Lực lượng chức năng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra nguồn gốc thực phẩm ở chợ đầu mối Thủ Đức - Ảnh: HOÀNG QUÂN
Lập Sở An toàn thực phẩm, quan trọng là có làm được gì cho dân!
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị góp ý dự thảo đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, việc lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như TP.HCM.
Phản hồi về đề xuất này, bạn đọc Quang Nguyên viết: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ thành lập Sở An toàn - Vệ sinh thực phẩm"!
Theo bạn đọc Quang Nguyên, khi thành lập một sở độc lập sẽ kiểm tra, xử phạt thật mạnh tay với các cơ sở cung cấp thực phẩm bẩn. Điều này bảo vệ chính người dân và cả những người trong các sở ban ngành!
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa thật sự ủng hộ, bởi có thành lập sở rồi cũng như vậy, còn tăng thêm biên chế tốn tiền của dân!
Cho rằng chưa đến lúc phải tách riêng thành một sở độc lập, bạn đọc Nguyễn Văn Đông đề xuất: "Nên tăng quyền hạn cho ban quản lý, chớ thành lập sở thì lại giống như trước đây, bởi mỗi sở có chức trách riêng không được can thiệp công việc của nhau, thì cũng như không".
Nhắc lại chuyện đã qua, bạn đọc An viết: "Hồi xưa cũng nêu cùng lý do này để lập Ban An toàn thực phẩm, rồi giờ cũng nói lý do ấy để lập sở. Nên chăng đánh giá lại nguyên nhân sâu xa, xem có phải đó là lý do thật sự hay do năng lực của người đứng đầu ban? Hà Nội thủ đô chỉ có Chi cục An toàn thực phẩm mà vẫn ổn đó thôi".
Du lịch đường sông của TP.HCM nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức - Ảnh: T.T.D.
Khai thác tiềm năng sông Sài Gòn: Việc cần làm ngay!
Tại hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc giữa Thường trực HĐND TP.HCM và doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn TP chiều 6-10, ông Phan Xuân Anh - Công ty Du Ngoạn Việt, chuyên về du lịch tàu biển - cho biết vừa đi khảo sát các tuyến đường sông ở TP.HCM và thấy tiếc vì sông Sài Gòn "có sông mà không có đò" dù dòng sông nào cũng rất đẹp, hiền hòa.
"Vì sao lại có việc thiếu vắng này? Ngoài nút thắt chính sách, du lịch đường sông không phát triển có phải một phần do không có bến thủy nội địa không?", ông Xuân Anh đặt vấn đề.
Ủng hộ cách đặt vấn đề này, nhiều bạn đọc cho rằng nếu làm căn cơ, bài bản... sẽ khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng của sông Sài Gòn.
"Tiềm năng du lịch đường sông của TP.HCM đang rất lãng phí. Cần khôi phục sớm bến Nhà Rồng" - bạn đọc Xuan Tieu Nguyen viết.
Cho rằng du lịch đường sông bấy lâu chúng ta đã lãng quên, bạn đọc Nhân Dân bổ sung: "Cách đặt vấn đề quá hay, một loại hình du lịch rất cần phát triển mạnh. Vì riêng dân tỉnh lẻ miền Tây như chúng tôi rất không thích kẹt xe, cũng như sự ngột ngạt của phố phường đô thị TP.HCM thì loại hình này sẽ tạo nên điểm hấp dẫn cho Sài Gòn".
Hy vọng sẽ khai thác hết tiềm năng vốn có của một địa danh từng đi vào lịch sử Sài Gòn - Bến Nghé, bạn Thien Chuong Le viết: "Mong có ngày sông Sài Gòn phát triển đúng với tiềm năng của nó và là điểm đến không thể quên của các du khách".
Toàn cảnh buổi khảo sát tại trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Đến bệnh viện không phải chờ lâu, người bệnh có giường nằm là tốt rồi
Tại buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, bên cạnh việc trình bày những khó khăn trong ngành, nhất là sau dịch COVID-19, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết ngành y tế mong muốn phát triển xã hội hóa ngành y tế.
"Theo tôi, nên giải quyết các việc nhỏ trước, ví dụ như quy trình khám bệnh làm sao để không phải chờ lâu, sau đó đến khâu vệ sinh của bệnh viện. Nếu so sánh bệnh viện tư với bệnh viện công thì bệnh viện tư lúc nào cũng sạch sẽ ngăn nắp hơn".
Ý kiến bạn đọc Nông Văn Tuấn
"Ngành y tế lấy hình ảnh chiếc máy bay, trên đây có người giàu, người nghèo. Chứ nếu người nghèo ngồi ở máy bay cũ, người giàu ngồi máy bay mới thì không ổn. Xã hội hóa là người giàu và nghèo đều ngồi trên máy bay hiện đại" - người đứng đầu ngành y tế TP.HCM nói.
Tuy nhiên, theo nhiều bạn đọc, trong bối cảnh hiện nay không cần phải ví von gì cao xa, chỉ cần ngành y tế trang bị đầy đủ thiết bị, thuốc men, để cho công việc khám chữa bệnh được tốt là mừng lắm rồi.
Còn về việc khám bệnh ở bệnh viện công hay bệnh viện tư hay khám theo yêu cầu còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng người. Người có điều kiện muốn khám tốt thì ra các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế tùy theo ý mình.
Về ý này, bạn đọc Thành viết: "Vấn đề quan trọng hiện nay là sở y tế quản lý các cơ sở y tế đảm bảo không khám bệnh chui, không "chặt chém" bệnh nhân, nhân viên y tế không nghỉ việc... Quản lý được các lĩnh vực đó là tốt rồi!
"Cần minh bạch, bệnh viện công ra bệnh viện công do nhà nước đầu tư và chỉ có một dịch vụ duy nhất (cho cả người giàu cũng như nghèo ). Người giàu muốn hưởng dịch vụ tốt hơn thì xin đến bệnh viện tư, không nhập nhằng. Bây giờ mà vẫn còn tư duy giàu nghèo như nhau thì là ảo tưởng. Trên cùng chuyến bay vẫn có các hạng vé khác nhau đó ngài giám đốc" - bạn đọc Sava Agu viết.
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Anh bổ sung: "Cũng là máy bay nhưng giàu ngồi ghế thương gia, nghèo ngồi ghế phổ thông. Người giàu cần dịch vụ tốt cứ cho họ hưởng với giá cao bù lại chi phí chữa bệnh cho người nghèo, đồng thời nâng cấp chất lượng khám bệnh cho người nghèo lên mức chấp nhận được".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ vấn đề gì? Theo bạn, làm cách nào để xã hội hóa ngành y tế nhưng không đi ngược lại quy luật thị trường? Sông Sài Gòn cần làm gì để khai thác hết tiềm năng trong bối cảnh hiện tại?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi ý kiến ở KHUNG BÊN DƯỚI.
TTO - Đó là câu hỏi được đặt ra tại hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc giữa thường trực HĐND TP.HCM và doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn TP.