vĐồng tin tức tài chính 365

Phát huy dân chủ để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN

2022-10-03 09:00

Dự kiến hôm nay (3-10), Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XIII sẽ khai mạc. Hội nghị sẽ bàn bạc, xem xét nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có hai đề án lớn có liên quan mật thiết với nhau là xây dựng nhà nước pháp quyền và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Liên quan đến nội dung này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự trung ương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao.

Phát huy dân chủ để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN  ảnh 1
PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự trung ương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao.

Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay nhà nước

. Phóng viên: Thưa ông, dự kiến Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương khóa XIII lần này sẽ xem xét hai đề án lớn có liên quan mật thiết với nhau là xây dựng nhà nước pháp quyền và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. ông có thể chia sẻ gì về quá trình tư tưởng pháp quyền thâm nhập vào nước ta?

+ PGS-TS Trần Văn Độ: Như tất cả chúng ta đều biết, vấn đề pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức từ khi Người bôn ba đi tìm đường cứu nước. Phải tới sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tư tưởng pháp quyền của một chế độ mới mới được khẳng định bởi Hiến pháp 1946.

Pháp quyền tức là pháp luật được xây dựng trên cơ sở dân chủ, tôn trọng dân chủ. Tăng cường dân chủ là tất yếu của nhà nước pháp quyền.

. Trong bối cảnh thực tiễn chính trị ở nước ta là một đảng duy nhất cầm quyền, tinh thần pháp quyền cần được tiếp cận ra sao, thưa ông?

+ Tôi cho rằng một đảng duy nhất cầm quyền không loại trừ khả năng thích ứng với tư tưởng pháp quyền, với đòi hỏi của thời cuộc, nhất là khi đảng ấy mong muốn đại diện cho lợi ích của quốc gia, dân tộc, của người dân. Trên thực tế, một số nước về cơ bản do một đảng cầm quyền như Singapore, Nhật Bản đều đã xây dựng thành công chế độ pháp quyền, đưa đất nước phát triển rực rỡ.

Đặc trưng của tất cả nhà nước pháp quyền thành công ấy là có đảng lãnh đạo nhưng đảng không làm thay nhà nước. Quan trọng là đảng ấy đưa ra đường lối đúng và cầm quyền đúng - tức thông qua nhà nước để triển khai đường lối của mình.

Phát huy dân chủ để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN  ảnh 2
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Ảnh: TTXVN

Hiến pháp 2013 đậm chất pháp quyền

. Ta hãy quay lại thời điểm tư tưởng pháp quyền trở lại với nước ta sau Đổi mới…

+ Phải tới Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, năm 1994, Đảng ta mới chính thức khẳng định đường lối “xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Thời điểm trước đấy không lâu, khi các nhà khoa học đặt vấn đề “pháp quyền” thì nội bộ ta vẫn còn lạ lẫm, thậm chí phản ứng ở nhiều góc độ khác. Năm 1990, Đại hội Đảng toàn quân thảo luận góp ý dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chuẩn bị cho Đại hội VII, chúng tôi đề nghị khẳng định đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền, phân biệt ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cùng nguyên tắc kiểm soát quyền lực. Ngay lúc đó, một số đồng chí khác, trong đó có lãnh đạo cao cấp đã không tán đồng.

Phải đến giữa khóa VII, Tổng bí thư Đỗ Mười và các vị lãnh đạo cùng thời mới tiếp nhận, ủng hộ và Đảng ta mới chính thức tuyên bố xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhưng cũng phải tới năm 2001, khi sửa đổi, Hiến pháp 1992 mới được bổ sung định hướng pháp quyền, gọi tên ba quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng vừa phân công vừa phối hợp. Rồi tới Hiến pháp 2013 mới bổ sung tiếp yêu cầu kiểm soát quyền lực…

. Quá trình vận động, quá trình nhận thức về pháp quyền từ đó đến giờ diễn ra thế nào, nhanh hay chậm, thưa ông?

