Trận đấu trên sân Kanjuruhan (TP Malang, tỉnh Đông Java) vừa xảy ra bạo loạn chết người đã được xếp thứ nhì về mức độ thiệt hại trong lịch sử bóng đá nhân loại, chỉ sau vụ ở Peru trong trận chủ nhà Peru tiếp Argentina ngày 23-5-1964 làm chết 320 người.
Khán giả tràn xuống sân… |
Không lâu sau vụ bạo loạn tang thương đấy, phía chủ nhà Indonesia phân tích các tình huống dẫn đến thảm họa trong lịch sử bóng đá thế giới.
Phản ứng kiểu trấn áp của cảnh sát đã kích hoạt cho thảm họa
Bóng đá Indonesia có rất nhiều cặp đấu được xem là “kỳ phùng địch thủ”, cặp đấu Arema - Persebaya Surabaya là một trong số đó. Thường thì những cặp đấu như trên luôn được sự tăng cường lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp từ cảnh sát đến quân đội ở mức cao nhất.
Cảnh sát phản ứng nhanh bằng những loạt súng hơi cay bắn vào đám đông, |
Cuối trận, sau khi đội khách Persebaya Surabaya đánh bại chủ nhà Arema 3-2, hàng trăm fan của chủ nhà Arema tức tối tràn xuống sân Kanjuruhan. Họ cay cú với trận thua đầu tiên của Arema trong hơn hai thập niên đối đầu với đại kình địch Persebaya Surabaya, thế là nhiều người rủ nhau vượt qua hàng rào tràn xuống mặt sân. Một số cổng sắt đã bị đạp đổ và làn sóng khán giả xuống sân ngày một đông hơn.
Bom cháy cũng được đưa vào sử dụng càng làm tình hình thêm phức tạp. |
Trước tình hình đấy, nhận thấy đã mất kiểm soát với lượng khán giả tràn xuống sân quá đông, các cảnh sát đã phản ứng bằng việc liên tục bắn súng hơi cay để ngăn chặn đám đông hỗn loạn. Loạt súng hơi cay không những không ngăn được làn sóng bạo động mà còn khiến đám đông hỗn loạn hơn. Trong cảnh hỗn loạn đấy, hàng trăm người đã tìm cách thoát qua một đường thoát hiểm cực chật, dài và bịt bùng với mục đích tránh đòn roi và hơi cay của cảnh sát. Cảnh giẫm đạp trong làn khói lửa bởi đạn hơi cay trong đường thoát hiểm chật chội khiến nhiều người đổ gục, nằm bất động và tiếp tục bị giẫm đạp lớp này dồn lên lớp khác.
Nhà chức trách lên tiếng về thảm họa sân Kanjuruhan
Chính lực lượng cảnh sát chống bạo động sau sự cố trên đã nói rằng: “Dường như hơi cay bắn ra từ súng không giải quyết được vấn đề khiến cảnh sát sau đó phải dùng đến vũ khí nặng hơn là bom cháy khiến đám đông càng thêm hỗn loạn. Tuy nhiên, trong tình huống này, cảnh sát không còn cách giải quyết nào tốt hơn!” (!?).
Tan hoang trong và ngoài sân với số thiệt hại lớn và số người thiệt mạng ngày càng tăng. Ảnh: GETTY IMAGES |
Cảnh sát trưởng tỉnh Đông Java - tướng Nico Afinta nói: “Vụ bạo loạn này khiến 125 người xem trận bóng trên chết và hai cảnh sát qua đời khi làm nhiệm vụ. 3/4 số người chết ngay trên sân do giẫm đạp, va chạm nhau và cả chết vì ngạt thở trong đường hầm thoát hiểm quá đông lại bịt kín bằng bê tông kiên cố với lối thoát hiểm quá dài. 1/4 số người chết trên đường đưa đến bệnh viện và tại bệnh viện”.
Năm vụ bạo loạn bóng đá bi kịch nhất thế giới
• Ngày 23-5-1964, tại sân quốc gia Lima ở Peru diễn ra trận Peru - Argentina, náo loạn trên khán đài rồi gây nên bạo động khiến 320 người thiệt mạng, 1.000 người bị thương.
• Ngày 11-5-1985: Trận Bradford - Licohl City (Anh), fan của hai đội khiêu khích nhau trên khán đài toàn bằng sàn gỗ, đốt lửa ném vào nhau khiến khán đài bốc cháy, 56 người chết.
• Ngày 15-4-1989, trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest trên sân Hillsborough khiến 97 fan của Liverpool qua đời.
• Ngày 10-5-2001, Ghana chứng kiến vụ bạo động trong sân khiến nhiều khán giả tìm đường thoát thân, 120 người chết.
