Rau xà lách canh tác theo công nghệ cao để xuất khẩu - Ảnh: M.VINH
Cuối tháng 9-2022, hơn 20 tấn rau xà lách tươi đã được xuất đi Singapore. Trong ngành nông sản, vận chuyển mua bán rau lá có thể nói là khó nhất vì hao hụt lớn, thậm chí có thể hư hỏng toàn bộ.
Cơ hội tăng quy mô nhưng thiếu vốn
Những ngày này, nhiều nông hộ của vùng nông sản Đà Lạt (Đà Lạt và các huyện lân cận) đang cấp tập chuẩn bị cho các đơn hàng xuất đi Hàn Quốc, Malaysia, mỗi tuần đến 50 tấn. Xuất khẩu rau củ không phải là chuyện hiếm hoi ở Đà Lạt nhưng trước đây xuất chủ yếu là nông sản cấp đông dùng nguyên liệu chế biến, giá trị không cao.
Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, đến tháng 8-2022 rau củ quả xuất khẩu đạt gần 16.000 tấn với tổng giá trị khoảng 34 triệu USD. Vùng nông sản Đà Lạt chiếm đến 70% tỉ trọng xuất khẩu.
Ông Hoàng Trọng Hiền, giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng, đánh giá dư địa xuất khẩu nông sản của Đà Lạt còn rất lớn. Hiện liên tục có những đoàn doanh nghiệp tìm đến Đà Lạt tìm hiểu và đặt hàng.
Ông Lê Văn Cường, giám đốc Công ty Dalat GAP (Đà Lạt), khẳng định xuất khẩu nông sản Đà Lạt hoàn toàn không khó nếu đảm bảo: làm thật ăn thật.
Ông Cường lý giải: "Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia tìm đến Đà Lạt mua rau nhiều. Đi kèm hợp đồng là quy trình canh tác rất tương đồng với điều kiện canh tác rau công nghệ cao tại Đà Lạt.
Họ không yêu cầu các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nếu có cũng chỉ để tham khảo nhưng phải đạt đủ hai yếu tố: kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn đáp ứng đúng quy định nước xuất khẩu và nhập khẩu. Việc này quan trọng, nếu không đáp ứng được có thể bị tiêu hủy hàng và đền bù hợp đồng".
Nhiều năm xuất khẩu rau củ tươi sang Nhật, ông Cường cho hay nhiều đối tác mua nhưng ông không thể nhận hết đặt hàng vì không đủ vốn đầu tư.
Lợi nhuận xuất khẩu tăng hơn bán nội địa khoảng 10%, nếu vay tiền để sản xuất diện tích lớn cung ứng cho hết các đơn hàng thì phải trả lãi 8%/năm, phần lãi này bào hết phần giá trị gia tăng cho nên phải "liệu cơm gắp mắm".
Với lại, đầu tư trải rộng rất khó hoàn vốn. "Nếu doanh nghiệp nông nghiệp được tiếp cận vốn giá rẻ để tăng hiệu quả đầu tư thì chúng tôi tin sẽ mở được cánh cửa nhiều thị trường khó tính, nâng giá trị thương hiệu nông sản Đà Lạt", ông Cường nói.
Nguồn: Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng - Dữ liệu: MAI VINH - Đồ họa: N.KH.
Cần điểm tựa thúc đẩy xuất khẩu
Vùng rau Đà Lạt có khoảng 20.000ha sản xuất rau công nghệ cao, dự kiến đến năm 2025 diện tích này sẽ tăng thêm 15%, đạt sản lượng 2,8 triệu tấn/năm. Nhiều chuyên gia nhận định, với sản lượng như hiện nay, kênh xuất khẩu nông sản Đà Lạt phải được mở rộng.
Nhiều chủ trang trại lớn tại Đà Lạt khẳng định thị trường châu Á với khoảng 15 ngày vận chuyển không là cản ngại. Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cuối tháng 9-2022, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã bước đầu làm việc để đưa nông sản Đà Lạt vào chuỗi phân phối của Tập đoàn Walmart.
Tuy nhiên, nhiều trang trại cho rằng thị trường rau sạch trong nước là chỗ dựa quan trọng cho hoạt động xuất khẩu.
