Hội nghị Thường niên lần thứ 55 của ADB diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa hoàn toàn hồi phục sau khủng hoảng do dịch Covid – 19 gây ra và đang tiếp tục đối mặt với những diễn biến bất lợi và khó lường do căng thẳng địa chính trị ngày một gia tăng từ xung đột Nga - Ucraina, khiến triển vọng kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm. Mới đây, ADB đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 5,2% xuống còn 4,3% và năm 2023 từ 5,3% xuống còn 4,9%, và đánh giá, triển vọng kinh tế thế giới tiếp tục bất định sẽ là thách thức cho việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là các mục tiêu về phát triển bình đẳng và xoá đói giảm nghèo. Các thách thức trong đảm bảo tăng trưởng, ổn định giá cả và ổn định tiền tệ tài chính cũng có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực của các nước trong việc đảm bảo dành ưu tiên và nguồn lực đầy đủ cho các mục tiêu dài hạn khác. Trong bối cảnh đó, với tư cách một ngân hàng phát triển đa phương với nhiệm vụ hỗ trợ các nước thành viên giải quyết các thách thức trong quá trình phát triển, ADB xác định tập trung nguồn lực cho hai ưu tiên quan trọng là giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực. ADB cam kết dành 100 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2030 để hỗ trợ các nước ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa ra Cơ chế chuyển đổi năng lượng - Energy Transition Mechanism (ETM) nhằm hỗ trợ và thúc đẩy quá trình dừng đầu tư vào các dự án điện than và chuyển sang phát triển nguồn năng lượng sạch của các nước thành viên. Ngoài ra, ADB cũng cam kết hỗ trợ 3,3 tỷ USD trong năm 2022 để xử lý các vấn đề an ninh lương thực thông qua hỗ trợ đầu tư của cả khu vực công và tư, tập trung vào các dự án nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và phát triển nông thôn. Cho giai đoạn 2023-2025, số vốn cam kết của ADB cho các dự án thuộc nhóm này đạt 10,7 tỷ USD.
Hội nghị Thường niên ADB năm 2022
Trong bài phát biểu gửi đến Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà - Trưởng đoàn Việt Nam, đã thông báo về các kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn hậu Covid – 19, trong đó nhấn mạnh việc Chính phủ đã thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp để vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng bền vững, trong khi dành quan tâm đặc biệt đến các nhóm yếu thế và bị ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng và đảm bảo hài hoà với các cam kết xanh của Chính phủ. Nhờ các nỗ lực đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong hồi phục kinh tế: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng phục hồi vững chắc, lạm phát được kiểm soát và các cân đối lớn trong nền kinh tế được đảm bảo. Các kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn hiện tại đã giúp Việt Nam được các tổ chức quốc tế nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2022 lên 6,5-6,8% so với mức 6% trước đây, lạm phát dự kiến được khống chế dưới 4%; tăng trưởng năm 2023 được dự báo ở mức cao là 6,7%. Các tổ chức xếp hạng quốc tế cũng đồng loạt nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia: S&P (tháng 5/2022) nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, triển vọng Ổn định; Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, triển vọng Ổn định.
Trong quan hệ với ADB, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà bày tỏ Việt Nam đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ mà ADB dành cho Việt Nam thời gian qua, đặc biệt giai đoạn hậu Covid-19. Phó Thống đốc nhấn mạnh, Chiến lược Đối tác Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2023-2026 với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, xanh và được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân” mà ADB vừa thông qua cho thấy ADB sẽ tiếp tục là đối tác phát triển có vai trò hỗ trợ Chính phủ triển khai các ưu tiên trong thời gian tới. Chiến lược được ban hành sẽ giúp hai bên xác định các ưu tiên chiến lược, trọng tâm và cách thức phối hợp để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong giai đoạn tiếp theo. Về phía Việt Nam, Chính phủ cam kết tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với ADB và tạo điều kiện cho Ngân hàng tham gia hỗ trợ quá trình phục hồi và từ đó là tăng trưởng xanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Phó Thống đốc cũng nhận định, thành quả về phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là triển vọng phát triển bền vững của Việt Nam trong ngắn và trung hạn là những điều kiện quan trọng giúp đảm bảo sự thành công của các dự án mà ADB có thể tham gia tài trợ tại Việt Nam.