+ Tôi cho là khá nhanh. Từ sau năm 2001, từng mảng tổ chức quyền lực nhà nước lần lượt được đặt vấn đề đổi mới, cải cách. Đầu tiên là Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về công tác tư pháp, năm 2002. Ba năm sau, năm 2005 là hai Nghị quyết 48, 49 về chiến lược lập pháp và cải cách tư pháp. Rồi năm 2007, 2008 là các nghị quyết của BCH Trung ương về cải cách hành chính, về thể chế kinh tế thị trường… Vừa rồi là Hiến pháp 2013 - tuyên ngôn chính trị pháp lý đậm chất pháp quyền.

Hôm nay khai mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII

Hôm nay (3-10), dự kiến Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XIII sẽ khai mạc tại Hà Nội. Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, dự kiến trong bảy ngày làm việc, trung ương sẽ bàn các vấn đề rất lớn liên quan đến yêu cầu đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế.

Theo đó, trung ương sẽ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Cùng với đó, liên quan mật thiết tới đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là đề án về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Nếu thuận lợi, đây sẽ là lần đầu tiên BCH Trung ương ban hành một nghị quyết lớn về vấn đề có tầm hệ trọng quốc gia này. Nghị quyết sẽ bao trùm ba vấn đề rất lớn:

Xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; cải cách tư pháp; cải cách hành chính. Cả ba vấn đề lớn này, trước đây mới chỉ được quy định ở tầm nghị quyết của Bộ Chính trị hoặc chung chung bên cạnh các nội dung khác trong nghị quyết BCH Trung ương.

Cũng tại hội nghị, dự kiến trung ương sẽ cho chủ trương, chính sách lớn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Như thường lệ, diễn ra trước kỳ họp Quốc hội cuối năm, trung ương sẽ cho ý kiến các vấn đề kinh tế - xã hội. Ngoài ra, trung ương sẽ xem xét, thảo luận một số nội dung quan trọng khác.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước

. Rõ ràng ở đây, vai trò và trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền là rất lớn. Vậy yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo thế nào, thưa ông?

+ Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thực chất là tiếp tục hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Đầu tiên, lãnh đạo của Đảng phải trên tinh thần pháp quyền. Không thể có một đường lối lãnh đạo chung cho tất cả, mà phải phân biệt được lãnh đạo kinh tế, lãnh đạo xã hội với lãnh đạo trong công tác lập pháp, lãnh đạo trong hành pháp, trong tư pháp.

Đó là phân định rõ hơn để Đảng thực sự lãnh đạo bằng đề ra đường lối; là tăng cường năng lực cầm quyền để Nhà nước thông qua bộ máy của mình, dùng quyền lực nhà nước để thực hiện đường lối đó. Đảng không làm thay, mà tin tưởng, phát huy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Đó là dân chủ được thực hiện trên thực tế, dân chủ có hiệu lực, dân chủ trực tiếp. Để người dân thực sự là chủ, thực sự làm chủ, thực sự tham gia vào công việc của đất nước, của quốc gia.

. Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn lịch sử, khi Đảng phất cao ngọn cờ xây dựng, chỉnh đốn chính mình. Nên nhìn nhận, đánh giá thế nào về bối cảnh này trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng?

+ Có thể hiểu đây là giai đoạn đặc biệt mà Đảng phải trực tiếp dọn dẹp, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình vận động, phát triển của mình. Phương pháp lãnh đạo của Đảng lúc này theo xu hướng tăng cường sử dụng các công cụ, kỷ luật Đảng để chấn chỉnh tổ chức.

Nhưng câu hỏi là giai đoạn này sẽ kéo dài bao lâu và sẽ chuyển hướng như thế nào để gần hơn với các nguyên tắc pháp quyền, để Đảng không làm thay mà phát huy vai trò của Nhà nước, để nhân dân thực sự thực hành dân chủ.

. Xin cám ơn ông.

Tăng kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn

. Phóng viên: Chúng ta cũng đang phải đối mặt với thực tế là rất nhiều cán bộ trong hệ thống chính trị hư hỏng, để rồi hai nhiệm kỳ Đại hội XII và XIII này, chưa bao giờ hàng loạt cán bộ các cấp, kể cả trong Bộ Chính trị bị kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Thực tiễn ấy phản ánh điều gì của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta, thưa ông?

+ PGS-TS Trần Văn Độ: Đấy là hậu quả của việc nhận thức chưa tới vấn đề kiểm soát quyền lực, mà đến năm 2013 ta mới đưa vào Hiến pháp.

