Rủi ro khi đầu tư cổ phiếu nhiều hay ít phụ thuộc vào lĩnh vực và công ty mà nhà đầu tư lựa chọn. Dưới đây là những rủi ro mà mọi cổ phiếu phải đối mặt.
Rủi ro giá hàng hóa
Rủi ro giá hàng hóa là khả năng biến động giá cả hàng hóa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Các công ty bán hàng hóa được lợi khi giá tăng, nhưng bị thiệt hại khi chúng giảm. Các công ty sử dụng hàng hóa làm nguyên liệu đầu vào thì ngược lại. Tuy nhiên, kể cả những công ty không kinh doanh hay sản xuất hàng hóa cũng phải đối mặt với rủi ro này.
Khi giá cả hàng hóa leo thang, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu. Và điều này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, bao gồm cả khu vực dịch vụ.
Truyền thông
Khủng hoảng truyền thông là điều bất kỳ công ty nào cũng phải đối mặt. Ví dụ, tin tức về cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011 đã khiến cổ phiếu của bất kỳ doanh nghiệp nào có liên quan tuột dốc, từ các công ty khai thác uranium đến các công ty hạt nhân của Mỹ.
Một chút tin xấu có thể dẫn đến phản ứng dữ dội của công chúng với một công ty cụ thể hoặc toàn bộ lĩnh vực. Tin xấu lan rộng - chẳng hạn như cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung Euro vào năm 2010 và 2011 – gây ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế, chứ không riêng chứng khoán.
Rủi ro xếp hạng
Rủi ro xếp hạng xảy ra khi một doanh nghiệp được đánh giá bằng các chỉ số và đánh giá xếp hạng. Đầu tiên, xếp hạng tín dụng bao gồm nhiều chỉ số quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đánh giá từ các nhà phân tích cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Những thông tin này tác động tâm lý lớn đến thị trường. Dù đây là thay đổi tiêu cực hay tích cực, tác động của nó có thể lớn hơn nhiều so với dự kiến.
Rủi ro lỗi thời
Rủi ro lỗi thời là rủi ro mà hoạt động và mô hình kinh doanh của một công ty trở nên lỗi thời và mất khả năng cạnh tranh. Hiếm doanh nghiệp nào tồn tại đến 100 năm và không có doanh nghiệp nào đạt đến thời đỉnh cao bằng cách giữ nguyên quy trình kinh doanh cũ kĩ. Nguy cơ lỗi thời lớn nhất là ai đó có thể tìm cách tạo ra một sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn.
Gian lận tài chính
Có nhiều sai sót trọng yếu của doanh nghiệp mà kiểm toán viên, cơ quan quản lý hoặc cơ quan có thẩm quyền không phát hiện ra. Ví dụ, ban điều hành “tuồn” tiền mặt ra khỏi công ty, thu nhập được công bố không chính xác…
Rủi ro pháp lý
Rủi ro pháp lý liên quan đến mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp. Cụ thể, đó là rủi ro mà các chính sách của chính phủ hạn chế hoạt động một công ty hoặc ngành. Từ đó gây ảnh hưởng bất lợi đến việc nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư trong công ty hoặc ngành đó. Một số rủi ro pháp lý phổ biến là kiện chống độc quyền, các quy định hoặc tiêu chuẩn mới, các loại thuế cụ thể... Rủi ro pháp lý khác nhau phụ thuộc ngành, lĩnh vực kinh doanh. Nhưng nhìn chung mỗi ngành đều có một số rủi ro nhất định.
Rủi ro lạm phát và lãi suất
Hai rủi ro này có thể diễn ra riêng biệt hoặc song song với nhau. Rủi ro lãi suất là nguy cơ lãi suất tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi vay vốn. Khi chi phí vốn tăng, họ khó duy trì hoạt động kinh doanh, chi phí vốn bị đội lên trong khi lợi nhuận giảm mạnh.
Mặc dù bẫy kép này không phải là vấn đề đối với các công ty lớn có nguồn lực tài chính dồi dào, nhưng lạm phát cũng khiến sức mua giảm.
Sự gia tăng lãi suất và lạm phát kết hợp với sức mua của người tiêu dùng yếu có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Rủi ro mô hình
Rủi ro lập mô hình là rủi ro các mô hình kinh doanh và giả định tài chính được áp dụng xảy ra sai sót hoặc không tuân thủ quy trình. Các doanh nghiệp gặp rủi ro mô hình có thể phá sản hoặc thiệt hại nghiêm trọng. Điều này tạo hiệu ứng domino lên các doanh nghiệp đối tác hay ngân hàng, tổ chức tài chính...
Cuộc khủng hoảng vay thế chấp dưới chuẩn năm 2008-2009 là một ví dụ điển hình về rủi ro mô hình.
Xem thêm: odl.632969-ueihp-oc-ut-uad-ihk-or-iur-01/et-hnik/nv.gnodoal