Bên cạnh các phiên họp chính thức của Hội đồng Thống đốc ADB, đoàn Việt Nam đã có một số cuộc họp và tiếp xúc song phương với Phó Chủ tịch ADB phụ trách khu vực Đông Nam Á - Ông Ahmed M.Saed, Phó Chủ tịch ADB phụ trách khu vực tư nhân - Ông Ashok Lavasa, Vụ trưởng các Vụ Đông Nam Á, Vụ Hoạt động khu vực tư nhân, Giám đốc Điều hành Nhóm nước đại diện Việt Nam tại ADB, và các cuộc làm việc kỹ thuật khác. Tại các buổi tiếp và làm việc, ADB và các đối tác đều chúc mừng và bày tỏ ấn tượng về những thành quả nổi bật của Việt Nam trong đối phó với khủng hoảng, phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định vĩ mô. Lãnh đạo ADB đặc biệt đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo các nền tảng cho sự phục hồi và phát triển bền vững, đặc biệt là các nỗ lực hướng tới tăng trưởng xanh và số hoá nền kinh tế. Lãnh đạo ADB bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ mà đại diện là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong phát triển quan hệ với ADB, và khẳng định, Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng mà ADB có rất nhiều hoạt động, dự án; danh mục đầu tư được đánh giá là hiệu quả, nhiều tiềm năng; và vì vậy, ADB mong muốn được Chính phủ và các bộ ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai hợp tác nhằm phát huy ngày một hiệu quả các thế mạnh và tiềm năng của cả hai bên.
Phó Thống đốc NHNN nhất trí với nhận định về tiềm năng phát triển hợp tác giữa hai bên, đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong hợp tác Việt Nam - ADB, cả trong khu vực công và khu vực tư nhân; và nhất trí với các quan điểm chiến lược của ADB khi thiết kế các giải pháp hỗ trợ đặc thù giúp Việt Nam ứng phó với thách thức như đã nêu trong Chiến lược Đối tác Quốc gia mới han hành. Với đầu tư khu vực tư nhân, một lĩnh vực mà ADB đang đặt trọng tâm, Phó Thống đốc hoan nghênh các kết quả mà ADB đã đạt được trong lĩnh vực này, thể hiện ở việc danh mục đầu tư khu vực tư nhân của ADB tại Việt Nam đang đứng thứ ba trong các nước Đông Nam Á và còn nhiều dự án tiềm năng đang trong quá trình xem xét. Phó Thống đốc đánh giá, trọng tâm chiến lược mà ADB đặt ra với Việt Nam cho thời gian sắp tới là phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam trong phát triển khu vực tư nhân, với tư cách một động lực kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Phó Thống đốc cũng bày tỏ nhất trí với nhận định của ADB về vai trò của các tổ chức tín dụng Việt Nam trong thúc đẩy tài chính xanh và từ đó là tăng trưởng xanh, và đề nghị ADB tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức tín dụng của Việt Nam trong xây dựng và triển khai các dự án theo định hướng này. Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đều bày tỏ mong muốn và nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ADB và Việt Nam, vì lợi ích lâu dài của cả hai bên.
Hội nghị Thường niên ADB năm 2022 với chủ đề “Định vị nền kinh tế xanh có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong thế giới hậu Covid” có sự tham gia của đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của ADB, các tổ chức quốc tế, ngân hàng và tổ chức tài chính, và các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Đây là lần đầu tiên ADB nối lại việc tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp sau gần 3 năm duy trì tiếp xúc trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Vụ Hợp tác Quốc tế
Xem thêm: 902625VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www