Ngộ độc rượu xảy ra là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm, điển hình như: người dùng sử dụng rượu được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công dễ tạo ra methanol, rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa methanol hoặc cồn methanol, rượu ngâm thuốc, rượu ngâm cây rừng độc…
Không nên uống rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: NGUYÊN VÕ
Biểu hiện của ngộ độc rượu
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, triệu chứng ngộ độc rượu biểu hiện từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào nồng độ cồn trong máu, cụ thể:
Nồng độ cồn từ 20 - 50 mg/dL, người dùng có biểu hiện kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều.
Nồng độ cồn từ 50 - 100 mg/dL, người dùng có biểu hiện chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường.
Nồng độ cồn từ 100 – 200 mg/dL, người dùng có biểu hiện nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm.
Nồng độ cồn từ 200- 400 mg/dL, người dùng có biểu hiện hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), tiêu tiểu ra quần, tụt huyết áp, hôn mê.
Nếu nồng độ cồn > 400, người dùng có thể bị truỵ tim mạch, tử vong.
Cách xử lý ngộ độc rượu
Theo thông tin từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, chúng ta thường gặp hai loại ngộ độc rượu chính là ngộ độc rượu Etylic (Ethanol) và ngộ độc rượu Metylic (methanol).
Ngộ độc rượu Etylic (Ethanol), gồm có ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu uống tần suất và thời gian uống rượu. Thông thường, hàm lượng rượu trong máu từ 1-1,5g/lít có thể gây say, 4-6g/lít có thể gây tử vong.
Ngộ độc rượu cấp tính, giai đoạn đầu có biểu hiện nói nhiều, mất điều hòa vận động phối hợp, giảm khả năng kiểm soát. Giai đoạn sau người dùng có phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, giãn mạch ngoại vi. Hơi thở của người dùng có mùi rượu, buồn nôn, nôn đau bụng; khó thực hiện các động tác đơn giản; nói líu; đi lảo đảo, có khi co giật, mất ý thức, hạ huyết áp…
Ngộ độc rượu mạn tính do uống rượu kéo dài, dẫn đến sút cân; chán ăn; tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da niêm mạc nhợt do thiếu máu; xơ gan; ung thư.
Chúng ta có thể xử trí ngộ độc rượu Etylic (Ethanol) bằng cách sau:
Nếu bệnh nhân say rượu thì cho bệnh nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh; có thể cho uống 10-20 giọt Amoniac hay 1-5g Amonium acetat trong một cốc nước muối.
Trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu: bệnh nhân mất ý thức hoặc lơ mơ hoặc có biểu hiện ngừng thở hoặc hôn mê, co giật cần đưa ngay đến cơ sở điều trị gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Ngộ độc rượu Metylic (Methanol): ngộ độc methanol xảy ra khi uống nhầm Methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Methanol rất độc do chúng thải trừ chậm, ô xy hóa thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của Methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt…
Trường hợp ngộ độc Methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh, rối loạn tuần hoàn, đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.
Trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu Metylic (Methanol) cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở điều trị gần nhất để được hồi sức cấp cứu và điều trị kịp thời.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân cần thận trọng trong việc sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào xảy ra khi sử dụng rượu, người dân nên đến cơ sở ý tế gần nhất để xử lý kịp thời. |