Tuần qua, sự cố rò rỉ hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga vào phần còn lại của châu Âu đã trở thành tâm điểm mới nhất trong chuỗi căng thẳng ở khu vực này. Theo hãng tin Reuters, hiện Nord Stream 2 đã ngừng rò khí và áp suất đã ổn định trở lại, trong khi Nord Stream 1 vẫn tiếp tục để thoát khí qua vết nứt trên đoạn ống gần vùng biển Đan Mạch. Liên minh châu Âu (EU) và Nga vẫn đang tiếp tục điều tra vì nghi ngờ có hành vi cố tình phá hoại hệ thống đường ống này nhưng đến nay vẫn chưa rõ bên nào là thủ phạm.
Mức độ thiệt hại vụ rò rỉ hệ thống đường ống Nord Stream
Vào thời điểm xảy ra sự cố, Nord Stream 1 và Nord Stream 2 không vận chuyển khí đốt nhưng cả hệ thống đường ống có đầy nhiên liệu và sẵn sàng hoạt động với khoảng 800 triệu m3 khí đốt - tương đương với lượng tiêu thụ của Đan Mạch trong khoảng ba tháng.
Đài RT dẫn lời phát ngôn viên Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom Sergey Kupriyanov trong cuộc họp khẩn ngày 30-9 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vụ việc, cho biết việc rò rỉ đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đồng nghĩa châu Âu sẽ đánh mất một trong những tuyến đường cung cấp khí đốt huyết mạch trong bối cảnh mùa đông đang tới gần.
Vào thời điểm xảy ra sự cố, Nord Stream 1 và Nord Stream 2 không vận chuyển khí đốt nhưng cả hệ thống đường ống có đầy nhiên liệu và sẵn sàng hoạt động với khoảng 800 triệu m3 khí đốt - tương đương với lượng tiêu thụ của Đan Mạch trong khoảng ba tháng.
“Về cơ bản, châu Âu đã bị cắt đứt một trong những tuyến đường ống quan trọng để có nguồn năng lượng thiết yếu. Nga và Gazprom đã chi rất nhiều nguồn lực và tiền bạc để xây dựng, đưa vào hoạt động hệ thống đường ống này vì chúng tôi nghĩ đây là con đường ngắn nhất và an toàn nhất để khí đốt của Nga đến được với người tiêu dùng châu Âu” - đại diện Gazprom phát biểu.
Ông này cũng nhấn mạnh dữ liệu kỹ thuật cho phép Gazprom kết luận một cách chắc chắn rằng việc rò rỉ “là do tác động vật lý gây ra”. “Gazprom đã bắt đầu tìm kiếm các giải pháp khả thi để khôi phục hệ thống Nord Stream nhưng vẫn chưa thể ước tính được tiến độ... Đây là nhiệm vụ kỹ thuật rất khó khăn” - ông Kupriyanov nói.
Trước đó, báo cáo điều tra sơ bộ chung của chính quyền Đan Mạch và Thụy Điển công bố cho biết vụ rò rỉ ảnh hưởng đến hệ thống đường ống Nord Stream là do các vụ nổ dưới nước có sức công phá tương đương hàng trăm ký thuốc nổ TNT. Tuy nhiên, nguồn gốc của các vụ nổ hiện vẫn chưa được làm rõ và quá trình khắc phục có thể kéo dài nhiều tuần.
Một nguồn tin nội bộ tiết lộ với hãng tin Sky News rằng mức độ thiệt hại cộng với việc các điểm rò rỉ ở cách xa nhau trên cả hệ thống đường ống Nord Stream cho thấy đây là một vụ việc cố ý và được tiến hành theo kế hoạch cẩn thận.
Vụ tấn công có thể được thực hiện bằng thủy lôi (hoặc các chất nổ khác) và được kích nổ từ xa. Với mức độ gây nổ và độ chính xác cao, thủ phạm đứng sau có thể đã được tiếp cận công nghệ tinh vi.
Một đoạn đường ống Nord Stream 2 ở TP Lubmin, Đức ngày 30-9. Ảnh: SKY NEWS |
Ông Simone Tagliapietra, chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel (Bỉ), nhận định hoạt động tấn công đường ống Nord Stream có thể là đòn giáng vào hệ thống an ninh năng lượng vốn đang rất mong manh của châu Âu. Vụ việc sẽ gây thêm căng thẳng cho thị trường khí đốt EU, ngay cả khi dòng chảy qua Nord Stream đã bị cắt. Ông cho rằng đây cũng là một tín hiệu cho thấy “Nga sẽ chia cắt mãi mãi về năng lượng với Tây Âu và Đức”.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck trong cuộc họp báo ngày 30-9 cũng khẳng định những vụ rò rỉ là do các cuộc tấn công có chủ đích và Berlin biết chắc chắn rằng “chúng không phải do sự cố hay do các hiện tượng tự nhiên gây ra”, theo tờ The Wall Street Journal.
