vĐồng tin tức tài chính 365

Khẩn trương giải quyết nguồn cung xăng dầu

2022-10-13 09:03

Ngày 12-10, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định đến nay vẫn cơ bản đáp ứng nguồn cung xăng dầu. Việc có một số trong 17.000 cửa hàng xăng dầu không đủ hàng để bán hiện chưa có con số thống kê cụ thể. "Dù có bao nhiêu cửa hàng thì trách nhiệm của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan là phải nhìn thẳng vấn đề để có biện pháp xử lý, giải quyết. Dù 1 cửa hàng cũng phải giải quyết" - Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ.

Doanh nghiệp thua lỗ kéo dài

Thông tin về nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu gặp trục trặc thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Đặc biệt, vào quý II/2022, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất; để bảo đảm nguồn cung, Bộ Công Thương đã phân giao lượng nhập khẩu tăng thêm cho các doanh nghiệp (DN) đầu mối. Tuy nhiên, ở thời điểm này, giá xăng dầu thế giới lên cao nhất từ đầu năm.

Sang đến quý III/2022, giá xăng dầu lại giảm mạnh, với lượng nhập khẩu lớn như vậy, DN thua lỗ lớn, buộc phải cắt giảm chiết khấu để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ cũng thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh. "Mức chiết khấu là theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa các DN đầu mối với các đơn vị trong hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, các chi phí định mức chưa được tính đúng, tính đủ so với thực tế, khiến DN thua lỗ kéo dài" - Thứ trưởng thông tin.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), một số DN đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng do vi phạm hành chính dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của DN đầu mối này.

"Bên cạnh đó, tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỉ giá USD/VNĐ tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước" - ông Đông cho hay.

Trước một số ý kiến cho rằng Việt Nam hiện có nhiều DN đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng vẫn thiếu nguồn cung cho thấy có sự bất thường trong thị trường xăng dầu, ông Trần Duy Đông lý giải: Hiện nay Việt Nam có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có 4 thương nhân chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không. Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì số lượng thương nhân đầu mối nêu trên là tương đối thấp do điều kiện gia nhập thị trường làm thương nhân đầu mối của Việt Nam còn tương đối cao.

Khẩn trương giải quyết nguồn cung xăng dầu - Ảnh 1.

Đến chiều 12-10, tại TP HCM, hầu như không còn cảnh chen chúc, xếp hàng chờ đổ xăng như vài ngày qua. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Cung ứng cho các khu vực thiếu cục bộ

Theo ông Trần Duy Đông, sáng cùng ngày, Bộ Công Thương đã họp với Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam các DN đầu mối sản xuất, kinh doanh để bàn giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Tại cuộc họp, Bộ Công Thương đã đề nghị các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất cần có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho DN đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.

"Đồng thời, đề nghị các nhà máy lọc dầu cũng cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước. Trên cơ sở cuộc họp, rà soát để phân giao tổng nguồn phù hợp, gồm nguồn nhập khẩu và trong nước để bảo đảm đủ nguồn cho quý IV/2022" - ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Thông tin thêm về việc rà soát chi phí để đưa vào giá cơ sở, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam dù mới được điều chỉnh tăng lên nhưng thời gian vừa qua chi phí này đã tăng rất cao, gây khó khăn cho DN đầu mối. Bộ Công Thương sẽ kiến nghị với Chính phủ tiếp tục điều chỉnh chi phí này lên để chia sẻ với DN.

Về chiết khấu 0 đồng dẫn đến kinh doanh thua lỗ cho các DN bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết mức chiết khấu là mức giảm giá của bên bán cho bên mua so với giá bán lẻ xăng dầu. Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, không điều chỉnh mức chiết khấu.

"Giá bán lẻ xăng dầu đã được nhà nước điều hành và quy định mức giá trần nên mức chiết khấu là yếu tố quan trọng để phản ánh tính thị trường, đồng thời là yếu tố được điều chỉnh linh hoạt giúp các DN điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước" - đại diện Bộ Công Thương giải thích.

Về kiến nghị cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, ông Trần Duy Đông cho biết theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn để bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng xăng dầu.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá và báo cáo Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế phát sinh thời gian qua.

Cung ứng xăng dầu đã bớt căng thẳng

Chiều 12-10, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh, thương mại trên địa bàn TP HCM của Sở Công Thương thành phố, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM, cho biết tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn đã dần dịu lại sau khi Liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu từ chiều 12-10.

