Một cây xăng tại TP.HCM do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ làm thương nhân phân phối xăng dầu treo biển hết xăng vào ngày 5-9-2022 - Ảnh minh họa: CÔNG TRIỆU
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 5-10, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết dù chưa nhận được văn bản, song đã nắm được thông tin và sẽ trao đổi cụ thể với Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ (Cagico) liên quan đến những khó khăn về nguồn cung mà doanh nghiệp này nêu trong văn bản gửi sở.
Cụ thể, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ đã có văn bản vào ngày 5-10 gửi Sở Công Thương TP.HCM và Cục Quản lý thị trường TP.HCM, báo về tình hình nguồn cung xăng dầu.
Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ cho biết doanh nghiệp này là thương nhân phân phối nên không thể nhập khẩu được xăng dầu, mà phải thông qua các thương nhân nhập khẩu để mua và cung cấp cho hệ thống bán lẻ của mình.
Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường trong nước và thế giới diễn biến phức tạp dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn, các doanh nghiệp đầu mối đã ngừng cung cấp hàng cho công ty.
Do tình hình khó khăn về nguồn cung, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ cho hay: "Công ty không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống bán lẻ của mình và có thể sẽ tạm ngưng trong thời gian sắp tới".
Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ cũng cho biết hiện có hệ thống bán lẻ gồm 17 cửa hàng trực thuộc và 36 đại lý, trong đó có các cửa hàng ngoài TP.HCM.
Theo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, văn bản này của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ chỉ là văn bản thông báo tình hình nguồn cung và cung ứng hàng hóa, chưa phải là văn bản xin tạm ngưng hoạt động, phía cơ quan quản lý sẽ xác minh tình hình nhập xăng dầu của doanh nghiệp.
Theo nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu, cửa hàng xăng dầu muốn ngừng bán phải thông báo bằng văn bản về thời gian ngừng bán hàng gửi Sở Công Thương, ghi rõ lý do ngừng bán hàng. Đồng thời, doanh nghiệp chỉ được ngừng bán hàng sau khi được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản.
Trước đó, đại diện Sở Công Thương TP cho biết trong số 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP, thời gian qua chỉ ghi nhận 5-6 cửa hàng xin tạm ngưng trong thời gian sửa chữa, súc bồn, kiểm tra hệ thống PCCC... chứ chưa có trường hợp xin tạm ngưng kinh doanh.
Với các trường hợp này, Sở Công Thương đã xác minh, kiểm tra các hạng mục sửa chữa và xem xét lại thời gian ngưng dưới 30 ngày theo quy định, có những trường hợp chỉ chấp thuận ngưng từ 15 - 20 ngày.
Ngoài ra, sở cũng tiếp nhận đơn của Công ty TNHH Petro Ramco xin trả giấy phép phân phối cho Bộ Công Thương, hiện doanh nghiệp này có một cây xăng tại TP.HCM.
TTO - Doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu phản ảnh có kẽ hở trong kinh doanh xăng dầu khiến các DN đầu mối, phân phối xăng dầu dễ dàng điều chỉnh giá bán để giảm lỗ hoặc tăng lợi nhuận. Thậm chí họ có cách lách để bán vượt giá điều hành về bản chất.