Để chống được tham nhũng thì phải “bốn không”. Nhưng, không cần tham nhũng - hiện vẫn còn rất khó. Đồng lương chưa đủ sống thì không ít cán bộ, công chức cách này cách khác đi tham ô, tham nhũng. Không tham lạm trực tiếp tiền bạc của dân, của ngân sách thì cũng tham ô thời gian để chạy chân trong, chân ngoài kiếm sống.

Không muốn tham nhũng - ta cũng chưa giáo dục toàn diện đối với cán bộ để có được lòng tự trọng trong mỗi con người, dẫn đến nhiều cán bộ đua nhau vào con đường hư hỏng.

Không thể tham nhũng - cũng còn nhiều điều phải bàn, vì cơ chế quản lý thiếu chặt chẽ, như việc thanh toán không dùng tiền mặt được đề cập nhiều nhưng thực tế thì hàng triệu đô tiền mặt vẫn chảy vào túi cán bộ tham nhũng…

Không dám tham nhũng - thì ta đang làm đây. Phát hiện, bắt, xử thật nhiều nhưng liệu đủ nghiêm khắc, nhân văn, có sức thuyết phục, giáo dục cao chưa thì vẫn còn cần tiếp tục đánh giá sâu hơn nữa.

PGS-TS TRẦN QUỐC TOẢN, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương:

“Tất cả vì lợi ích của nhân dân” phải là nền tảng cốt lõi về sự cầm quyền của Đảng

Những biểu hiện Đảng bao biện, làm thay, lấn sân, can thiệp quá sâu vào công việc của chính quyền và ngược lại là việc buông lỏng lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo chưa cao vẫn được nhắc tới trong các kỳ đại hội. Cũng vì vậy mà luôn đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Để giải quyết nhiệm vụ này, đầu tiên cần nhận thức rõ vấn đề Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền - vấn đề từng được đặt ra từ Đại hội X, XI.

Phát huy dân chủ để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN  ảnh 3

PGS-TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương.

Khái niệm “Đảng lãnh đạo” được hiểu là Đảng đề ra cương lĩnh, đường lối, chủ trương, tuyên truyền, vận động nhân dân tin theo và Đảng lãnh đạo tổ chức thực hiện. Các tổ chức Đảng và đảng viên thực hiện vai trò tiền phong, gương mẫu, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân để giành được sự đồng tình, ủng hộ một cách tự nguyện của đại đa số nhân dân đối với Đảng, đi theo Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ rằng: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”.

Như vậy, “Đảng lãnh đạo” chứa đựng nội dung uy tín - tín nhiệm - thừa nhận - ủng hộ - đi theo của quần chúng nhân dân đối với Đảng, khi Đảng có cương lĩnh, đường lối đúng thể hiện được ý chí, nguyện vọng và lợi ích của đại đa số nhân dân.

Sự lãnh đạo của Đảng không có quyền lực áp đặt, nhất là quyền lực nhà nước, quyền lực pháp luật. Hay nói đúng hơn, Đảng lãnh đạo bằng “quyền lực mềm”.

Còn “Đảng cầm quyền” là Đảng được nhân dân ủy thác thông qua bầu cử, từ đó thành lập và lãnh đạo Nhà nước. Khi Đảng được cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội được thể hiện qua sự tín nhiệm của nhân dân trao cho quyền thành lập và lãnh đạo Nhà nước.

Phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng phải thông qua quá trình thể chế hóa thực sự dân chủ, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chứ không phải Đảng đưa ra các quyết định nhân danh Đảng buộc Nhà nước và xã hội phải tuân theo.

“Đảng cầm quyền” còn được hiểu là thông qua các tổ chức Đảng và những đảng viên đại diện của Đảng trong bộ máy nhà nước để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Như vậy, “Đảng cầm quyền” là một khái niệm gắn với quyền lực nhà nước, trong đó lãnh đạo đúng đắn, khoa học, “tất cả vì lợi ích của nhân dân” phải là nền tảng cốt lõi của sự cầm quyền của Đảng.

Xem thêm: lmth.723107tsop-nchx-neyuq-pahp-coun-ahn-gnud-yax-ed-uhc-nad-yuh-tahp/nv.olp

“Phát huy dân chủ để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools