CTCP Licogi 14 HNX: L14) mới đây đã công bố BCTC ghi nhận doanh thu tăng 99% lên 35 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 7,6% về hơn 8 tỷ đồng trong quý III/2022.
Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng số doanh thu của công ty là khoản thu từ bán hàng đạt 34,8 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công ty cũng thu về 227,5 triệu đồng từ cho thuê kiot chợ Minh Phương và không ghi nhận doanh thu từ hoạt động xây dựng.
Doanh thu tăng cao nhưng giá vốn doanh nghiệp thậm chí còn ghi nhận tăng tới 225% lên mức hơn 13 tỷ đồng đã khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm từ 77% về chỉ còn 62,7%.
Đồng thời, trong kỳ, hàng loạt chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận tăng trưởng. Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng mạnh từ 0,17 tỷ đồng lên 6,2 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn.
Như vậy, giá vốn và chi phí tăng cao đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến Licogi 14 báo lãi đi lùi so với cùng kỳ xuống mức 8,12 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Licogi 14 đạt 129 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh kém sắc nửa đầu năm (lỗ sau thuế 23,73 tỷ đồng), Licogi 14 ghi nhận lỗ sau thuế 15,61 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 39 tỷ đồng.
Tổng tài sản tại cuối quý III/2022 của doanh nghiệp đạt gần 554 tỷ đồng, giảm 3,5% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận ở mức 155,8 tỷ đồng, tăng 29,9% so với đầu kỳ, phần lớn nằm tại chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (155 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, chứng khoán kinh doanh ghi nhận phát sinh thêm 105 tỷ đồng so với đầu năm (đầu năm không ghi nhận khoản này), theo đó công ty cũng có thêm khoản trích lập dự phòng hơn 68,7 tỷ đồng cho khoản đầu tư tài chính này, tương ứng mức lỗ 65% tổng danh mục nhưng doanh nghiệp không công bố danh mục các cổ phiếu đang đầu tư.
Trước đó, theo báo cáo bán niên 2022, Licogi 14 từng chia sẻ kết quả kinh doanh thua lỗ đến từ việc doanh nghiệp phải trích lập dự phòng mảng đầu tư tài chính, trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến kém khả quan.
Doanh nghiệp cũng khẳng định tất cả các mã chứng khoán đang đầu tư đều là doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về các dự án bất động sản, có nền tảng tài chính vững mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường.
Dù không công bố danh mục đầu tư chứng khoán, nhưng theo BCTC kiểm toán năm 2021 của Licogi 14, tham gia vào thị trường chứng khoán giúp doanh nghiệp có các khoản thu lên đến cả trăm tỷ đồng khi rót vốn vào các mã CEO và DIG. Trên thị trường hiện nay, cả hai mã cổ phiếu trên đều đã giảm khoảng 70% - 80% so với thị giá hồi đầu năm 2022.
Về phần nguồn vốn, dư nợ tài chính tại thời điểm ngày 30/9 của Licogi14 đạt 18,3 tỷ đồng, tăng gần 70% so với đầu năm, trong đó nợ dài hạn hơn 12 tỷ đồng đều là từ các khoản vay ngân hàng.
Trước tình hình kinh doanh kém khả quan, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã Quyết định đưa cổ phiếu của Licogi 14 vào danh sách không được phép giao dịch ký quỹ kể từ ngày 19/8. Lý do được đưa ra do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 của Licogi 14 là số âm.
Thị giá cổ phiếu của L14 cũng không khá khẩm hơn so với kết quả kinh doanh khi ghi nhận lao dốc dài hạn. Từng được giao dịch trong vùng giá trên 400.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2022, đến nay mã L14 đã giảm tới 87,5% xuống giao dịch quanh vùng giá trên 50.000 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 20/10).