Nam Phương hoàng hậu thời thiếu nữ đang đi học - Ảnh tư liệu
Chuyện Đức bà Từ Dụ
Buổi sáng trời nắng nhẹ. Lúc tôi ghé viếng, khu Lăng Hoàng Gia (ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công), nơi có nhà thờ và lăng mộ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, thân sinh Thái hoàng thái hậu Từ Dụ, thật yên bình, tĩnh lặng dù chỉ cách quốc lộ 50 chừng hơn trăm thước.
Lác đác vài khách phương xa đến viếng đền thờ, thắp nhang, thăm mộ các bậc tiền nhân. Vài cặp đôi sắp cưới trong trang phục áo dài khăn đóng truyền thống đưa nhau đến đền thờ chụp ảnh kỷ niệm.
Anh Phan Văn Dũng, người giữ nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng, cho tôi biết do phong cảnh khu đền thờ khá đẹp và cổ kính nên bạn trẻ thường chọn nơi đây để chụp ảnh cưới.
Anh Dũng kể khu lăng mộ và đền thờ được xây dựng hoành tráng từ thời vua Thành Thái, trùng tu năm 1921 thời vua Khải Định. Nơi đây thờ phụng quan Lễ bộ Thượng thư Phạm Đăng Hưng (1764 - 1825, được vua Tự Đức truy phong Đức Quốc công năm 1849) và thân tộc họ Phạm Đăng.
Ông Phạm Đăng Hưng là cha của Đức bà Từ Dụ (tên húy là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 20-6-1810, mất ngày 12-5-1902), là Nhất giai quý phi của vua Thiệu Trị.
Theo gia phả dòng họ Phạm Đăng, ông tổ họ Phạm Đăng tại Gò Công là Phạm Đăng Dinh - lưu dân từ Quảng Ngãi vào Gò Công lập nghiệp vào khoảng cuối thế kỷ 17. Lúc đó vùng Gò Công còn hoang vu, sình lầy, rừng rậm từ đất liền chạy dài ra tận ven biển, thú dữ khắp nơi.
Ông Dinh cất căn chòi lá ven bờ sông Tra, vừa dạy học vừa khai phá rừng, khai khẩn các giồng đất để làm ruộng rẫy sinh nhai.
Nhờ một thầy địa lý chỉ dẫn, ông Dinh an táng hài cốt cha trên một gò đất cao, hình dáng khum khum như con rùa (nên có tên là Gò Rùa, giồng Sơn Qui). Năm 1796, cháu nội ông Dinh là Phạm Đăng Hưng đỗ Tam trường (Tú tài) tại trường thi Gia Định. Sau đó, do ông Hưng có công giúp đỡ chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) nên được trọng dụng.
Năm 1824, khi ông Hưng đã trở thành đại thần trong triều, trưởng nữ của ông là bà Phạm Thị Hằng mới 14 tuổi, nổi tiếng hiền thục, nên đã được Nhân Tuyên hoàng thái hậu (vợ đức vua Gia Long) tuyển làm phủ thiếp cho Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (con vua Minh Mạng, cháu đích tôn vua Gia Long, sau là vua Thiệu Trị). Từ đó, họ Phạm Đăng Gò Công được liệt vào hàng quý tộc, các vị tổ phụ đều được ban tước.
Sau khi vua Tự Đức (1848 - 1883) lên ngôi, bà Từ Dụ được gia phong thái hậu, là người có ảnh hưởng rất lớn đến những quyết định của nhà vua trong việc trị nước. Bà Từ Dụ làm vợ vua Thiệu Trị trong 8 năm (1840 - 1848), là mẹ vua Tự Đức, bà nội các vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Dục Đức.
Điều lạ lùng là khi còn sống, Đức bà Từ Dụ chưa từng bước lên ngôi hoàng hậu nhưng được tôn làm hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu, thái thái hoàng thái hậu.
Sau khi bà Từ Dụ qua đời năm 1902, lúc đó mới được truy phong Từ Dụ Nghi Thiên Chương hoàng hậu. Do Gò Công là quê mẹ của vua Tự Đức, nên khi Nam Kỳ lục tỉnh trở thành thuộc địa của Pháp, triều đình Huế không muốn vùng đất này lọt vào tay người Pháp.
Người Pháp cũng nhượng bộ nên ghi trong Hòa ước 1862: "Tôn trọng cuộc đất trong phạm vi lăng mộ họ Phạm". Khu lăng mộ họ Phạm Đăng rộng 100 mẫu ruộng, được vua ban làm tự điền để con cháu lo việc cúng tế hàng năm khi Quốc công Phạm Đăng Hưng tạ thế vào năm 1825.
Bàn thờ Hoàng thái hậu Từ Dụ trong đền thờ, phía sau là bàn thờ Quốc công Phạm Đăng Hưng - Ảnh: HÙNG ANH
Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam
Ngoài Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, xứ Gò Công còn một người khác cũng là cha vợ của vua triều Nguyễn, đó là ông Nguyễn Hữu Hào, cha của bà Nam Phương hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan, vợ vua Bảo Đại. Nam Phương hoàng hậu là thứ nữ của ông bà Nguyễn Hữu Hào, sinh ngày 4-12-1914, quê quán tại Gò Công.
Ông Hào là con rể của ông Huyện Sĩ Lê Phát Đạt (Tân An, Long An), đại điền chủ lúc bấy giờ. Ông Hào theo đạo Công giáo, từng du học bên Pháp, đậu Tú tài toàn phần. Sinh thời, gia đình ông Hào có rất nhiều ruộng đất ở Gò Công, Tân An và Rạch Giá, Hậu Giang, đồn điền cao su ở Biên Hòa, Bà Rịa, Đà Lạt.
Có một số tài liệu cho rằng vua Bảo Đại cưới bà Nguyễn Hữu Thị Lan bởi gia đình cha vợ "giàu nứt đố đổ vách".
Hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc của cụ Phạm Khắc Hòe, cựu Đổng lý ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại, ghi: "Cô Lan lấy Bảo Đại chủ yếu để lên ngôi hoàng hậu, Bảo Đại lấy cô Lan chủ yếu để đào mỏ".
Khi vua Bảo Đại hỏi cưới bà Nguyễn Hữu Thị Lan làm vợ, trở ngại đầu tiên là việc gia đình ông Nguyễn Hữu Hào yêu cầu nhà vua phải chấp nhận các điều kiện khá căng thẳng. Thứ nhất, bà Lan phải được tấn phong chánh cung hoàng hậu ngay trong ngày cưới, điều trước nay chưa từng có đối với triều đình nhà Nguyễn.
Thứ nhì, bà Lan được giữ nguyên đạo Công giáo, các con bà sau khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật và phải được giữ đạo. Riêng vua Bảo Đại vẫn giữ Phật giáo.
Vua Bảo Đại tổ chức hôn lễ với bà Lan vào ngày 20-3-1934 tại Huế, khi ông 21 tuổi, bà Lan 20 tuổi. Với yêu cầu tấn phong chánh cung hoàng hậu, trong ngày 21-3-1934, vua Bảo Đại đã thực hiện lễ tấn phong bà Lan làm Nam Phương hoàng hậu.
Trong hồi ký, ông viết: "Tôi đã quyết định đặt vợ tôi lên làm hoàng hậu trong cuộc hôn nhân này, cái chức chỉ dành cho mẫu hậu khi mà nhà vua đã qua đời... đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Annam".
Triều đình nhà Nguyễn ngăn cản, vua Bảo Đại thẳng thừng tuyên bố: "Trẫm cưới vợ cho trẫm, đâu phải cưới vợ cho triều đình!". Phía chính quyền Pháp ủng hộ vì nhận thấy đây là cuộc hôn nhân có lợi về mặt chính trị.
Bà Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại có với nhau 5 người con, 2 trai 3 gái. Sau khi vua Bảo Đại thoái vị và rời Việt Nam sống lưu vong, bà Nam Phương được xem là hoàng hậu cuối cùng của vương triều cuối cùng tại Việt Nam.
Theo một tài liệu của người Pháp công bố năm 1949, khi quân Pháp theo chân quân Anh chiếm lại Nam Kỳ, bà Nam Phương đã viết bức thư cho bạn bè ở châu Âu, yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp.
Trong thư, bà Nam Phương bày tỏ: "Từ tháng 8-1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp. Nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh, hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ".
Năm 1947, Nam Phương hoàng hậu và các con di cư sang Pháp sinh sống. Ngày 14-9-1963, Nam Phương hoàng hậu qua đời vì bệnh.
Tôi trở lại đất Gò Công nay, người xưa đã khuất bóng nhưng chuyện truyền kể về họ vẫn chưa bao giờ dứt...
Hiện nay tại Gò Sơn Qui có phần mộ của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng và 13 ngôi mộ của gia tộc Phạm Đăng. Trong ngôi nhà thờ tên gọi Đức Quốc công từ được xây dựng năm 1826 bằng chất liệu gạch, ô dước (gồm vôi, cát, vỏ nhuyễn thể xay nhuyễn, mật mía... trộn với nhau làm thành nguyên liệu tuyệt chắc), gỗ, ngói... kiến trúc theo dạng từ đường Huế, có bàn thờ Đức Quốc công, Hoàng thái hậu Từ Dụ và thân tộc Phạm Đăng.
***********
Gò Công là đất địa linh nhân kiệt, đặc biệt xứ này có hai nữ sĩ tài danh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo nổi tiếng những năm đầu thế kỷ.
>> Kỳ tới: Nữ sĩ xứ Gò Công lừng danh thiên hạ
TTO - Gò Công là đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng giàu có với những tên tuổi như ông Phủ Khiêm, Huyện Đậu, Huyện Hiếu, Hội đồng Hạc, Đốc phủ Hải...