"Thị trường nội địa có khoảng trống rất lớn, nếu rau sạch Đà Lạt được hưởng những cơ chế minh bạch để có mặt ở các chuỗi phân phối, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị lớn thì mới có điểm tựa để thúc đẩy xuất khẩu".
Ông Trần Huy Đường, chủ nông trại Langbiang Farm (phường 7, TP Đà Lạt), cho biết ông chỉ xuất khẩu 1/3 sản lượng rau. Để có thể tối đa lợi nhuận, ông Đường sắp xếp để tự lo việc xuất khẩu từ khâu thu hoạch cho đến khi container lạnh chứa rau được đưa lên tàu.
Ông Đường nói: "Cái khó lúc này là nếu chỉ bán ở khu vực Đông Nam Á, thì chỉ xuất khẩu được sáu tháng/năm khi các nước bị ảnh hưởng mưa, thời tiết cực đoan. Do đó tôi chỉ xuất bán 1/3 sản lượng.
Thị trường châu Âu là cửa ra để nâng sản lượng xuất khẩu nhưng nếu bán sang khu vực này phải tổ chức lại hệ thống sau thu hoạch: sơ chế, đóng gói, làm lạnh nhằm đáp ứng việc bảo quản nông sản trong suốt 45 ngày vận chuyển".
Theo ông Đường, công nghệ sau thu hoạch vẫn là "mảng trắng", đầu tư vào mảng này, không nhà vườn nào có thể tự làm được.
Bị "sốc nhiệt" với giá vật tư, cước phí
Giá cước vận tải quốc tế tăng gần gấp đôi, cùng với đó là giá vật tư nông nghiệp "nhảy múa" đã khiến nhiều nông trại phải giảm hoặc từ bỏ các hợp đồng xuất khẩu.
Trang trại Trường Phúc (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) xuất khẩu rau xà lách thủy canh sang Hàn Quốc từ năm 2018. Sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát.
Sau dịch, trang trại này cho hay không thể xuất khẩu không phải vì thiếu đơn hàng mà vì chi phí sản xuất trong nước biến động liên tục khiến trang trại khó cân bằng giá thành trong khi đối tác đưa ra giá cứng cho một chu kỳ 6 - 12 tháng.
Đơn cử, theo thông tin từ trang trại này, giá đặt hàng của đối tác 2,6 USD/kg xà lách, nhưng khi cân đối giá cho cả chu kỳ thì giá thành có thể đội lên 3,2 USD/kg xà lách.
Cùng với ảnh hưởng từ giá vật tư nông nghiệp nên phía trang trại phải bỏ hợp đồng 150 tấn rau xà lách, cung ứng trong sáu tháng.
Xuất khẩu rau củ còn ít
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, ước tính trị giá xuất khẩu hàng rau củ quả của Việt Nam trong tháng 9 đạt 250 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung trong chín tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước tính đạt 2,45 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay hiện rau xuất khẩu khó vì không đạt dư lượng các chất theo quy định của nước nhập khẩu, không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đơn vị xuất khẩu rau ăn lá sang thị trường EU ở thập niên 1990 thôi. Còn sau này rất khó, và hiện còn ít. Năm vừa qua, sản lượng rau củ quả xuất khẩu là 3,2 tỉ USD, thì rau củ chỉ gần 15 triệu USD.
Cũng theo ông Nguyên, để mở rộng quy mô rau xuất khẩu, cần có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ nước ngoài vào Việt Nam. Nên hợp tác hoặc mua công nghệ. "Có thể nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan Việt Nam tại nước ngoài, các đại sứ quán, tham tán thương mại để kết nối các trung tâm công nghệ, doanh nghiệp nước ngoài, các siêu thị...", ông Nguyên nhấn mạnh.
THẢO THƯƠNG
TTO - Hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 1,5 tỉ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mặt hàng rau quả đạt 445 triệu USD, giảm trên 21% so với cùng kỳ năm trước.
Xem thêm: mth.58514457071012202-ohk-nav-oas-uc-uar-uahk-taux/nv.ertiout