Góp phần tích cực hạn chế “tín dụng đen”
Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành Kinh tế Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, thời gian qua, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Đối với hoàn thiện khung khổ pháp lý, NHNN đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng như: Hướng dẫn hoạt động cho vay phục vụ đời sống của TCTD đối với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/20216); Ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hướng mở rộng mục đích vay vốn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân, tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ (Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/3/2016, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 4/11/2019); Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng thông qua nghiệp vụ phát hành thẻ tín dụng của các TCTD (Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016) về hoạt động thẻ ngân hàng. Các quy định này đảm bảo phù hợp với hoạt động của từng loại hình tổ chức tín dụng (TCTD), mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và hình thức cấp tín dụng; từ đó, mở rộng và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
Đối với khách hàng vay là người yếu thế, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ nâng mức cho vay, sửa đổi, gia hạn chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo (Quyết định 02/2021/QĐ-TTg); Trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ các đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Nghị định 28/2022/NĐ-CP); Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia (Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2021).
NHNN cũng ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng, áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng (eKYC, Mobile Money, Fintech, thanh toán không dùng tiền mặt), tạo điều kiện thuận lợi giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức, mở rộng tín dụng tiêu dùng.
NHNN thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo đó, các TCTD đã triển khai nhiều sản phẩm tín dụng cho mục đích tiêu dùng về nhà ở, khám chữa bệnh, học tập, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại,... triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng gắn với các nhóm khách hàng đặc thù với lãi suất, mức vay và thời gian vay ưu đãi. Báo cáo của 16 TCTD có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn cho biết hiện có trên 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai đến người dân.
Về phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân; 3 năm trở lại đây, NHNN đã cấp phép thành lập mới nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện cho các TCTD. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 TCTD và gần 1.200 Quỹ TDND; đã có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và hơn 74 nghìn điểm giới thiệu dịch vụ tại tất cả các tỉnh, thành phố; có 4 Tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 PGD tại 24 tỉnh, thành phố.
Công tác truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân được tăng cường, nâng cao về chất lượng, hiệu quả và hình thức truyền thông; kịp thời giải đáp nhiều kiến nghị; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen”. Vụ Truyền thông NHNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều chương trình giáo dục tài chính có ý nghĩa và sức lan tỏa như: “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, “Tay hòm chìa khóa”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”… giúp người dân có đầy đủ kiến thức cần thiết, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức và quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận phù hợp để dành nguồn lực chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khách hàng; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; miễn, giảm lãi, phí cho vay; tập trung nguồn lực, tạo điều kiện tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Chỉ đạo NHCSXH tích cực huy động nguồn vốn và đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, trong đó cho vay máy tính học trực tuyến, cho vay nhà ở xã hội,…
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành Kinh tế Phạm Thị Thanh Tùng phát biểu tại hội thảo.
Tính đến ngày 30/9/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế với 84 TCTD tham gia cho vay. Dư nợ cho vay tiêu dùng của các Công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành Kinh tế chia sẻ, hoạt động cho vay tiêu dùng đã có bước nhảy vọt cả về số lượng TCTD tham gia, mức độ đa dạng về sản phẩm tín dụng tiêu dùng và quy mô dư nợ. Tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân 10 năm 2010 - 2020 (33,7%) luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế (17,3%). Trong 2 năm 2020 và năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên từ đầu năm 2022, cùng với sự phục hồi của kinh tế - xã hội, tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng trưởng trở lại. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng trong tổng dư nợ nền kinh tế, từ đó ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen” theo chủ trương của Chính phủ.
Tiếp tục thúc đẩy tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng, hợp pháp của người dân
Hiện nay dịch Covid – 19 đã được kiểm soát tốt, nền kinh tế nói chung, các ngành sản xuất sản phẩm tiêu dùng, thị trường bán lẻ đang trong giai đoạn phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của người dân về xây dựng, sửa chữa nhà ở, du lịch, học tập, chăm sóc sức khỏe,… sẽ tăng mạnh, kéo theo nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng trưởng cao.
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng, hợp pháp của người dân, góp phần cùng các cấp, các ngành đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế “tín dụng đen”, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; Hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển hoạt động tài chính tiêu dùng.
Hai là, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng đảm bảo an toàn hiệu quả hoạt động của các TCTD.
Bốn là, đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về lợi ích tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất, cũng như giúp họ thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”.
LK - Ảnh: MT
Xem thêm: 210235VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www