Giá cau tươi liên tục xuống thấp nhưng thương lái cũng vắng bóng do thị trường Trung Quốc giảm mua - Ảnh: THẾ THẾ
Trong khi đó, phần lớn nông dân đang phải chịu lãi vay vốn trồng cau, chưa kể chi phí chăm sóc vườn cau.
Ông Mai Văn Tâm (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cho biết khi giá cau tăng cao vào ba năm trước, gia đình ông đã đầu tư trồng 300 gốc. Tuy nhiên, khi vườn bắt đầu cho thu bói, giá bán cau tươi lại liên tục giảm khiến ông thấp thỏm.
"Giá cau tươi nay chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng bán cũng rất khó bởi ít người thu mua. Nhà vườn tự cắt trái rồi mang đi bán lại bị chê cau già, không đạt chất lượng... Giờ chả biết sao", ông Tâm lo lắng.
Một số thương lái cho biết hơn một tháng nay chỉ dám thu mua cau tươi với số lượng nhỏ bởi việc xuất bán đang gặp khó khăn do Trung Quốc ngừng nhập loại quả này. Trong khi đó, tại thời điểm giá cau tăng cao cách nay ba năm, có thời điểm lên tới 100.000 đồng/kg, nhiều vườn đã vay ngân hàng để trồng cau, lắp đặt các hệ thống cả hệ thống camera chống trộm. Với việc giá cau xuống thấp và khó tiêu thụ, nhiều nhà vườn chuyên trồng cau lo lắng sẽ khó có khả năng trả nợ.
Theo ông Nguyễn Thanh Minh - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cư Kuin, chỉ riêng địa phương có hơn 100ha trồng cau, phần lớn được trồng xen cây cà phê, tiêu... "Cau không phải là cây trồng chính nên chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt bởi giá cả loại cây này vẫn còn bấp bênh, đầu ra phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc là chính", ông Minh nói.
TTO - Lần đầu tiên, 70 tấn sầu riêng từ Lâm Đồng xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc theo diện chính ngạch.