Cụ thể, nếu trong ngày 10-10 chỉ 7,4% tổng số cửa hàng tạm ngưng hoạt động vì thiếu xăng cục bộ đã nhập được xăng dầu và phục hồi kinh doanh thì đến ngày 11-10 tỉ lệ này tăng lên 39%. Đến 12 giờ ngày 12-10, con số này đã lên đến 67,8%.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, thông tin báo cáo nhanh trong ngày 12-10 cho thấy có 80/137 cây xăng hết hàng trong ngày 11-10 đã mở cửa hoạt động trở lại. Nguồn cung xăng dầu cho địa bàn thành phố đã dần ổn định.

"Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì những bất tiện, khó khăn người dân đã phải gánh chịu trong thời gian qua. Sở Công Thương với trách nhiệm quản lý địa phương đã xoay xở hỗ trợ các DN chủ lực như Petrolimex, PV Oil, Xăng dầu quân đội... vận chuyển xăng từ kho về các cửa hàng bán lẻ được xoay vòng liên tục 24/24 giờ để bơm xăng cho các khu vực hết xăng.

Bên cạnh đó, sở cũng kiến nghị Bộ Công Thương cho phép Petrolimex, PV Oil... choàng gánh, cung cấp xăng cho các cửa hàng xăng bán lẻ thuộc hệ thống khác. Từ 12-10, nguồn cung đã tương đối ổn định trở lại" - ông Vũ cho hay.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Petrolimex Saigon, những ngày qua khi tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP gặp căng thẳng, Petrolimex Saigon đã nỗ lực tạo nguồn, nhập khẩu đến phân phối, xuất hàng linh hoạt, tăng gấp đôi lượng xe bồn lưu thông. Nhờ đó, từ 15 giờ chiều 11-10 đến 12 giờ ngày 12-10, áp lực lên các cửa hàng của Petrolimex Saigon đã giảm 30%, dù sản lượng vẫn tăng 135% so với bình quân.

"Hoạt động này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới. Lượng tồn kho đến sáng 12-10 vẫn trên 300.000 m3, từ 13-10 đến cuối tuần thêm 100.000 m3 nữa, như vậy nguồn cung chúng tôi bảo đảm đến hết tháng 10. Với tình hình điều chỉnh giá và điều hành của cơ quan chức năng thì 1-2 ngày tới tình hình sẽ trở lại bình thường" - ông Đào Văn Hùng dự báo.

Tại nhiều tỉnh, thành khác của phía Nam, hoạt động cung ứng xăng dầu cũng đã bớt căng thẳng. Tại Bình Dương ngày 12-10, nhiều cây xăng đã gỡ bảng "hết hàng" và mở cửa bán. Do đó, khách hàng không còn phải chờ đợi hàng giờ để đến lượt mua xăng. Mặc dù đã có xăng bán cho khách hàng nhưng do số lượng nhập về không nhiều nên một số cây xăng ở Bình Dương vẫn còn tình trạng bán nhỏ giọt. Những ngày trước xe máy chỉ được đổ 20.000 đồng/xe thì nay giới hạn 50.000 đồng/xe; ôtô từ 300.000 đồng/xe nâng lên 500.000 đồng/xe.

Đại diện Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, DN đầu mối cung cấp xăng dầu lớn nhất tỉnh Bình Dương, cho biết đơn vị vẫn bảo đảm nguồn cung cấp xăng dầu cho hệ thống của tổng công ty và các thương nhân, đại lý bán lẻ. Hiện, tổng công ty đang tiếp tục liên hệ với các đối tác để nhập hàng về kho.

Tại khu vực ĐBSCL, Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) cho hay dù đang gặp khó khăn trong tình trạng mua hàng giá cao, bán giá thấp nhưng NSH Petro không để thiếu hụt xăng dầu trong hệ thống phân phối; đồng thời còn hỗ trợ các thương nhân nhằm bảo đảm ổn định lượng xăng dầu để phục vụ cho nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL.

Theo ông Mai Văn Thành, Phó Chủ tịch HĐQT NSH Petro, trung bình mỗi ngày kho của công ty vẫn xuất từ 100-120 xe bồn để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho ĐBSCL. Hiện hơn 100 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống NSH Petro đã hoạt động bình thường trở lại.

Rà soát, sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu

Ngày 12-10, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, báo cáo Chính phủ trong tháng 10.

M.Chiến

Xem thêm: mth.30295951221012202-uad-gnax-gnuc-nougn-teyuq-iaig-gnourt-nahk/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khẩn trương giải quyết nguồn cung xăng dầu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools