vĐồng tin tức tài chính 365

Nỗi niềm xin trợ cấp thất nghiệp

2022-10-20 09:22
Nỗi niềm xin trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục nhận trợ cấp tại chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: YẾN TRINH

Dịch bệnh kéo dài, tôi đã phải chi tiêu hết số tiền dành dụm. Đang một mình nuôi con trai học lớp 6, tôi mong nhận được khoản trợ cấp thất nghiệp.

Chị Phạm Nhiên

Trong thời gian chưa có việc làm, nhiều người đã đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp để trang trải cuộc sống. Với những ai có mức thu nhập thấp, thời gian 3 - 4 tháng chờ nhận đợt trợ cấp đầu tiên cũng là lúc họ "bạc mặt" với đủ thứ chi tiêu.

Buồn vui với... thủ tục

Mong muốn "tới sớm về sớm", ai cũng nhanh chóng lấy số thứ tự, chuẩn bị giấy tờ, sổ bảo hiểm xã hội... Trong không khí lao xao, chị Phạm Nhiên (44 tuổi, quê Cà Mau) tranh thủ điền đơn. Không rành thủ tục, chị quay qua nhờ hai cô gái trẻ ngồi gần cộng giùm số tháng đóng bảo hiểm để hưởng trợ cấp. Sau khi yên tâm đã chuẩn bị đầy đủ, chị thấp thỏm ngồi đợi tới tên mình vào nộp hồ sơ.

Không đơn giản như chị Nhiên, anh Lê Trung (32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết mình mất một tuần đi lại giữa nơi này và chi nhánh bảo hiểm xã hội quận 10 do có sự nhầm lẫn khi cộng gộp số tháng đóng bảo hiểm. 

Anh nói: "Do tôi trải qua công việc văn phòng hai nơi, công ty cuối lại đổi pháp nhân nên tôi phải lên Bảo hiểm xã hội quận 10 điều chỉnh. Tới nơi, họ nói tôi phải ra tận... Hà Nội để chỉnh vì pháp nhân công ty tôi nằm ngoài đó". Sau khi thắc mắc tại sao không có sự liên thông, anh mới được giải quyết. Khi đã nhận giấy hẹn, anh cho biết còn phải đợi cỡ nửa tháng nữa mới có kết quả, "êm xuôi thì khoảng ba tháng sau nhận tiền trợ cấp".

Tương tự, tại chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp quận Bình Thạnh, nhiều người cũng than ngắn thở dài vì những nỗi nhọc nhằn trong khâu thủ tục. Ông Nguyễn Ngọc Lễ (59 tuổi, ngụ Bình Thạnh) không nhớ chính xác đã bao nhiêu lần đặt chân đến chi nhánh này. 

Cầm tập hồ sơ trên tay, ông cho biết mình từng làm nhân viên cho một tổ chức hữu nghị 15 năm, tháng 6 vừa rồi ông nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau vài lần chạy đi chạy lại bổ túc giấy tờ, hồi tháng 9, ông thở phào khi hồ sơ của ông được duyệt với số tiền trợ cấp chia theo tháng gần 2,8 triệu đồng.

Chờ hoài không thấy tiền vào tài khoản, ông Lễ tiếp tục "lối cũ ta về", trở lại chi nhánh để hỏi cho rõ. Đi cùng ông là người bạn đời, bà cho biết: "Biết ổng nản lắm nên tôi xin nghỉ một buổi đi theo coi sao". 

Sau khi nghe phía tiếp nhận hồ sơ giải thích, vợ chồng ông nhận ra rằng mình đã mừng quá sớm. "Bộ phận tiếp nhận hồ sơ cho biết đã thất lạc bảng lương trong sổ bảo hiểm của tôi. Vì lý do này mà họ chưa cho nhận tiền. Bây giờ họ nói về xin bảng lương nộp vô lại từ đầu. Tôi đã chờ đợi, mất công lên xuống ba tháng trời rồi...", người đàn ông đã lớn tuổi nói như mếu.

Gần hết giờ làm việc buổi sáng, vợ chồng anh Tống Minh Phước (35 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) vẫn đang loay hoay điền thông tin vào tờ đơn. Anh Phước nói trước đây mình làm nhân viên vệ sinh, tổng số tháng đóng bảo hiểm là 15. Anh mong thủ tục gọn lẹ để lấy tiền chi tiêu trong nhà trong thời gian tìm việc mới. 

Gần đó, vừa ôm con, chị P.L. (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) vừa điền thủ tục. Đi lại giữa các phòng, tay ẵm con, tay cầm bình sữa, dáng vẻ chị mỏi mệt vì những ngày trước đã phải lên xuống các chi nhánh bảo hiểm khác để điều chỉnh việc cộng gộp số tháng.

Nỗi niềm xin trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 3.

Cùng vui đùa với con trong khi chờ đến lượt nhận trợ cấp

Trang trải qua ngày

Nhiều người cho biết do số tiền lãnh được chia nhỏ theo quy định nhận tiền nhiều đợt nên không thấm vào đâu. So với mức sống ở thành phố, nếu không tìm một việc gì đó "làm đỡ", họ khó mà trụ lại. Những trường hợp muốn về quê ngay cũng không được, vì phải chờ làm thủ tục nhận trợ cấp. Trong khi đó, tiền trọ và miếng cơm manh áo cứ "réo gọi" mỗi ngày.

