Đầu tháng 9-2022, người dân sống dưới chân đèo Ông Gấm (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) phản ánh về một “công trường” khai thác đất đồi xuyên đêm nằm giáp ranh với xã Hòa Ninh chở đi bán khắp nơi ở Đà Nẵng.
Sau nhiều ngày tìm hiểu điểm khai thác, theo dấu hàng trăm lượt xe ben chở đất đồi, chúng tôi xác định đây là “mỏ đất” trái phép, hoạt động rầm rộ vào ban đêm mà chính quyền không hề hay biết.
Đào núi lấy đất xuyên đêm
Khuya 17-9, dưới chân quả đồi bên trái đường ĐT602 (hướng từ xã Hòa Sơn đi xã Hòa Ninh), những ngọn đèn pin bật sáng báo hiệu “đại công trường” trộm đất đến giờ hoạt động. Ít phút sau, đoàn xe ben xếp hàng dài chờ sẵn dưới chân đèo Ông Gấm tuần tự nổ máy, nối đuôi nhau lên đèo, rẽ vào phía sau quả đồi này.
Vị trí khai thác đất trên đèo Ông Gấm. |
Mỗi lượt xe ben ra vào “ăn” đất mất chưa đầy 10 phút. Mỗi xe đều chở đất cao hơn thành thùng và chỉ trong 1 giờ đồng hồ, chúng tôi ghi nhận có đến hàng chục lượt xe trực chỉ về hướng các khu công nghiệp trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Lúc 23 giờ ngày 17-9, theo dấu một xe ben ba trục bị tháo biển số ở đuôi, chúng tôi thấy xe chạy từ đèo Ông Gấm ra đường ĐT602 rồi rẽ vào đường Mê Linh (đường số 5 Khu công nghiệp Hòa Khánh) trước khi tiến vào một bãi đất trống gần đó để đổ đất. Những xe ben phía sau cũng lần lượt tiếp cận bãi đổ này. Bên trong, xe múc, xe ủi đợi sẵn để san gạt đất tạo mặt bằng.
Xe múc đất làm việc hết công suất dưới chân đồi tại đèo Ông Gấm rồi chở đi san lấp nhiều nơi ở TP Đà Nẵng vào ban đêm. |
Lúc 19 giờ 30 ngày 22-9, trời mưa nặng hạt, chúng tôi né hàng loạt ánh đèn pin loang loáng, đi vào con đường mòn dưới chân quả đồi, chứng kiến một đoạn kè đá lộ ra ngay dưới chân xe múc. Từ vị trí này, ống kính PV ghi nhận xe múc phía trên đang lùa đất thành từng cụm, sẵn sàng đưa lên xe ben. Đúng 20 giờ, những xe ben đầu tiên tiến vào lấy đất. Tuy nhiên, do mưa quá lớn, nước chảy gây sạt sườn đồi nên chỉ sau vài lượt xe, công trường này tắt đèn, ngưng hoạt động.
Náo loạn phố đêm Đà Nẵng
Gần một tháng ghi hình, chúng tôi chứng kiến hầu hết xe ben chở đất đều chạy với tốc độ rất nhanh, nối thành đoàn qua các giao lộ, tiếng còi xe cộng với tiếng xi-nhan gây náo loạn khắp các tuyến đường xe đi qua.
Đất được các xe đưa về san lấp dự án đình làng Lỗ Giáng. Ảnh trong bài: VIỆT - QUANG |
Lúc 21 giờ ngày 4-10, theo xe ben biển số 92C-111… ngay khi xe này vừa chất đầy đất từ bãi múc trộm chạy ra. Từ đường ĐT602, xe này băng qua UBND xã Hòa Sơn trước khi rẽ vào đường Mê Linh, qua đường 10B. Khi đến nút giao giữa đường 10B và Nguyễn Tất Thành (nối dài), kết thúc hành trình gần 6 km, xe 92C-111… cùng nhiều xe khác rẽ phải vào đổ đất cho một dự án đang san lấp.