Nga, Mỹ lại thêm căng thẳng
Cũng trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 30-9, đại diện Mỹ và Nga đã tranh cãi quyết liệt quanh việc ai đứng sau vụ rò rỉ đường ống Nord Stream, đài CNN cho hay. Về phía Nga, Đại sứ Vassily Nebenzia khẳng định Mỹ là bên hưởng lợi lớn nhất từ sự cố khi giờ đây các doanh nghiệp năng lượng Mỹ có thể mở rộng hoạt động tại thị trường châu Âu mà không có nguồn cung cạnh tranh từ Nga. Đáp lại, phó đại sứ Mỹ bác bỏ mọi thông tin cho rằng Mỹ đứng sau vụ rò rỉ. Ông giải thích doanh nghiệp Mỹ trên thực tế đã tăng cường xuất khẩu khí hóa lỏng sang châu Âu trong vài năm qua, vì Nga từ lâu đã không còn là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho khu vực này vì bất đồng giá năng lượng.
Trong bài phát biểu nhân sự kiện sáp nhập bốn vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine vào Nga hôm 30-9, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã cáo buộc phương Tây phá hoại hệ thống đường ống dù ông không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.
“Các lệnh cấm vận vẫn chưa đủ cho phương Tây, thế là họ chuyển sang phá hoại. Khó tin nhưng thật sự là họ đã tổ chức các vụ nổ trên những đường ống dẫn khí quốc tế Nord Stream. Họ muốn phá hủy hạ tầng năng lượng châu Âu, ai là người hưởng lợi nhiều nhất đã quá rõ và họ chắc chắn là thủ phạm” - ông Putin tuyên bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 28-9 còn nhấn mạnh Moscow yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden “có nghĩa vụ” trả lời liệu Washington có đứng sau vụ rò rỉ đường ống khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 hay không. Ông Biden sau đó tổ chức họp báo cho biết Nga đang tung “thông tin sai lệch” và Mỹ đang làm việc với các đồng minh để điều tra rõ ràng chuyện gì đang xảy ra.
Truyền thông hai bên thời gian này tích cực tung ra các bằng chứng để chứng minh bên còn lại đứng sau vụ rò rỉ. Đơn cử, tờ Pravda dẫn dữ liệu từ trang theo dõi hành trình bay Flightradar24 chỉ ra có hai trực thăng, Sikorsky MH-60R Seahawk của Mỹ và H90 của Hà Lan, bay lượn vòng gần khu vực rò rỉ trong nhiều ngày liên tục hồi đầu tháng 9 và cuối tháng 9.
Trong khi đó, CNN dẫn lời hai quan chức tình báo châu Âu tiết lộ phát hiện tàu hỗ trợ quân sự Nga và tàu ngầm Nga gần khu vực rò rỉ khoảng một tuần trước khi xảy ra sự cố. Dù vậy, một quan chức quân sự Đan Mạch khác cho biết các tàu hải quân Nga thường xuyên hoạt động trong khu vực này và việc chúng hiện diện gần điểm rò rỉ “không nhất thiết chứng tỏ Nga gây ra sự cố”.•
Tác động môi trường nghiêm trọng từ vụ rò rỉ
Trả lời hãng tin AFP, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch Kristoffer Bottzauw cảnh báo vụ rò rỉ hệ thống đường ống Nord Stream đang đẩy một lượng khí methane khổng lồ vào biển Baltic và bầu khí quyển.
Dựa trên số liệu do cơ quan này đưa ra, chuyên gia Rob Jackson thuộc ĐH Stanford (Mỹ) và một chuyên gia người Mỹ khác tên David Hasting đã ước tính sự cố làm rò rỉ khoảng 500.000 tấn khí methane.
Một tính toán khác từ chuyên gia Paul Balcombe tại ĐH Queen Mary (Anh) cho biết việc thải toàn bộ lượng khí đốt của chỉ riêng đường ống Nord Stream 2 vào bầu khí quyển sẽ dẫn đến phát thải lên tới khoảng 200.000 tấn khí methane. Tổ chức phi lợi nhuận Deutsche Umwelthilfe của Đức cũng đưa ra một ước tính tương tự về lượng khí rò rỉ.
Giới chuyên gia cảnh báo đây có thể là vụ rò rỉ khí methane lớn nhất từng được phát hiện và xảy ra ở thời điểm thế giới đang cần nỗ lực tối đa để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí methane là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Khí này hấp thụ nhiệt lượng của mặt trời và làm ấm Trái đất mạnh hơn 82,5 lần so với khí CO2. Tuy nhiên, khí methane chỉ tồn tại trong khí quyển khoảng 10 năm, thấp hơn so với hàng trăm hoặc hàng ngàn năm của khí CO2.