Vẻ mặt buồn buồn, anh Tăng Hoài Vũ (31 tuổi, quê Sóc Trăng) cho biết thời điểm anh nghỉ việc do cắt giảm nhân sự, vừa lo làm hồ sơ hưởng trợ cấp, anh vừa loay hoay kiếm việc giao hàng thời vụ. "Mỗi đơn giao thành công tôi nhận 7.000 - 8.000 đồng. Sáng tôi tranh thủ chở con tới lớp mẫu giáo, chiều giao hết hàng mới đi đón con về", anh kể.

Anh Vũ liệt kê sơ sơ những thứ cần chi tiêu dù đã rất tằn tiện trong một tháng: căn phòng trọ bề ngang 3m ngốn 1,4 triệu đồng chưa tính điện nước, tiền gửi con 2 triệu đồng, tiền ăn, xăng xe... Khoản trợ cấp hơn 2,7 triệu đồng/tháng chỉ như muối bỏ biển, nhưng anh nói "có còn hơn không", dù để lãnh được nó, anh cảm thấy tủi thân. Không ai muốn mình thất nghiệp để đi lãnh như vậy.

Còn với chị Nguyễn Thị Bích Huyền (30 tuổi, quê Quảng Ngãi), do mức đóng bảo hiểm của công ty cao hơn nên mỗi tháng chị nhận hơn 4 triệu đồng tiền trợ cấp. Số tiền này nhanh chóng đổ vào tiền học của con trai 9 tuổi, tiền sữa của con gái gần 3 tuổi, tiền sinh hoạt phí và trả góp chiếc xe máy.

"Hồi trước tôi làm bên quận Bình Tân. Sau đợt dịch bệnh, tôi nghỉ việc rồi cả nhà chuyển về sống ở TP Thủ Đức. Giờ tôi bán nước mía đỡ, còn chồng chạy xe ôm công nghệ", chị tâm sự. Do đang vừa chăm con vừa chăm cha mẹ chồng già yếu, chị bộc bạch rằng có lẽ năm sau mới tính đến chuyện kiếm việc làm.

Nỗi niềm xin trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Ngọc Lễ tỏ vẻ mệt mỏi khi đã qua ba tháng mà thủ tục chưa giải quyết xong

"Ở đây dễ sống, về quê không biết sao..."

Dù chưa tìm được việc phù hợp, nhiều người khi được hỏi có ý định về quê không thì đa số cho biết sẽ trụ lại thành phố. "Ở đây dễ sống, về quê không biết sao...", anh Vũ nói.

Để minh chứng cho điều đó, anh Vũ kể: "Tôi đi giao hàng cũng nhiều người tốt với mình. Nhiều khi người ta bo 1.000 đồng, 2.000 đồng, chiều gộp lại cũng được chút chút. Có khi chờ khách để giao mà người ta hẹn lại thì họ cho 20.000 đồng. Bữa nào không đủ định mức đơn, mấy anh em làm chung nhường đơn cho tôi...". Tiền công, tiền bo, anh đem hết về lo cho gia đình. Sáng đi làm, anh thường ăn cơm nguội, cắm sẵn nồi cơm. Nếu trưa đi giao hàng gần nơi ở, anh sẽ ghé về đỡ tốn tiền ăn quán và có thể chợp mắt một chút.

Còn chị Phạm Nhiên, sau khi nghỉ việc hồi tháng 8 do công ty thiếu hàng, chị loay hoay làm thủ tục để nhận trợ cấp. Chị nói: "Trước đó, do thời gian dịch bệnh kéo dài, tôi đã phải chi tiêu hết số tiền dành dụm. Đang một mình nuôi con trai học lớp 6, tôi mong nhận được khoản trợ cấp...". Chị dự định tìm công việc làm 12 tiếng/ngày để có mức lương cao hơn. Khi hỏi về mơ ước ở cái tuổi chẳng còn trẻ nữa, chị nói sau này sẽ dành dụm chút vốn rồi buôn bán nhỏ nhỏ, hai mẹ con đủ sống là được.

Quê anh Vũ ở miệt Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng. Mười bốn năm mưu sinh nơi thành phố này, dù thiếu nhiều hơn đủ, nhưng anh nói dù sao vẫn còn hơn về quê. Rồi anh tâm sự, địa phương đang hoàn thành thủ tục cấp đất cho bà con khó khăn, nếu ổn thỏa gia đình anh có thể nhận được bốn công đất (khoảng 4.000m2). Anh mơ về một ngày có thể dẫn vợ con về làm ruộng làm rẫy trên mảnh đất quê hương, dù xa xôi cách trở nhưng còn hơn mãi mệt nhoài nơi quê người.

Rồi anh Vũ trở lại thực tại khi có thông báo nộp giấy tờ: "Mời anh chị có số thứ tự 90 đến 100 vào phòng...".

Mong cách giải quyết "thoáng" hơn

Nhiều người khi làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp bày tỏ muốn thủ tục nhanh gọn hơn. Anh Lê Trung mong đơn vị chi trả có thể trả các đợt trợ cấp sau qua thủ tục online, đồng thời khai báo trực tuyến về việc "chưa có việc làm" để tiếp tục nhận trợ cấp.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên xem xét rút ngắn thời gian chờ nhận trợ cấp. Vì sau khi nghỉ việc, nhiều người không có "của để dành" nên không biết sống thế nào cho đến lúc nhận được tiền trợ cấp, phải đi kiếm việc thời vụ đắp đổi.

Xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp nhưng công ty cũ không cung cấp hợp đồng lao động?Xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp nhưng công ty cũ không cung cấp hợp đồng lao động?

TTO - Tôi muốn xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Bảo hiểm xã hội quận, nhưng họ nói nếu không có hợp đồng lao động thì không giải quyết.

Xem thêm: mth.69222822291012202-peihgn-taht-pac-ort-nix-mein-ion/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nỗi niềm xin trợ cấp thất nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools