Vô tư bày bán nhiều chim, cò ven tuyến đường tỉnh 952, đoạn gần cầu Tân An, xã Tân An, thị xã Tân Châu, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 19-10, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, trên tuyến quốc lộ 91C, đoạn xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang có 2 địa điểm bày bán chim, cò các loại như: chằng nghịch, ốc cao, cúm núm, chao chảo, cu đất (cu cườm), vạc, cò ma… các loại này dao động 12.000 - 170.000 đồng/con tùy theo loại và kích cỡ khác nhau.
"Số lượng chim, cò này do nhiều người dân ở khu vực biên giới An Phú săn bắt được rồi bán cho chúng tôi. Họ bắt có khi nhiều, khi ít. Tôi bán vậy rẻ rồi, vì nhiều người mua số chim cò này bán cho các quán có giá cao hơn nhiều", chị K., bán chim, cò tại khu vực Đa Phước, nói.
Tiếp tục ngược về tuyến đường tỉnh 952, qua khỏi cầu Tân An, đoạn xã Tân An, thị xã Tân Châu, An Giang cũng có vài điểm bán chim, cò ven đường cho khách đi đường.
Thấy chúng tôi dừng lại xem, vợ chồng chị Y. chào hàng: "Anh chọn con vạc sống hay chết, nếu còn sống có giá 100.000 đồng/con, còn chết có giá 80.000 đồng/con. Mấy con này chết là do vợ chồng tôi để trong bao tải nhiều quá mà di chuyển từ xa về nên nó chết ngộp, chứ còn ngon lắm".
Nhiều chim, cò bị ngột chết do quá trình vận chuyển nên họ phải làm thịt rồi bày bán với giá 80.000 đồng/con - Ảnh: BỬU ĐẤU
Chị Y. cho biết vợ chồng chị đã mua số chim, cò này của người dân tại các xã: Phú Long, Phú Lâm thuộc huyện Phú Tân, An Giang. Tại đây có nhiều người làm nghề bẫy chim, cò mùa lũ để mưu sinh. "Mùa nước này nhờ buôn bán chim, cò mà có tiền sống, người dân cũng có thu nhập từ việc săn bắt chim, cò", chị Y. nói thêm.
Nói về việc này, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang thừa nhận khu vực xã Đa Phước, huyện An Phú đã xuất hiện việc mua bán chim, cò gần đây. Còn khu vực cầu Tân An thì ông mới biết. "Tôi sẽ chỉ đạo lực lượng đội cơ động của kiểm lâm tỉnh An Giang đến các địa điểm nêu trên để kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng mua bán chim, cò trái phép", vị này nói.
Còn ông Nguyễn Tấn Thành - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp - cho hay đơn vị vừa phối hợp với Công an tỉnh Đồng Tháp phát hiện 1 hộ kinh doanh có hành vi mua bán động vật hoang dã, gồm: 21 con rùa ba gờ; 5 con vạc và 20kg rắn hổ hành. Trong đó, 21 con rùa ba gờ thuộc danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB.
Đôi vợ chồng này bày bán chim, cò trên tuyến quốc lộ 91C, đoạn xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng, tịch thu tang vật và tổ chức thả số động vật hoang dã trên về môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
"Từ đầu mùa lũ, chúng tôi đã kiểm tra mấy lần tại các huyện biên giới và các chợ. Bước đầu chưa phát hiện người dân săn bắt chim, cò, mà chỉ phát hiện tại một số chợ có người bán chim, cò", ông Thành nói thêm.
Đôi vợ chồng này cho biết toàn bộ chim, cò do người dân ở huyện An Phú bắt được nhiều sẽ bán nhiều - Ảnh: BỬU ĐẤU
TTO - Ngày 26-7, lãnh đạo Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú, An Giang cho biết đơn vị đang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang và các lực lượng chức năng điều tra vụ vận chuyển 94 động vật hoang dã từ Campuchia về Việt Nam.
Xem thêm: mth.86395732191012202-ion-coun-aum-oc-mihc-nab-aum-gnart-hnit-gnod-oab/nv.ertiout