Khi đại dịch mới bùng phát năm ngoái, Trung Quốc - đất nước đông dân nhất thế giới đã nhanh chóng khống chế được số ca nhiễm nhờ vào cách tiếp cận “zero Covid” với chủ trương hành động mạnh tay như đóng cửa biên giới, phong tỏa, kéo dài thời gian cách ly…
Tuy nhiên thời gian này Trung Quốc đang bùng dịch lại với ít nhất 11 tỉnh có ổ dịch. Đợt bùng dịch hiện tại bắt đầu từ ngày 17-10. Tính tới ngày 28-10 đã có 3 TP ở Trung Quốc bị phong tỏa.
Người dân xếp hàng chờ được xét nghiệm COVID-19, tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, ngày 29-10. Ảnh: Greg Baker/AFP
Địa phương mới nhất bị phong tỏa là TP Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc) – giáp Nga, bị phong tỏa ngày 28-10 sau khi phát hiện 1 ca nhiễm. Nhà chức trách Hắc Long Giang đã cho xét nghiệm 1,6 triệu dân và truy nguồn tiếp xúc của người bị nhiễm, đồng thời yêu cầu người dân ở nhà, không được rời TP trừ trường hợp khẩn cấp.
Theo hãng tin Reuters ngày 28-10, một số TP ở tỉnh Hắc Long Giang đã tuyên bố trạng thái “tiền chiến tranh” trong cảnh giác và giám sát dịch.
Dù chưa phát hiện ca nhiễm trong đợt dịch này nhưng TP Giai Mộc Tư (tỉnh Hắc Long Giang) nằm sát biên giới với Nga đã thông báo sẽ áp dụng trạng thái cảnh giác này trong một tuần, cho tới ngày 3-11. Giai Mộc Tư yêu cầu các địa điểm du lịch không đón khách bên ngoài TP, giảm tụ tập, hạn chế viếng thăm các viện dưỡng lão.
Kê Tây và Mẫu Đơn Giang – 2 TP khác ở tỉnh Hắc Long Giang – cũng tuyên bố áp dụng trạng thái “tiền chiến tranh” trong cảnh giác và giám sát dịch, dù chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào trong tuần qua.
TP Lan Châu (tỉnh Cam Túc) đã bị phong tỏa từ ngày 26-10, khi mới phát hiện 1 ca nhiễm. Huyện Ngạch Tễ Nạp Kỳ (khu Nội Mông) cũng bị phong tỏa trong tuần này, khi mới phát hiện 7 ca nhiễm.
Hiện khoảng sáu triệu người đang chịu cảnh phong tỏa ở khắp nước Trung Quốc, đông nhất ở TP Lan Châu (tỉnh Cam Túc, 4 triệu) và huyện Ngạch Tễ Nạp Kỳ (khu Nội Mông, 35.000 người), Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang, 1,3 triệu dân).
Nhiều TP khác cũng phong tỏa cục bộ, ảnh hưởng đến hàng chục người, trong đó có Bắc Kinh với hàng ngàn người. Tại Bắc Kinh ngày 29-10, hai sân bay chính hủy hàng trăm chuyến bay – một nửa số chuyến bay trong ngày.
Ngày 29-10 Trung Quốc ghi nhận 48 ca nhiễm nội địa. Tổng ca nhiễm Trung Quốc ghi nhận từ lúc đợt dịch hiện tại bùng phát (17-10) đến ngày 29-10 là khoảng 320. Điều này cho thấy hiện số ca nhiễm ở Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều nước khác.
Tính tới ngày 23-10 đã có 76% dân số 1,41 tỉ người của Trung Quốc được tiêm 2 mũi vaccine.
Theo nhà kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard tại công ty tư vấn kinh tế độc lập Capital Economics (Anh), tỉ lệ tiêm chủng cao của Trung Quốc về nguyên tắc cho phép nước này chuyển cách tiếp cận sang sống chung với COVID-19 như với một bệnh đặc hữu. Tuy nhiên theo ông, Trung Quốc nên thận trọng và chờ ít nhất đến sau Thế vận hội mùa đông vào tháng 2 năm sau.