Từ phản ánh của người dân, ngày 24-7, Tuổi Trẻ Online đã đến khu di tích tháp Hòa Lai (khu Ba Tháp) nằm sát quốc lộ 1 thuộc xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) để ghi nhận thực tế.
Di tích quốc gia đặc biệt um tùm cỏ và rác
Dù có người trông coi, quản lý nhưng do không được dọn dẹp thường xuyên nên bên trong khuôn viên khu di tích những viên gạch rêu bám đen nằm ngổn ngang, xung quanh cụm tháp là cả rừng cỏ dại, cây cối che kín.
Nhiều mảng tường gạch có các hoa văn, họa tiết được điêu khắc tinh xảo ở phần thân tháp Bắc và tháp Nam bị mủn nát, cây dại che phủ.
Đáng nói hơn, lợi dụng bên trong khuôn viên của di tích nhiều cây cỏ dại, các hộ dân có nhà sát tường rào vô tư vứt rác vào di tích. Rác tích tụ lâu ngày gây mùi hôi thối, vừa mất vệ sinh, vừa mất mỹ quan của một di tích cổ.
Vì sao tháp Hòa Lai chưa hấp dẫn du khách?
Ông Phạm Trọng Hùng - chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc thông tin tháp Hòa Lai được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22-12-2016, thuộc quản lý của ngành văn hóa.
Còn ông Phạm Văn Thành - trưởng phòng quản lý văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết khu tháp Hòa Lai được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII-IX, mang phong cách kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người Chămpa.
Trải qua thời gian, khu di tích tháp Hòa Lai đã bị xuống cấp ở một số hạng mục, ví trí tháp Giữa, một trong ba ngôi tháp tại di tích, đã bị sụp đổ. Hiện nay chỉ còn hai ngôi tháp là tháp Nam và tháp Bắc.
"Mặc dù đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng trải qua thời gian tại một số vị trí của di tích có hiện tượng xuống cấp như hệ thống gạch của thân tháp bị sủi, bong tróc" - ông Thành nói.
Ông Đạo Văn Tế - nhân viên bảo vệ khu di tích tháp Hòa Lai - cho biết: "Dù có mở cửa để du khách tham quan, nhưng lâu nay rất ít người ghé vào. Nguyên nhân là vì khu di tích chưa được đầu tư các hạng mục như nhà vệ sinh, mái che, phát quang bụi rậm... nên khách du lịch không mặn mà ghé thăm".
Ông Tế nói chỉ được thuê bảo vệ khu tích này, không có trách nhiệm phải phát quang và dọn dẹp vệ sinh toàn khu vực rộng lớn của khu.
Chiều 24-7, ông Nguyễn Văn Hòa - giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận - cho biết trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Hòa Lai gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2030.
"Trên cơ sở quy hoạch sẽ đề xuất đầu tư trùng tu tôn tạo di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà bảo vệ, khu trưng bày, khai quật khảo cổ và trưng bày hiện vật khảo cổ liên quan đến di tích...nhằm bảo tồn và phát huy có hiệu quả di tích quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai" - ông Hòa nói.
Một số hình ảnh tại Khu di tích tháp Hòa Lai mà Tuổi Trẻ Online vừa ghi lại được:
TTO - Trong không khí lễ hội Katê rộn ràng, nhiều người vẫn không khỏi xót xa trước muôn kiểu "bức tử" quần thể tháp Pô Klong Garai (TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) bất chấp những biển cấm hay cảnh báo.