• Ngày 1-10-2022, bạo loạn trên sân Kanjuruhan (TP Malang, Indonesia), trận Arema - Persebaya Surabaya 2-3, 174 người chết và 180 người bị thương.
Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia chính thức lên tiếng
Nhà nước Indonesia đã ra thông báo chính thức xin lỗi về sự cố mang tính bi kịch quốc gia này và hứa sẽ điều tra tới cùng với trách nhiệm cao nhất. Ông Zairudin Amali, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia, nói: “Chúng tôi xin lỗi vì thảm họa tang thương này. Đây là một tai nạn quá lớn và thật đáng tiếc. Bóng đá Indonesia vốn vẫn tồn tại thứ “bóng đá điên rồ” làm đau đầu nhà nước, fan hâm mộ chân chính từ sân này đến sân khác.
Tuy nhiên, qua sự cố tang thương này, cả quốc gia sẽ vào cuộc và lập lại trật tự”. Điều khiến nhiều người chưa hài lòng là ông Zairudin Amali không đề cập gì đến phương án xử lý. Trong đó, nguyên nhân khiến dẫn đến sự cố giẫm đạp mất kiểm soát lớn nhất phải chăng chính là những loạt súng hơi cay được bắn vào khu vực người hâm mộ để dẹp bạo loạn như cái cách mà cảnh sát Indonesia vẫn sử dụng để trấn áp những vụ biểu tình…?
LĐBĐ Indonesia nói gì?
LĐBĐ Indonesia (PSSI) vừa ra quyết định hoãn một tuần các trận đấu giải vô địch Indonesia (BRI Liga). Cấm CLB Arema đá sân nhà từ nay đến hết mùa giải. Khi Arema mượn sân khác phải trình PSSI duyệt và có thể Arema đá trong điều kiện “khóa cổng”. PSSI thành lập tổ điều tra riêng và tổ điều tra hợp tác với cảnh sát đến Malang điều tra vụ việc.
Chủ tịch PSSI Mochamad Iriawan gửi lời xin lỗi đến gia đình, người thân các nạn nhân qua đời ở vụ bạo loạn tối 1-10.
Ý kiến vụ thảm họa
Tổng thống Indonesia Joko Widodo: “Indonesia sẽ điều tra triệt để thảm họa đau lòng này”
Ngay sau khi xảy ra thảm họa bóng đá đau lòng trên, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Tổng thống Joko Widodo cho biết: “Indonesia sẽ điều tra triệt để nguyên nhân bạo loạn dẫn đến sự cố tang thương vừa qua. Tôi sẽ yêu cầu cơ quan cảnh sát quốc gia tập trung tối đa cho vụ việc này, đồng thời phối hợp với bộ trưởng Thanh niên và Thể thao cùng LĐBĐ Indonesia rà soát công tác an ninh trong các hoạt động bóng đá ở Indonesia. Tôi rất tiếc về thảm kịch vừa xảy ra và hy vọng đây sẽ là vụ bạo loạn bóng đá cuối cùng tại đất nước Indonesia”. TV
Chủ tịch FIFA: “Ngày đen tối nhất của bóng đá thế giới, không thể hiểu nổi…”
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino lên tiếng về thảm họa trên sân Kanjuruhan tại Indonesia: “Thế giới bóng đá phải chứng kiến sự bi thảm đến bàng hoàng từ sự cố trên sân Kanjuruhan ở Indonesia. Đây là một ngày đen tối của bóng đá thế giới. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình và bạn bè của những nạn nhân đã thiệt mạng trong cuộc bạo loạn thương tâm trên sân bóng này. Đúng là không thể hiểu nổi trước tấn bi kịch trên. Hãy cùng với FIFA và cộng đồng bóng đá toàn cầu hướng những lời cầu nguyện đến những nạn nhân, những người bị thương, cùng với người dân Indonesia...”. Đ.TR
“Cảnh sát đã vi phạm quy định FIFA dẫn đến thảm họa!”
Ngay sau thảm họa trên và khi số người tử nạn tiếp tục tăng, báo chí Indonesia đã phân tích nguyên nhân chính gây nên thảm họa đáng tiếc trên sân Kanjuruhan là do lực lượng cảnh sát đã phản ứng sai lầm và vi phạm quy định của FIFA khi chủ động bắn hơi cay vào đám đông CĐV. Điều này đã vi phạm quy định của FIFA về “Quy định an toàn và an ninh sân vận động”. Điểm B Điều 19 FIFA nêu rõ “Không được mang hoặc sử dụng súng cầm tay hoặc các loại khí để kiểm soát đám đông dù để bảo vệ cầu thủ, quan chức hay duy trì trật tự công cộng”. NG.H