Ông Tất Thành Cang và các bị cáo tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Hình thức là đầu tư, bản chất là chuyển nhượng dự án
Đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng theo quy định tại khoản 8, điều 3 Luật số 69, điều 2, điều 3 Luật tài sản công thì tài sản của tổ chức Đảng là tài sản nhà nước.
Ở vụ án này, Công ty Tân Thuận được thành lập từ việc sáp nhập hai doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là Công ty Kho vận Nhà Bè và Công ty Xây dựng và phát triển nhà Nhà Bè. Do vậy, đây là công ty có vốn tiếp nhận nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Việc Tân Thuận ký hợp đồng hợp tác với Quốc Cường Gia Lai, về hình thức là đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, nhưng bản chất là chuyển nhượng toàn bộ dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước.
Về thời điểm xác định thiệt hại, viện kiểm sát cho rằng khoản 1, điều 10 nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng thẩm phán quy định trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.
Ở vụ án này, tài sản nhà nước không bị chiếm đoạt mà chỉ bị thất thoát. Hành vi phạm tội của các bị cáo liên tục, kéo dài. Tài sản nhà nước bị thất thoát cho đến thời điểm hủy bỏ hợp đồng ở dự án Phước Kiển. Còn ở dự án Ven Sông, tội phạm chỉ dừng lại khi vụ án được khởi tố, song tài sản ở dự án này không thu hồi được.
Do đó, việc viện kiểm sát xác định trị giá tài sản nhà nước bị thất thoát ở thời điểm hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng dự án Phước Kiển, ở thời điểm khởi tố vụ án dự án Ven Sông là có căn cứ.
Viện kiểm sát ghi nhận thái độ của ông Tất Thành Cang
Đối với ý kiến cho rằng các bị cáo thuộc Văn phòng Thành ủy, Thành ủy chỉ cho chủ trương chung, viện kiểm sát cho rằng các bị cáo ở nhóm đại diện chủ sở hữu, là người được giao nhiệm vụ quản lý tài sản nhà nước ở doanh nghiệp nên buộc phải biết các quy định của pháp luật về quản lý doanh nghiệp, quản lý tài sản nhà nước ở doanh nghiệp.
Các tờ trình, đề xuất mà Tân Thuận trình lên đều ghi rõ giá chuyển nhượng, diện tích đất chuyển nhượng, số tiền nhận được… Do vậy, không thể nói rằng chỉ cho ý kiến về chủ trương. Việc có giá cụ thể, diện tích cụ thể buộc các bị cáo phải có ý kiến đối với giá mà công ty trình lên. Khi đã thống nhất với giá rồi thì việc ghi thêm "phải thực hiện theo quy định của pháp luật" không có giá trị.
Viện kiểm sát cho rằng quá trình xét hỏi, ông Tất Thành Cang đã xác định mình có trách nhiệm trong việc để xảy ra hậu quả thất thoát tài sản trong việc chuyển nhượng dự án khu dân cư Phước Kiển nên viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng tình tiết thành khẩn khai báo, thể hiện thái độ ăn năn hối cải.
Đặc biệt, tại phần tranh luận, ông Cang một lần nữa nhận trách nhiệm của mình, đề nghị HĐXX xem xét nếu hành vi của bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước thì bị cáo sẽ cùng gia đình xin được nộp tiền khắc phục hậu quả.
"Việc nhận tội của bị cáo, theo đánh giá của chúng tôi là hết sức thành khẩn, thể hiện được thái độ ăn năn, hối cải không chỉ đối với riêng bị cáo, cho các bị cáo trong vụ án này, mà còn là lời cảnh tỉnh cho cán bộ hiện đang công tác" - viện kiểm sát đánh giá.
Quốc Cường Gia Lai có lỗi không tìm hiểu kỹ
Đối đáp với quan điểm của luật sư bảo vệ Quốc Cường Gia Lai, viện kiểm sát cho rằng việc Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai là trái quy định pháp luật. Do đó, hợp đồng đã ký giữa Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai là vô hiệu.
Theo quy định của Bộ luật dân sự, khi hợp đồng vô hiệu, hai bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, nếu bên nào có lỗi thì phải bồi thường. Tuy nhiên, Tân Thuận là doanh nghiệp nhà nước đầu tư, bản thân Quốc Cường Gia Lai khi thực hiện việc giao dịch tài sản với doanh nghiệp nhà nước đầu tư buộc phải biết là phải thực hiện theo đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Khi thực hiện thương vụ bán dự án Phước Kiển mà đúng quy định của Nhà nước, các cá nhân thực hiện hành vi chuyển nhượng trái pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự theo nội dung vụ án. Riêng Quốc Cường Gia Lai cũng có phần lỗi khi không tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật về chuyển nhượng dự án tại doanh nghiệp nhà nước.
Việc chuyển nhượng dự án đã được xác định là trái pháp luật, các cá nhân thực hiện hành vi trái pháp luật đều bị xét xử hình sự, nên không thể giải quyết phần hủy hợp đồng theo quy định dân sự. Do vậy, việc Quốc Cường Gia Lai yêu cầu được nhận lại số tiền lãi đã nộp cho Cơ quan an ninh điều tra là không có căn cứ.
Ngoài ra, viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX nhận định ở bản án về việc Quốc Cường Gia Lai không được hoàn thuế đối với 20% tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền lãi 21 tỉ đồng đã nhận của Tân Thuận. Nếu cho phép Quốc Cường Gia Lai được hoàn thuế thì phải buộc Quốc Cường Gia Lai trả lại toàn bộ 21 tỉ đồng đã nhận cho Công ty Tân Thuận.
TTO - Chiều 14-10, phiên tòa xét xử vụ bán rẻ dự án Phước Kiển, Ven Sông tiếp tục tranh luận. Tự bào chữa, ông Tất Thành Cang thừa nhận trách nhiệm của mình và xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho cấp dưới.