượt qua khi gặp thử thách trong cuộc sống sau này" - thầy Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
-------------------------
"Hồi sức là thành trì cuối cùng để chiến đấu với bệnh dịch, không giữ được thành tức là không giữ được mạng sống bệnh nhân".
Kỳ tới: Bên trong thành trì cuối cùng
TTO - Thời gian này, nhiều đoàn y tế chi viện đã rời TP.HCM khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát. Tuy nhiên, một số đoàn vẫn tiếp tục ở lại điều trị F0 từ nhẹ đến nặng.