Lúc 23 giờ 30 cùng ngày, xe ben biển số 43C-185… sau khi đổ đèo Ông Gấm liền rẽ qua tuyến đường ĐH2 rồi leo lên đường tránh Nam Hải Vân chạy về hướng trung tâm TP. Xe này cùng hơn chục xe trong đoàn lao vun vút trong màn đêm về quốc lộ 14B theo hành trình cầu vượt Hòa Cầm - quốc lộ 1 - Võ Thành Vỹ - Văn Tiến Dũng - Dương Đức Nhan (tổng hành trình khoảng 20 km) rồi vào cổng dự án ngay đình làng Lỗ Giáng. Tại đây, đoàn xe ben lần lượt vào đổ đất theo báo hiệu của những người đã túc trực sẵn. Bên trong dự án, đèn điện sáng choang, các xe múc làm việc hết công suất để nhanh chóng san gạt đất đổ xuống, tạo mặt bằng cho các xe tiếp theo thuận lợi di chuyển.
Còn bên ngoài, ngay nút giao Văn Tiến Dũng - Dương Đức Nhan (đối diện chung cư Văn Tiến Dũng) ầm ào tiếng xi-nhan, tiếng thắng xe. Cả một đoạn đường bụi đất rơi vãi mù mịt, xe chở đất vào ra không ngớt.
Công an sẽ vào cuộc
Theo hồ sơ mà chúng tôi thu thập được, ngày 27-5-2022, UBND huyện Hòa Vang cho phép hộ ông Hoàng Ngọc Hùng và bà Nguyễn Thị Minh Luận (ngụ phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cải tạo, san gạt mặt bằng tại chỗ trên khu đất gần 5.000 m2 vì đất có mặt bằng lồi lõm. Thời gian cải tạo, san gạt là 20 ngày.
Tuy nhiên, sau khi được huyện cho phép thì khu đất biến thành “mỏ đất chui”, chở đi san lấp nhiều nơi ở Đà Nẵng.
Ngày 11-10, sau khi xem những hình ảnh mà chúng tôi cung cấp, ông Hồ Văn Y, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, khẳng định: Vị trí thửa đất đó (thửa đất của ông Hùng và bà Luận - PV) chỉ được san gạt tại chỗ, không được phép chở ra bên ngoài. Ông Y cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã cung cấp thông tin và cho hay sẽ mời hộ dân này lên xã để làm rõ hoạt động khai thác đất không phép tại đây.
Ông Y khẳng định: “Vị trí đất này chỉ được san gạt tại chỗ, không được phép chở ra bên ngoài”. Ông Y cho hay sẽ cử cán bộ liên quan đi kiểm tra và phản hồi sau.
Còn ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, khẳng định thời hạn cho phép cải tạo đất tại đây đã hết từ lâu.
“Lâu nay huyện tập trung truy quét việc khai thác đất không phép. Địa bàn rộng mà các đối tượng làm không giờ giấc, lúc làm cuối tuần, lúc làm rạng sáng. Có thông tin ở đâu là các lực lượng chạy đến nhưng có người canh hay sao mà không bắt quả tang được” - ông Khoa nói và cho hay sẽ yêu cầu công an điều tra làm rõ.•
Không được chở đất khỏi khu vực cải tạo
Theo hồ sơ, ngày 27-5-2022, UBND huyện Hòa Vang có Công văn 1216 gửi ông Hoàng Ngọc Hùng và bà Nguyễn Thị Minh Luận, nội dung: UBND huyện Hòa Vang thống nhất theo đề xuất của Phòng TN&MT huyện về việc xin cải tạo đất, san gạt mặt bằng tại chỗ của ông Hùng và bà Luận tại thửa đất số 688, tờ bản đồ số 06, diện tích cải tạo 4.885 m2.
Mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, địa điểm thôn Tùng Sơn, xã Hòa Sơn. Thời gian thực hiện việc cải tạo là 20 ngày kể từ ngày ban hành Công văn 1216.
Công văn trên nêu rõ: Yêu cầu ông (bà) Hoàng Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Minh Luận thực hiện cắm mốc vị trí ranh giới thửa đất cụ thể trước khi thực hiện việc cải tạo, thông báo thời gian bắt đầu thực hiện đến UBND xã Hòa Sơn để kiểm tra, giám sát, tuyệt đối không được vận chuyển đất ra khỏi khu vực cho phép cải tạo, không làm ảnh hưởng đến các thửa đất lân cận, sử dụng đất đúng mục đích sau khi cải tạo.