Sáng 7-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi khảo sát về thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế với Sở Y tế TP.HCM cùng một số lãnh đạo bệnh viện (BV). Cùng với đó là góp ý dự thảo Luật Đấu thầu và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Điều dưỡng BV Ung bướu TP.HCM đang hướng dẫn bệnh nhân khám bệnh. Ảnh:TRẦN NGỌC |
Đề xuất bổ sung trợ lý điều dưỡng
Bác sĩ (BS) Hà Thị Hồng Linh, Phó Giám đốc BV Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết BV này đang thiếu nhân lực điều dưỡng, trong khi đó lực lượng vệ sinh công nghệ được BV hợp đồng chỉ để làm vệ sinh, không được đào tạo để làm trợ lý điều dưỡng. “BV rất cần trợ lý điều dưỡng để giúp người bệnh vệ sinh cá nhân, đi lại, sắp xếp giường bệnh và hỗ trợ một số việc khác do điều dưỡng chính phân công” - BS Linh nói.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho hay điều dưỡng tại BV Lê Văn Thịnh cũng đang thiếu. “Trước đây, điều dưỡng được đào tạo hệ trung cấp trong vòng một năm nhưng quy định hiện nay điều dưỡng phải có trình độ CĐ và ĐH. Từ đó thời gian học điều dưỡng kéo dài hơn, đi làm thu nhập không cao, công việc lại nhiều nên ít người theo học. Đó chính là lý do khó tuyển điều dưỡng” - BS Khanh thẳng thắn.
Cũng theo BS Khanh, hiện BV chỉ cần 30%-40% điều dưỡng có trình độ CĐ, ĐH để làm công tác quản lý. Số còn lại chủ yếu chăm sóc người bệnh nên không cần trình độ CĐ, ĐH. “Nên có chức danh trợ lý điều dưỡng, loại hình này giao cho các BV hạng 2 trở lên đào tạo để phục vụ nhu cầu của BV. Riêng điều dưỡng trình độ CĐ, ĐH do các trường đào tạo” - BS Khanh đề xuất.
Nên có chức danh trợ lý điều dưỡng, loại hình này giao cho các BV hạng 2 trở lên đào tạo để phục vụ nhu cầu của BV.
Về vấn đề này, BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay trên thế giới, ngoài chức danh điều dưỡng chính (có chứng chỉ hành nghề) còn có chức danh trợ lý điều dưỡng (có giấy chứng nhận), được đào tạo ngắn hạn khoảng ba tháng. Điều dưỡng ở các BV công hiện thiếu hụt do nguồn đào tạo đầu vào giảm rất nhiều. Tỉ lệ ba điều dưỡng/BS mới đáp ứng công việc hằng ngày tại BV nhưng hiện tỉ lệ này là 1,85 điều dưỡng/BS, rất khó khăn trong hoạt động chăm sóc người bệnh.
“Trợ lý điều dưỡng làm những việc như hỗ trợ người bệnh vệ sinh cá nhân, ăn uống, di chuyển giữa các khoa, đưa đi xét nghiệm… Ở Việt Nam, những việc này điều dưỡng đều phải làm” - BS Dũng nói thêm.
Lộ trình phát triển hệ thống y tế của Việt Nam đang tiến dần tới hoạt động chăm sóc toàn diện người bệnh, không cần thân nhân đi kèm. Do vậy, rất cần lực lượng trợ lý điều dưỡng để đảm nhận vai trò chăm sóc người bệnh.
BS NGUYỄN ANH DŨNG,
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Ủng hộ xã hội hóa ngành y tế
Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, hiện Nhà nước khuyến khích xã hội hóa (XHH) kết hợp công, tư. Tuy nhiên, riêng với lĩnh vực y tế, khi thực hiện XHH lại chưa có quy định người đầu tư và BV góp bao nhiêu phần trăm.
“Chẳng hạn các BV tự góp 60% hoặc 80%, đến khi kiểm toán hoặc thanh tra hỏi cơ sở nào góp vậy thì BV không thể trả lời nên dễ vướng vào pháp lý. Do vậy, nếu đẩy mạnh XHH thì nên có những quy định chi tiết, cụ thể để tạo hành lang pháp lý cho BV. Theo tôi, thời điểm này cần XHH công tác khám chữa bệnh để thúc đẩy ngành y tế phát triển. Quan trọng là bệnh nhân có thể tiếp cận những kỹ thuật mới khi các cơ sở y tế công chưa đủ nguồn lực để đầu tư máy móc, trang thiết bị” - BS Tuyết nêu ý kiến.
Đồng tình, BS Nguyễn Anh Dũng cho rằng ngành y tế TP.HCM ủng hộ việc XHH và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám chữa bệnh. “Ngành y tế TP.HCM khuyến khích xây dựng nhiều BV tư để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư tại BV công để người bệnh có cơ hội tiếp cận những kỹ thuật mới trên nguyên tắc phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng” - BS Dũng nói.
Cũng theo BS Dũng, điều quan trọng khi tư nhân tham gia hoạt động khám chữa bệnh tại BV công thì giá các dịch vụ khám, điều trị, xét nghiệm của người bệnh là như nhau nhưng được tính đúng, tính đủ. Không phân biệt giá dịch vụ hay giá tính theo bảo hiểm y tế. “Tuy vậy, phòng bệnh, căn tin, giữ xe, giặt giũ… có thể có nhiều mức giá tùy điều kiện kinh tế của người bệnh và đơn vị quản lý các dịch vụ này. Có thể hiểu nôm na là khi XHH thì người bệnh dù giàu hay nghèo đều đi chung máy bay mới và người có điều kiện hơn thì đặt thêm suất ăn, nước uống” - BS Dũng dẫn giải.•
Qua trao đổi, chúng tôi ghi nhận ngành y tế TP.HCM có nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ cũng như đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế. Chúng tôi ghi nhận tất cả kiến nghị và sẽ có báo cáo với Quốc hội, có ý kiến với Chính phủ và kiến nghị với các cơ quan trung ương. Vấn đề nào liên quan tới TP.HCM, chúng tôi kiến nghị với TP.
Liên quan đến các góp ý dự thảo Luật Đấu thầu và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), chúng tôi cũng ghi nhận và tuần sau sẽ có văn bản gửi trước cho Quốc hội và các cơ quan trung ương.
Bà VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Phó Trưởng đoàn chuyên trách
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM